Nhìn hậu quả tàn khốc con ruồi để lại cho Tân Hiệp Phát, C2 của URC chuẩn bị tiếp bước?

Suýt soán ngôi vương của Trà xanh 0 độ nhưng chưa kịp ăn mừng, URC cũng dẫm vào vết xe đổ của người tiền nhiệm.

Trong ngành tiêu dùng nhanh, giải khát, những thông tin nguy hại đến nhãn hàng luôn diễn ra như cơm bữa. Mặc dù vậy, nếu xử lý không khéo, hậu quả sẽ vô cùng tai hại.

Tân Hiệp Phát là điển hình cho sự tai hại đó. Cuối năm 2014, vì một con ruồi trong chai nước, nhãn hàng này đã thiệt hại 2.000 tỉ đồng (theo như những gì đại diện Tân Hiệp Phát công bố). Hai sản phẩm chịu thiệt hại lớn nhất là nước tăng lực Number 1 và Trà xanh 0 độ.

Để ước tính quy mô ảnh hưởng, chúng ta hãy nhìn vào thị phần năm 2013 của Trà xanh 0 độ do Euromonitor công bố:

Nhìn hậu quả tàn khốc con ruồi để lại cho Tân Hiệp Phát, C2 của URC chuẩn bị tiếp bước? - Ảnh 1.

Con số thị phần sau khi cả Tân Hiệp Phát và URC cùng dính scandal với các sản phẩm chủ lực. Nguồn: Euromonitor.

Trà xanh 0 độ là số 1 thị trường với 58% thị phần, bỏ xa người đứng thứ 2 là C2 với 34% thị phần.

Tuy nhiên, sau sự cố con ruồi, tình thế đã thay đổi nhanh. Đây là thị phần trà xanh đóng chai vào năm 2015, trà xanh không độ vẫn xếp số 1 nhưng chỉ còn 37,4% thị phần, theo sau là C2 với 35,1%.

Nhìn hậu quả tàn khốc con ruồi để lại cho Tân Hiệp Phát, C2 của URC chuẩn bị tiếp bước? - Ảnh 2.

URC tăng trưởng ấn tượng trong năm 23015 và quý I/2016, trước khi dính scandal nghiêm trọng về an toàn thực phẩm.

Có thể thấy, thị phần trà xanh không độ đã "bốc hơi" tới 20% chỉ sau 2 năm. Khách quan thì việc đánh mất thị phần có thể không phải lỗi hoàn toàn do "con ruồi", nhưng chắc chắn ảnh hưởng của nó không hề nhỏ và vẫn chưa dừng lại.

Còn URC, sau nhiều năm C2 ở vị trí thứ hai, hãng này đang hân hoan chuẩn bị chiếm lấy vị trí số 1 trên thị trường trà xanh đóng chai. Tuy nhiên, chưa kịp soán ngôi thì URC cũng dính vào một vụ bê bối tương tự.

Hàng loạt lô sản phẩm bị thu hồi vì hàm lượng chì vượt mức công bố. URC đã bị xử phạt 5,8 tỉ đồng còn cơ quan chức năng cho biết, 2 lô hàng trị giá tới 3,9 tỉ đồng (tương đường với gần 1 triệu chai C2, rồng đỏ) đã đưa vào thị trường và không thể thu hồi được.

Thậm chí nếu xét về bản chất thì URC đang vướng phải vấn đề nghiêm trọng hơn. Còn nhớ, trong vụ Tân Hiệp Phát, nguyên nhân nhãn hàng này bị công chúng chỉ trích mạnh mẽ nằm ở thái độ đối đầu với người tiêu dùng.

Với URC, đây thực sự là vấn đề về an toàn thực phẩm. Tệ hơn, scandal này xuất hiện đúng vào thời điểm khủng hoảng niềm tin về an toàn thực phẩm tại Việt Nam,

Với khủng hoảng của Tân Hiệp Phát và URC, câu chuyện không chỉ gói gọn trong doanh nghiệp nữa, mà có thể ảnh hưởng tới toàn bộ ngành.

Khi cả 2 ông lớn dẫn đầu ngành đều bị người tiêu dùng nghi vấn về chất lượng trong một thời gian dài, nguy cơ giá trị ngành sẽ teo tóp lại.

Đây có thể là tin buồn cho cả những DN còn lại trong ngành này như Tân Quang Minh, Coca-Cola hay Suntory-Pepsico.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại