Ẩn ý về Nga qua cách Trump chọn nơi công bố chính sách đối ngoại

Ngọc Minh |

Chuyên gia người Mỹ đã chỉ ra những dấu hiệu ngầm liên quan tới nước Nga sau cách Trump lần đầu phát biểu về chính sách đối ngoại.

Ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tuần trước đã chính thức công bố chính sách đối ngoại của mình trước những chuyên gia về chính sách tại khán phòng bên trong khách sạn Mayflower, dưới sự bảo trợ của Trung Tâm vì Lợi ích Quốc gia (Center for the National Interest).

Bài phát biểu cho thấy giai đoạn mới nhất trong quá trình điều chỉnh chiến lược, do Paul Manafort - nhân vật mới được Trump "chiêu mộ" nhằm chuyên nghiệp hoá chiến dịch tranh cử của mình - triển khai.

Nhà phân tích James Kirchick từ Viện Sáng kiến Chính sách Đối ngoại (Mỹ) chỉ ra, việc Trump lựa chọn Trung tâm vì Lợi ich Quốc gia làm nơi phát biểu nghiêm túc về chính sách đối ngoại không phải là ngẫu nhiên và có "dấu tay" của Manafort.

Giữa Manafort và Trung tâm này có một điểm chung rất quan trọng: Cả 2 đều có mối quan hệ với Tổng thống Nga Putin.

Manafort có kinh nghiệm nhiều năm làm cố vấn cho Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych, và cũng từng nhận được một khoản rất hậu hĩnh để "làm sạch" hình ảnh tiêu cực của nhà lãnh đạo này - giống như việc ông ta đang cố gắng làm với Trump.

Còn được biết tới với tên gọi Trung tâm Nixon, Trung Tâm vì Lợi ích Quốc gia ủng hộ chính sách đối ngoại theo trường phái "chủ nghĩa hiện thực".

Cả trung tâm này lẫn tạp chí của họ - National Interest, là hai trong số những cơ quan có cảm tình nhất với Kremlin tại Mỹ, và nhiều năm qua luôn là đối tác của Viện Hợp tác và Dân Chủ - hoạt động với sự tài trợ từ chính phủ Nga, có trụ sở ở New York.

Theo tài liệu từ Bộ Ngoại giao Mỹ mà WikiLeaks công bố, người đứng đầu viện này Adranik Migranyan từng được đích thân Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chỉ định.

Trong khi đó, Giám đốc Trung Tâm vì Lợi ích Quốc gia Dmitri Simes từng là cố vấn của Tổng thống Nixon và trong suốt nhiều thập kỷ đã sử dụng mối quan hệ với Kremlin để củng cố danh tiếng ở Washington, trở thành một trong số ít những nhân vật thân Nga, hiểu tường tận nền chính trị của quốc gia này, theo ông Kirchick.

Năm 2013, Simes đã xuất hiện bên cạnh Tổng thống Nga Putin tại Câu Lạc bộ Thảo luận Quốc tế Valdai - một sự kiện từng được các quan sát viên phương Tây tới tham dự trước khi Nga sáp nhập Cirmea.

Tại đây, ông Putin đã gọi Simes là "một đồng nghiệp, một người bạn Mỹ" của mình, và Simes đáp lễ bằng cách khẳng định, "tôi hoàn toàn ủng hộ lập trường cứng rắn của Putin (về Syria)".


Donald Trump dường như đang chứng minh rằng tuyên bố có mối quan hệ tốt đẹp với Putin không phải chỉ là chém gió.

Donald Trump dường như đang chứng minh rằng tuyên bố "có mối quan hệ tốt đẹp với Putin" không phải chỉ là "chém gió".

Một mối liên hệ khác nữa kết nối giữa Trump với Trung tâm này và với nước Nga là Richard Burt - chủ tịch Hội đồng Cố vấn của National Interest, cựu Đại sứ Mỹ ở Đức, thành viên hội đồng cố vấn cấp cao của ngân hàng Alfa Bank (Nga), một nhân vật nữa "góp công" trong bài phát biểu của vị tỉ phú người Mỹ.

Theo một nguồn tin riêng mà Kirchick có được, Burt đã thể hiện sự đồng tình với một số chính sách của Trump như chính sách coi "Nước Mỹ là số một" hay vấn đề về người nhập cư, thậm chí còn lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ cho Trump trước một nhóm các chuyên gia chính sách đối ngoại Mỹ.

Một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống Reagan từng làm việc với Burt tiết lộ, ông này "sở hữu giác quan thứ sáu nhạy bén, luôn biết điều gì được nhiều người muốn hoặc gió sẽ thổi theo chiều nào và rồi ông ta sẽ đi theo chiều đó.

Sẽ vô cùng giá trị nếu quan sát ông ta bởi nếu ông ta nghĩ gì, thì quyền lực sẽ xoay chuyển theo hướng đó".

Việc Trump lựa chọn cố vấn chính sách cho chiến dịch tranh cử không chỉ thể hiện mối liên hệ giữa ông và nước Nga của Putin, mà còn thể hiện khuynh hướng đối ngoại của ứng viên này, đúng như hứa hẹn trước đây về một mối quan hệ tốt đẹp với Kremlin.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại