Nhiều đàn ông Trung Quốc thích ở rể, muốn tránh 'áp lực tài chính'

NGUYỄN LIỄU/VTC News |

Ở thành phố Hàng Châu, trước áp lực phải có nhà, có xe mới lấy được vợ, nhiều đàn ông Trung Quốc có xu hướng tìm vợ giàu để ở rể.

Gu Shunze, 26 tuổi, sinh ra trong gia đình thuần nông có bốn anh em. Tốt nghiệp đại học hàng đầu và hiện đang là công chức ở thành phố Hàng Châu, Gu có thu nhập ổn định nhưng việc mua nhà và ô tô vẫn nằm ngoài khả năng của anh.

Năm 2022, anh phát hiện mình có đủ tiêu chí để bước vào cuộc hôn nhân ở rể như những quảng cáo trên thị trường, nên đã gửi bản sao chứng minh nhân dân, bằng cấp và hợp đồng lao động của mình đến công ty môi giới.

Trong thời gian ngắn, Gu đã tìm được bạn gái với nền tảng gia đình là doanh nghiệp phụ tùng ô tô. Họ hẹn hò ba tháng và kết hôn, nhà vợ tặng Gu quà cưới 44.000 USD cùng chiếc BMW. Gia đình cô dâu lo liệu mọi thứ cho tiệc cưới.

Sau đó, cặp vợ chồng son chuyển đến sống trong căn hộ ba phòng ngủ. Gu cho biết anh hạnh phúc với cuộc sống hôn nhân của mình và chuyển về phụ giúp công việc nhà vợ.

Hồi tháng 1, vợ Gu sinh đôi và các con đều mang họ mẹ, phù hợp với thỏa thuận tiền hôn nhân của cả hai. Từ khi kết hôn, Gu không về thăm quê còn bố mẹ anh thì chỉ thấy cháu trong những bức ảnh.

Gu không phải trường hợp duy nhất. Xu hướng "hôn nhân mẫu hệ" đang ngày càng phổ biến ở Trung Quốc. Xu hướng này trong tiếng Trung là zhuixu, được định nghĩa là kiểu kết hôn khi chồng ở rể và con cái sinh ra mang họ vợ. Với không ít đàn ông ở đất nước này, ở rể không chỉ giúp giảm áp lực tiền bạc khi cưới vợ mà còn là cơ hội vàng để được cậy nhờ nhà vợ giàu có.

Nhiều đàn ông Trung Quốc thích ở rể, muốn tránh 'áp lực tài chính'- Ảnh 1.

Đàn ông xem thông tin tìm kiếm người hẹn hò tại một sự kiện mai mối ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, ngày 25/2. (Ảnh: VCG)


Xu hướng 'hôn nhân mẫu hệ'

Trong 30 năm qua, thị trường hôn nhân đã thay đổi khiến người mai mối Li Jiyan phải chuyển hướng tìm vợ cho những người đàn ông muốn được ở rể. Điều này trái ngược với hôn nhân truyền thống ở Trung Quốc, nơi phụ nữ sẽ đi làm dâu nhà chồng. Nhưng ở rể đang ngày càng phổ biến hơn trong vài thập kỷ gần đây.

Li Jiyan, người mai mối kì cựu với kinh nghiệm đã se duyên cho 1.000 cặp đôi, vừa từ chối hai khách nam độ tuổi 20 tìm đến văn phòng mình. Li cho biết hồ sơ của họ không đủ tiêu chí để tìm được nhà vợ có khối tài sản khoảng 30 triệu nhân dân tệ (4,4 triệu USD).

“Tôi sẽ thử giới thiệu cho các cậu nhà nào có tài sản khoảng 10 triệu nhân dân tệ (1,5 triệu USD) và vài ba căn nhà”, ông thẳng thừng trả lời sau khi nghe tiêu chí chọn vợ của các chàng trai.

“Gia cảnh của chúng tôi không tệ, nhưng chúng tôi muốn tìm nửa kia có địa vị tốt hơn cả mình, bởi nhà vợ tốt có nghĩa là tôi bớt được nhiều năm phấn đấu", một trong hai khách hàng nam nói với Li.

Cả hai khách hàng này đều đến từ tỉnh Sơn Đông và từng việc tại các công ty công nghệ lớn ở thủ đô Bắc Kinh, trước khi chuyển đến định cư tại quận Tiêu Sơn giàu có của Hàng Châu. Một người là doanh nhân, người kia là trưởng phòng của một doanh nghiệp tầm trung.

Hai thanh niên đều được đánh giá là ứng cử viên sáng giá trong thị trường hôn nhân truyền thống của Trung Quốc. Tuy nhiên, tiêu chuẩn ở Tiêu Sơn đối với một người "con rể mẫu hệ" là cực cao.

Nhiều đàn ông Trung Quốc thích ở rể, muốn tránh 'áp lực tài chính'- Ảnh 2.

Li Jiyan nói chuyện với khách hàng có nhu cầu ở rể. (Ảnh: Sixth Tone)

Đối với một người đàn ông, việc kết hôn với người phụ nữ có tiềm lực kinh tế tốt là một cơ hội, vì họ không cần phải mua nhà, ô tô hoặc trả phí thách cưới - vốn là áp lực lớn với nhiều đàn ông Trung Quốc.

Trên thực tế, các thanh niên thậm chí có thể nhận được quà đính hôn. Trong trường hợp ly hôn, người đàn ông cũng có cơ hội nhận được tiền chia tài sản, miễn vẫn có trách nhiệm chăm sóc con cái.

Tuy nhiên, không phải cuộc hôn nhân ở rể nào cũng thành công. Báo Pháp luật ở Tiêu sơn đã đưa tin tòa án đã xem xét 20 vụ ly hôn liên quan đến hôn nhân kiểu trên, phần lớn sự chủ động từ người phụ nữ. Nguyên nhân phổ biến nhất là xung đột tính cách, cờ bạc hoặc ngoại tình.

Không dễ để được ở rể

Theo người mai mối Li, tiêu chuẩn ở Tiêu Sơn đối với một người "con rể mẫu hệ" là cực cao. Phụ nữ ở Tiêu Sơn, hay quan trọng hơn là gia đình họ luôn mong muốn những người đàn ông có học thức, khỏe mạnh, “không tì vết”. Các ứng viên phải cung cấp thông tin về tình hình tài chính, báo cáo tín dụng, trải qua kiểm tra lý lịch tư pháp và sức khỏe.

Li thường từ chối thẳng những người đàn ông trông yếu đuối về thể chất. Một vài người thậm chí đã hít đất ở văn phòng của Li để chứng minh sức khỏe của họ. Khách hàng của Li cũng đưa ra những yêu cầu cụ thể. Có gia đình đã từ chối chàng rể tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh do anh ta có hình xăm.

Những người có công việc hành chính nhà nước thường nhận được nhiều sự quan tâm nhất, nếu thường xuyên hiến máu hoặc tham gia công tác từ thiện sẽ có điểm cộng. Những nghề ít được lọt vào tầm mắt của nhà gái là luật sư, nhân viên bán hàng, vệ sĩ, người mẫu, huấn luyện viên thể hình, tài xế hay shipper.

"Số lượng người muốn ở rể tăng lên mỗi năm", Li nói. Sau khi hai người đàn ông rời khỏi văn phòng mai mối , những chiếc điện thoại trên bàn của Li lại liên tục reo những cuộc gọi đến để xin ứng tuyển tìm vợ.

Nhiều đàn ông Trung Quốc thích ở rể, muốn tránh 'áp lực tài chính'- Ảnh 3.

Những tập hồ sơ của người có nhu cầu ở rể tại văn phòng mai mối của ông Li. (Ảnh: Sixth Tone)

Li cùng vợ mở một công ty môi giới hôn nhân sau khi nghỉ hưu vào năm 1998, là công ty môi giới đầu tiên được ghi nhận ở Tiêu Sơn. Lúc đầu, hai người chỉ tập trung vào hoạt động hôn nhân truyền thống là tìm kiếm những phụ nữ muốn kết hôn với gia đình đàn ông, với mức phí 200 nhân dân tệ (gần 30 USD) một lần.

Li cho biết: “Hồi đó, chúng tôi chỉ kết nối được 7 hoặc 8 cặp vợ chồng kết hôn theo mẫu hệ trong một năm vì nhu cầu không cao”. Yêu cầu khi đó cũng thấp hơn - nam giới chỉ cần có sức khỏe tốt và có trình độ trung học hoặc đại học; mọi thứ khác đều có thể thương lượng.

Công ty mai mối của Li nằm trên tầng 4 của một tòa nhà văn phòng cũ. Hành lang tràn ngập các biểu ngữ mang khẩu hiệu về "bình đẳng giới" trong thị trường hôn nhân và thách thức truyền thống. Họ hiện có hơn 170 gia đình và 50 người đàn ông đang muốn ở rể.

Hầu hết các gia đình nhà gái đều tìm ứng viên ở độ 25 - 30 tuổi. Công ty này thường xuyên tiếp đón các sinh viên ở trường đại học, những người muốn tìm con đường tắt để thăng tiến trong xã hội.

"Sinh viên tốt nghiệp tìm được một công việc ổn định đã khó chứ chưa nói đến việc mua nhà ngay sau khi tốt nghiệp. Nếu một người đàn ông không sở hữu tài sản, anh ta gần như không có cơ hội trong thị trường hôn nhân truyền thống", Li nói và giải thích rằng giá nhà ở Tiêu Sơn là khoảng 30.000 nhân dân tệ/m2 (hơn 4.100 USD).

Một sinh viên năm 3 đến từ vùng nông thôn tỉnh Hồ Bắc nói với công ty mai mối rằng anh muốn tìm nhà ở rể vì gia đình anh đã rơi vào nợ nần sau khi lo cho anh trai cưới vợ. Nhưng Li nói rằng anh mới 21 tuổi, còn quá trẻ.

"Họ không thấy xấu hổ khi muốn ăn bám một phụ nữ giàu có ở độ tuổi trẻ như vậy sao?", Li thắc mắc và cho biết sẽ từ chối những người đàn ông chỉ hướng đến mục đích tiền bạc.\

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại