Nhiều tiệm bánh mì Philippines cắt giảm trọng lượng vì lạm phát

CHẤN PHONG |

Một tiệm bánh mì ở thủ đô Manila, Philippines đã quyết định cắt giảm trọng lượng của loại bánh mì pandesal truyền thống từ 35g xuống còn 25g trước áp lực lạm phát trong nước do tình hình chiến sự ở Ukraine.

Nhiều tiệm bánh mì Philippines cắt giảm trọng lượng vì lạm phát - Ảnh 1.

Một nhân viên cầm mẫu bánh mì pandesal trọng lượng 25g (bên trái) và loại 35g (bên phải) - Ảnh: AFP

Theo Hãng tin AFP, nhiều hãng sản xuất bánh ở Philippines đã phải cắt giảm trọng lượng của một số loại bánh mì do giá nhập khẩu một số nguyên liệu như dầu ăn ngày càng tăng.

Đài Channel News Asia cho biết lạm phát kỷ lục lên đến 6,1% trong tháng 6 vừa qua ở Philippines đã khiến đồng nội tệ peso trượt giá nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến hoạt động nhập khẩu nguyên liệu.

Trước đó, món bánh mì pandesal từng được Matimyas Bakery, một nhãn hiệu sản xuất bánh có tiếng ở ngoại ô Manila, bán cho người dân với trọng lượng khoảng 35g.

"Chúng tôi phải giảm trọng lượng của loại bánh pandesal để đảm bảo hoạt động sản xuất của công ty", cô Jam Mauleon, chủ sở hữu Matimyas Bakery, nói với báo South China Morning Post (SCMP) ngày 24-7.

Cô cho biết, chi phí nguyên liệu tăng cao ở Philippines đã khiến công ty giảm trọng lượng của loại bánh mì được ví như "bánh mì cho người nghèo" xuống còn khoảng 25g để tránh tăng giá bán. Theo ước tính, nếu giữ nguyên trọng lượng một bánh khoảng 35g sẽ đẩy giá lên khoảng 2,50 peso (1.000 đồng).

Đồng thời, việc tăng giá bánh mì sẽ khiến những người dân nghèo ở Philippines đổ xô đến một cửa tiệm bánh được xem là "đối thủ" của Matimyas Bakery gần đó.

Nhiều tiệm bánh mì Philippines cắt giảm trọng lượng vì lạm phát - Ảnh 3.

Áp lực lạm phát đã đẩy gánh nặng lên những hộ nghèo ở Philippines. Một người đàn ông cầm một mẫu bánh mì pandesal bị cắt giảm trọng lượng - Ảnh: AFP

Tuy nhiên, cô cũng cho rằng việc giảm trọng lượng chiếc bánh sẽ khiến pandesal mất đi chất lượng vốn có của nó.

"Pandesal rất quan trọng trong cuộc sống của người Philippines. Chúng tôi vẫn sẽ sản xuất một số lượng nhỏ mẫu bánh có trọng lượng 35g để mọi người vẫn có thể mua nó", cô cho biết.

Ngoài ra, đối với một bà mẹ 5 con Laarni Guarino ở thủ đô Manila, giá cả tăng cao đồng nghĩa với việc gia đình cô giờ ăn ít bánh pandesal hơn vào bữa sáng.

"Chúng tôi sẽ phải xem lại ngân sách của mình. Từ năm miếng mỗi cái, các con tôi giờ chỉ ăn được 3-4 miếng. Giá 50 centavo (một loại tiền xu của Philippines) đối với bánh pandesal là một khoản tiền lớn đối với những người nghèo như chúng tôi", cô Guarino bày tỏ.

Trong khi đó, ông Lucito Chavez, chủ tịch một hiệp hội đại diện cho các tiệm bánh mì địa phương, cho biết hàng nghìn thợ làm bánh mì đang quay cuồng vì chi phí nguyên liệu thô cao hơn do hầu hết đều phải nhập khẩu.

"Tất cả chúng tôi đang đấu tranh, không phải để kiếm lợi nhuận, mà là để tồn tại. Chúng ta phải bảo vệ ngành sản xuất bánh mì pandesal", ông Chavez khẳng định.

Nhà kinh tế học Philippines Joey Salceda cũng đã kêu gọi các tiệm bánh tăng cường vitamin và khoáng chất cho sản phẩm của họ trong bối cảnh giá lúa mì ở Philippines đã tăng 165%.

Theo Hãng tin AFP, lạm phát ở Philippines trong tháng 6 vừa qua đã lên đến 6,1%, mức cao nhất trong 4 năm qua.

Pandesal hay còn gọi là pan de sal, là loại bánh mì cỡ nhỏ. Đây là món ăn truyền thống của người dân Philippines được dùng vào buổi sáng hay buổi trưa như món bánh mì kẹp thịt của người Việt Nam.

Bánh được làm từ các nguyên liệu đơn giản như bột mì, muối, men nở và đường giống như bánh mì Việt Nam. Ngoài ra, bánh còn có thêm trứng và một lớp bột mì nhuyễn bên ngoài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại