Trong cái tiết trời dở dở ương ương 3 hồi nắng 7 hồi mưa thế này, không ít người trong chúng ta cảm thấy khó chịu tột độ bởi sự phiền toái từ cơn mưa bất chợt, khiến mọi thứ xung quanh bị ẩm ướt khó chịu.
Nhưng điều này vẫn thấm chi đâu khi nhiều người bị những cơn đau đầu hành hạ mỗi lúc giao mùa. Ôi cái thời tiết khiến con người ta bực mình hết sức!
Vậy những cơn đau đầu này từ đâu ghé tới vậy?
Theo giải thích của các nhà khoa học thì có khá nhiều nguyên nhân gây ra cơn đau đầu như búa bổ này nhưng áp suất không khí là thủ phạm chính.
Đây là kết quả được đưa ra sau khi các bác sĩ thuộc Trung tâm y tế Beth Israel Deaconess, Boston (Mỹ) tiến hành nghiên cứu với hơn 7.000 người trong khu vực từ năm 2000 đến 2007.
Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Neurology chỉ ra, nhiệt độ biến động khiến nhiều người phải cấp cứu vì đau đầu. Các nhà nghiên cứu cho rằng, với mức tăng nhiệt khoảng 5 độ C thì trong ngày hôm sau, tỉ lệ người đau đầu phải nhập viện tăng lên 7,5%.
Và khi áp suất không khí giảm - hiện tượng xảy ra trước khi trời mưa, cũng liên quan đến việc gia tăng số người bị đau đầu trong 48 - 72 giờ sau đó.
Giới khoa học cho rằng, chính bởi nhiệt độ thay đổi, độ ẩm và áp suất không khí cũng biến động nên hệ thống mạch máu cần phải có phản xạ để thích nghi với thay đổi đó.
Thông thường, khi mạch máu co lại, tuyến thượng thận sẽ tăng tiết các chất thần kinh thể dịch (catecholamine) trong máu dẫn đến co mạch ngoại vi. Bên cạnh đó, đường trong gan sẽ được huy động tối đa để tạo năng lượng cho cơ thể hoạt động.
Chính vì thế, nhiều người sẽ cảm thấy dây thần kinh trên đầu căng ra hơn, gây ra chứng đau đầu từ nhẹ đến nặng.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, sự tăng nhiệt độ có thể khiến huyết áp cơ thể bị giảm, hạn chế máu lưu thông lên não.
Cùng với sự giảm áp suất không khí đã làm vấn đề trầm trọng hơn bằng cách tạo ra sự chênh lệch áp suất giữa các xoang trên mặt và không khí bên ngoài. Vậy nên dù "nắng mưa là chuyện của trời" nhưng đầu đau, dễ ốm rất dễ làm bạn với ta.
Nguồn: CNN, Newhealthadvisor