Hôm thứ 5 (8/3) vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý gặp mặt nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Nếu đàm phán thực sự diễn ra, đây sẽ là cuộc gặp ở mức cao nhất giữa 2 quốc gia. Chưa bao giờ một tổng thống Mỹ đương nhiệm từng gặp – hoặc từng nói chuyện qua điện thoại – với một nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Dưới đây là những nỗ lực đối thoại trong quá khứ giữa hai quốc gia Mỹ - Triều Tiên:
Năm 1994: Bờ vực chiến tranh và Đồng thuận
Dù không tổng thống Mỹ đương nhiệm nào từng gặp lãnh đạo Triều Tiên, đã có 2 cựu tổng thống làm điều này.
Cựu tổng thống Jimmy Carter gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Il-sung - người thành lập Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên – vào năm 1994. Bất chấp phản đối từ tổng thống đương nhiệm Bill Clinton, ông Carter tới thủ đô Bình Nhưỡng, sau khi các cơ quan tình báo Mỹ thông báo tin mật và cho biết Triều Tiên đang sản xuất plutonium cho mục đích phát triển vũ khí hạt nhân.
Cựu tổng thống Jimmy Carter gặp Chủ tịch Triều Tiên bấy giờ là Kim Il-sung năm 1994. Ảnh: KCNA
Cuộc gặp này đã tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán sau đó và "Thỏa thuận Khung" cuối cùng được 2 bên đồng thuận vào năm 1994. Theo đó, Triều Tiên dừng xây dựng 2 lò phản ứng hạt nhân (có thể dùng cho mục đích quân sự) để đổi lấy dầu mỏ và 2 lò phản ứng hạt nhân cho mục đích dân sự.
Tổng thống Clinton khi ấy đồng ý với thỏa thuận nhưng Quốc hội Mỹ hoãn vận chuyển dầu mỏ, từ chối gỡ bỏ cấm vận và xây các lò phản ứng hạt nhân dân sự.
Năm 2000: Triều Tiên và Hàn Quốc tổ chức đối thoại
Năm 2000, nhà lãnh đạo Kim Jong-il - người kế nhiệm ông Kim Il-sung- và tổng thống Hàn Quốc khi đó Kim Dae-jung đã gặp mặt tại Bình Nhưỡng. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa nguyên thủ hai miền bán đảo liên Triều sau khi chiến tranh Triều Tiên – Hàn Quốc nổ ra 50 năm trước.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il gặp tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung. Ảnh: Yonhap
Cuộc đối thoại đã gặt hái được những thành quả chưa từng thấy, đặc biệt là khu công nghiệp chung Kaesong. Nhưng "Chính sách Ánh dương" của ông Kim Dae-jung sau đó đã bị tổn hại nghiêm trọng vì một vụ bê bối chính phủ Hàn Quốc.
Bà Madeleine Albright tới thăm Triều Tiên
Ông Kim Jong-il đã mời Tổng thống Clinton tới Triều Tiên vào năm 2000 nhưng ông Clinton khi ấy đã cử Ngoại trưởng Madeleine K. Albright thực hiện chuyến thăm này.
Bà Albright tới Bình Nhưỡng trong nỗ lực mở rộng các điều khoản trong Thỏa thuận Khung, yêu cầu Triều Tiên ngừng phát triển và bán các loại tên lửa đạn đạo ra nước ngoài.
Ngoại trưởng Mỹ Madeleine K. Albright gặp ông Kim Jong-il. Ảnh: Andrew Wong
Chính quyền ông Clinton khi đó tuyên bố thỏa thuận này đã được thông qua nhưng không hoạt động nào được ghi nhận.
Năm 2002 – 2006: Cuộc thử bom hạt nhân
Thỏa thuận Khung sụp đổ vào năm 2002 sau khi Mỹ cáo buộc Triều Tiên bí mật thực hiện chương trình làm giàu uranium bằng các thiết bị từ Pakistan. Mỹ dừng chuyển dầu mỏ tới Triều Tiên và Bình Nhưỡng cũng bắt đầu sản xuất vũ khí hạt nhân trở lại.
Cuộc họp tại Liên Hợp Quốc sau khi Triều Tiên lần đầu tiên thử bom hạt nhân. Ảnh: Getty
Đối thoại 6 bên sau đó đã được tổ chức giữa các đại biểu từ Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Mỹ. Năm 2005, Triều Tiên cho biết nước này sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lại đảm bảo an ninh quốc gia. Tuy nhiên, sau cam kết 1 năm, Bình Nhưỡng thử nghiệm hạt nhân lần đầu vào năm 2006.
Năm 2007-2011: Đối thoại 6 bên đi vào bế tắc
Năm 2007, ông Kim Jong-il và tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun, tổ chức cuộc họp thượng đỉnh giữa 2 nước. Cuộc gặp mặt diễn ra với mục đích mở rộng mối quan hệ liên Triều và giảm căng thẳng vũ trang quanh các vùng lãnh hải ở bờ biển phía tây bán đảo liên Triều. Nhưng thỏa thuận nói trên mau chóng kết thúc sau nhiệm kì 5 năm của tổng thống Roh.
Đối thoại 6 bên chính thức tan rã vào năm 2009, chủ yếu vì mâu thuẫn quanh việc cho phép giám sát viên quốc tế tới các lò hạt nhân Triều Tiên.
Cựu tổng thống Bill Clinton gặp ông Kim Jong-il vào năm 2009. Ảnh: KCNA
Cùng năm này, ông Clinton tới Triều Tiên và gặp ông Kim Jong-il để đảm bảo 2 phóng viên Mỹ - Euna Lee và Laura Ling - được phóng thích.
Ông Kim Jong-il qua đời vào năm 2011 và ông Kim Jong-un lên nắm quyền từ đó tới nay.
Năm 2012: Tổng thống Obama sử dụng "Chiến lược Kiên nhẫn"
Chính quyền ông Obama theo đuổi chiến lược gia tăng cấm vận mặc dù 2 bên vẫn tiếp tục các cuộc đối thoại ngoại giao.
Trong đó, có thể kể tới thỏa thuận đạt được ngày 29/2/2012, khi Triều Tiên đồng ý cho phép các giám sát viên tiếp cận khu hạt nhân và dừng các chương trình vũ khí, tên lửa để nhận hỗ trợ thực phẩm của Mỹ.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un theo dõi cuộc thử tên lửa hồi tháng 2/2012. Ảnh: KCNA
Tuy nhiên, cam kết này sớm bị vô hiệu sau khi Triều Tiên phóng một tên lửa để đưa vệ tinh vào quỹ đạo. Hành động này được phía Mỹ cho là nỗ lực phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa của Bình Nhưỡng.
Năm 2016 – 2017: Ông Trump ngỏ ý đối thoại
Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ứng cử viên Donald Trump cho biết ông sẵn sàng đàm phán trực tiếp với ông Kim để đóng băng các chương trình hạt nhân Triều Tiên.
Ông Trump thẳng thừng đáp trả những lời chỉ trích nhằm vào ý định của ông: "Ai mà quan tâm chứ? Tôi sẽ đối thoại với bất kì ai. Có 10% tới 20% khả năng tôi có thể thuyết phục anh ta [Kim Jong-un] dừng phát triển hạt nhân. Tôi sẽ đảm bảo mọi người đều nhận được lợi ích từ cuộc đàm phán".
Tên lửa và bom hạt nhân ngày càng mạnh
Trong năm đầu ông Trump làm tổng thống, Triều Tiên thử nghiệm tên lửa đạn đạo và đã đạt tới mức có thể vươn tới toàn lãnh thổ Mỹ. Triều Tiên cũng thử nghiệm bom hạt nhân lần thứ 6 thành công vào đầu tháng 9 vừa qua.
Tên lửa Triều Tiên được thử nghiệm vào tháng 3/2017. Ảnh: KCNA
Ngay sau đó, tổng thống Trump đe dọa sẽ vùi Triều Tiên trong "lửa và thịnh nộ" nếu quốc gia này đe dọa tới an ninh Mỹ. Bình Nhưỡng không hề nao núng, tuyên bố sẽ cân nhắc tấn công đảo Guam – nơi Mỹ đặt căn cứ không quân quan trọng.
Cuộc khẩu chiến của 2 nhà lãnh đạo
Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, tổng thống Trump tuyên bố sẽ "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên nếu nước này đe dọa Mỹ và các đồng minh.
"Người tên lửa đang tự hủy diệt chính mình", ông Trump ám chỉ nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Sau đó ít lâu, ông Kim gọi ông Trump là "ông già lẩm cẩm".
Ông Trump phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ảnh: New York Times
Năm 2018: Thế vận hội Mùa đông PyeongChang
Trong diễn văn chào năm mới, ông Kim Jong-un khoe mình có nút hạt nhân trên bàn làm việc, có thể kích hoạt tấn công hạt nhân trên toàn lãnh thổ Mỹ. Ông Trump phản ứng trên Twitter rằng ông sở hữu "nút hạt nhân to và mạnh hơn" của ông Kim.
Sau đó, tổng thống Mỹ cam kết sẽ "không lặp lại sai lầm của các chính quyền tiền nhiệm" khi đưa nước Mỹ vào tình trạng nguy hiểm như hiện tại.
Cuối tháng 2 vừa qua, Triều Tiên đồng ý cử đoàn đại biểu tới Hàn Quốc để dự Thế vận hội Mùa đông. Sự kiện này đã giúp giảm căng thẳng giữa hai bên. Kim Yo-jong, em gái ông Kim Jong-un, đã tới PyeongChang trong lễ khai mạc. Các quan chức Hàn Quốc cho biết họ đã thất bại trong việc tổ chức cuộc gặp mặt giữa bà Kim Yo-jong và Phó tổng thống Mike Pence.
Kim Yo-jong, em gái ông Kim Jong-un, và Phó tổng thống Mỹ Mike Pence.
Ivanka Trump, con gái ông Trump và là cố vấn cấp cao của Nhà Trắng, đã tới Hàn Quốc để dự lễ bế mạc nhưng không để lại nhiều dấu ấn và ảnh hưởng như bà Kim Yo-jong.
Trong những ngày vừa qua, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã bất ngờ ngỏ lời đối thoại với tổng thống Donald Trump. Tổng thống Mỹ đã nhận lời và dự định cuộc hội đàm này sẽ diễn ra vào tháng 5 tới.