Thương anh Nguyễn Hồng Nhị: Cả đời người Anh hùng vất vả, gian nan đến khi rời dương thế

Trung tướng Phạm Phú Thái |

Thiếu tướng, Anh hùng phi công Nguyễn Hồng Nhị đã đi xa, nhưng những kí ức đẹp về ông vẫn còn mãi trong lòng những người đồng đội không quân Việt Nam.

Thiếu tướng, Anh hùng phi công Nguyễn Hồng Nhị - Nguồn ảnh: VTC News

Thiếu tướng, Anh hùng phi công Nguyễn Hồng Nhị - Nguồn ảnh: VTC News

LTS: Sau một thời gian lâm trọng bệnh, Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Hồng Nhị - một trong những phi công huyền thoại của Không quân nhân dân Việt Nam - đã qua đời trưa ngày 25/11/2021. Ông ra đi, để lại sự tiếc nuối sâu sắc cho gia đình, thân quyến và bè bạn.

Xin giới thiệu những hồi ức của Trung tướng Phạm Phú Thái (Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng) về người phi công, người chỉ huy tài ba Nguyễn Hồng Nhị.

Người phi công tài ba của Không quân Việt Nam

11 giờ 10 phút trưa ngày 25/11/2021, tôi đột ngột nghe tin: Trái tim người lính phi công, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Hồng Nhị, nguyên Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Hàng không Dân dụng Việt Nam đã vĩnh viễn ngừng đập ở tuổi 86.

Anh Nguyễn Hồng Nhị sinh năm 1936 tại Hoài Sơn, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Năm 1952, khi chỉ mới 16 tuổi, anh đã nhập ngũ và tham gia kháng chiến chống Pháp ở Liên khu 5. Anh theo Đại đoàn 305 tập kết ra Bắc, sau đó được cử về sư đoàn 324 (huấn luyện ở Nghệ An) rồi đi học Trường Sĩ quan Lục quân.

Thương anh Nguyễn Hồng Nhị: Cả đời người Anh hùng vất vả, gian nan đến khi rời dương thế - Ảnh 1.

Anh hùng phi công Nguyễn Hồng Nhị thời trẻ

Khi đang học tại trường, anh Nguyễn Hồng Nhị trúng tuyển phi công chiến đấu, và được chọn đi học bay ở Liên Xô từ năm 1961 đến 1964. Khi về nước chiến đấu, anh là phi công MiG-21 tại Trung đoàn không quân 921, rồi dần trưởng thành lên các chức vụ cao hơn trong Không quân nhân dân Việt Nam.

Tôi (Phạm Phú Thái) được biết anh Nguyễn Hồng Nhị từ cuối năm 1967, khi cùng phi công Vũ Ngọc Đỉnh sang trường không quân ở Krasnodar (Liên Xô) để truyền đạt kinh nghiệm chiến đấu trong nước, bổ sung cho quá trình huấn luyện phi công.

Trong chuyến đi này, các anh cũng có nhiệm vụ lựa chọn 4 phi công tốt nghiệp sớm để bổ sung cho Trung đoàn không quân 921 - lúc đó đang thiếu phi công trầm trọng.

Từ năm 1968, tôi là một phi công dưới quyền anh Nguyễn Hồng Nhị ở Trung đoàn không quân 921. Tìm hiểu kỹ hơn mới biết anh Nhị là một phi công vô cùng kiên cường, đã dũng cảm lập nhiều chiến công.

Anh Nguyễn Hồng Nhị là người phi công đầu tiên của Không quân Việt Nam lập chiến công trên máy bay tiêm kích MiG-21: Bắn rơi chiếc máy bay không người lái tầng cao AQM-34 ngày 04/03/1966, mở ra chương huyền thoại của những cánh én bạc MiG-21 trên bầu trời Việt Nam.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất bằng không quân và hải quân Mỹ ra miền Bắc (1965-1968), anh Nguyễn Hồng Nhị đã xuất kích gần 100 lần, gặp địch hơn 20 lần, đánh 13 trận, bắn rơi 8 máy bay Mỹ thuộc 5 kiểu loại khác nhau (từ máy bay không người lái đến các loại máy bay tiêm kích, cường kích).

Đây là thành tích rất cao trong các phi công tham chiến, chỉ đứng sau phi công Nguyễn Văn Cốc với thành tích bắn rơi 9 máy bay địch.

Với thành tích xuất sắc đó, tháng 06/1969, anh Nguyễn Hồng Nhị được phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Thương anh Nguyễn Hồng Nhị: Cả đời người Anh hùng vất vả, gian nan đến khi rời dương thế - Ảnh 2.

Phi công Nguyễn Hồng Nhị (bìa phải) chụp ảnh cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Người chỉ huy xuất sắc, nhà lãnh đạo tài ba

Bước sang cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai bằng không quân và hải quân Mỹ ra miền Bắc (năm 1972), anh Nguyễn Hồng Nhị là trung đoàn trưởng trung đoàn 927. Đây là một trong hai trung đoàn không quân Việt Nam được trang bị loại máy bay tiêm kích hiện đại MiG-21.

Thương anh Nguyễn Hồng Nhị: Cả đời người Anh hùng vất vả, gian nan đến khi rời dương thế - Ảnh 3.

Tác giả - Trung tướng Phạm Phú Thái, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng PK-KQ, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng

Trên cương vị trung đoàn trưởng, cùng với ban lãnh đạo trung đoàn, Nguyễn Hồng Nhị đã thể hiện tài năng chỉ huy xuất sắc: Trung đoàn không quân 927 chỉ trong vòng 8 tháng (từ tháng 4 đến tháng 12/1972) đã bắn rơi 39 máy bay Mỹ, chiếm một nửa thành tích của bộ đội không quân.

Có lẽ đó là những năm tháng vất vả gian nan nhưng vinh quang nhất, đáng tự hào nhất trong cuộc đời người anh hùng.

Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, là người con của miền nam, nên anh Nguyễn Hồng Nhị lại quay về quê hương mình. Anh được bổ nhiệm Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 372, chỉ huy lực lượng không quân tham gia Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nghĩa vụ quốc tế ở Cam-pu-chia.

Tuy nhiên, đường quan lộ của anh không thật suôn sẻ. Từ khi là cán bộ đại đội, rồi chỉ huy trung đoàn, anh đã hay gặp "tai bay vạ gió". Là người chỉ huy có tài năng, nhưng số anh khá lận đận, 12 năm liền (1975-1987) làm sư đoàn trưởng không quân, cũng chỉ vì những "sự cố" không đáng có.

Năm 1985, khi đang là Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 370, anh được phong quân hàm Thiếu tướng (điều hiếm thấy ở cấp sư đoàn trưởng không quân) rồi đến tháng 02/1987 được bổ nhiệm Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân (thời kì này, Phòng không và Không quân là hai quân chủng riêng biệt theo mô hình Liên Xô).

Thương anh Nguyễn Hồng Nhị: Cả đời người Anh hùng vất vả, gian nan đến khi rời dương thế - Ảnh 4.

Anh hùng phi công Nguyễn Hồng Nhị (hàng ngồi thứ hai từ bên phải sang) cùng các cựu chiến binh Quân chủng PK-KQ đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2007.

Không lâu sau, đầu năm 1988, Nguyễn Hồng Nhị chuyển ngành sang dân sự, được điều động làm Tổng cục phó, rồi Tổng cục trưởng Tổng cục Hàng không Dân dụng, kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam.

Bước vào môi trường công tác mới, anh vẫn giữ được tác phong sâu sát quyết liệt như xưa và có nhiều đóng góp lớn cho phát triển của hàng không nước nhà trong giai đoạn chuyển đổi từ máy bay và trang thiết bị của Liên Xô sang hệ phương Tây.

Là lãnh đạo ngành hàng không dân dụng, anh vẫn quan tâm và trợ giúp cho không quân Việt Nam, như chỉ đạo hỗ trợ chính sách cho các phi công quân sự chuyển ngành, trợ giúp các gia đình thương binh, liệt sĩ không quân Việt Nam, xây dựng tượng đài không quân ở khu vực sở chỉ huy Sư đoàn Không quân 371, v.v…

Tổng Cục trưởng Nguyễn Hồng Nhị nghỉ hưu năm 1998. Khi đang còn nhiều dự định dang dở, anh lâm trọng bệnh, phải nằm liệt một chỗ 4-5 năm nay.

Bầu bạn, chăm sóc cho anh là chị Dậu - người vợ tần tảo, thủy chung, đã se duyên với anh từ những năm đánh Mỹ.

Anh ra đi trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 ở miền Nam hoành hành, nên nhiều đồng đội, cấp dưới không thể đến tiễn đưa anh. Tôi thương anh vô cùng: Cả cuộc đời người anh hùng vất vả, gian nan cho đến khi rời dương thế.

Xin thành kính phân ưu cùng gia đình Thiếu tướng, Anh hùng phi công Nguyễn Hồng Nhị!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại