Người dân theo dõi qua truyền hình ở nhà ga Seoul (Hàn Quốc) về vụ phóng thử vật thể được cho là tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, ngày 30-1-2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhận định về việc Bình Nhưỡng tăng cường thử tên lửa, chuyên gia về Đông Bắc Á Antoine Bondaz của Quỹ Nghiên cứu chiến lược (FSR) cho rằng, Triều Tiên muốn cho thế giới thấy năng lực phát triển và các chương trình về đạn đạo của nước này vẫn đang được vận hành bình thường, cũng như muốn chứng tỏ năng lực quân đội nước này vẫn vững chắc và có thể đối phó được với mọi tình huống, mọi kịch bản.
Từ ngày 20 đến 22-5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có chuyến công du Hàn Quốc. Tại đây, Tổng thống Mỹ và người đồng nhiệm Hàn Quốc Yoon Suk-yeol thông báo tăng cường các cuộc tập trận chung cũng như gia tăng triển khai chiến đấu cơ hay tên lửa trên bán đảo Triều Tiên "để chuẩn bị đối phó cho một cuộc tấn công hạt nhân".
Theo chuyên gia Bodaz, kịch bản tấn công hạt nhân vào Hàn Quốc và Mỹ là cực kỳ thấp, nhưng vẫn luôn có rủi ro tai nạn hay sự cố, có thể dẫn đến leo thang và biến thành xung đột. Do vậy, những tuyên bố gần đây từ phía Mỹ và Hàn Quốc trước hết là nhằm tránh một cuộc xung đột.
Điều này nằm trong chủ trương răn đe, nhất là trong bối cảnh Triều Tiên nối lại các vụ thử tên lửa. Việc mở lại các cuộc tập trận cũng gửi đi một thông điệp kiên quyết đến Triều Tiên rằng nếu như Bình Nhưỡng có những hành động khiêu khích quân sự nhắm vào Seoul, thì liên minh Mỹ - Hàn Quốc sẵn sàng đáp trả.
Đây thực sự cũng chính là điều Triều Tiên đang làm khi gia tăng các cuộc thử tên lửa đạn đạo và phô trương sức mạnh. Mỗi bên đều tìm cách đánh tiếng cho đối phương, tránh để xung đột leo thang.
Chuyên gia Bodaz nhận định, dù ẩn đằng sau động thái của các bên liên quan trên bán đảo Triều Tiên là gì, lập trường cứng rắn mà họ đưa ra cho thấy việc tái khởi động đàm phán hạt nhân, nối lại đối thoại, bất kể là giữa hai miền Triều Tiên, hay là giữa Bình Nhưỡng với Washington đều không dễ dàng.