Nhiệm vụ đặc biệt của máy bay chiến đấu F-35I: Israel được Mỹ ưu ái tuyệt đối!

Tú Anh |

Không quân Israel đã đặt cho chiếc tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35I cái tên “Adir”, có nghĩa là "Đấng quyền năng" trong tiếng Do Thái.

Tiêm kích F-35I và cuộc đối đầu Israel - Iran

Máy bay chiến đấu F-35I Adir của Israel dường như được chế tạo với những tính năng riêng để tiến hành các cuộc không kích vào các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ đối phương ở những vùng trời được phòng không bảo vệ dày đặc.

Liệu F-35I có thể là chiếc máy bay mà Israel cần tới để tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran? Không quân Israel từ lâu đã trở thành mũi nhọn có thể tấn công các mục tiêu xa nhà để giúp đảm bảo an toàn cho lãnh thổ Israel.

Một số chiến dịch như vậy có thể kể đến như Chiến dịch Opera năm 1981, khi 8 chiếc F-16 của IAF đã phá hủy các cơ sở hạt nhân của Iraq tại Osiraq và Chiến dịch Mole Cricket 19 năm 1982 làm tê liệt hệ thống phòng không của Syria ở Lebanon. Tháng 9 năm 2007, IAF cũng đã ném bom thành công một lò phản ứng hạt nhân được cho là của Syria trong khuôn khổ Chiến dịch Orchard.

Tuy nhiên, một mối đe dọa lớn nhất hiện nay đối với Israel lại nằm ngoài tầm hoạt động của IAF, đó là nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, quốc gia được cho là vẫn đang tiếp tục phát triển năng lực hạt nhân - một nguy cơ chắc chắn có thể gây ra mối đe dọa đáng kể đối với Israel.

Khoảng cách giữa hai quốc gia đã đảm bảo rằng cả hai đều không thể tấn công trực tiếp đối phương nhưng IAF sẽ sớm có khả năng tấn công các mục tiêu bên trong Iran mà không cần tiếp nhiên liệu giữa các chuyến bay.

Nhiệm vụ đặc biệt của máy bay chiến đấu F-35I: Israel được Mỹ ưu ái tuyệt đối!  - Ảnh 1.

F-35I Adir 924 hạ cánh tại căn cứ Tel-Nof vào ngày 11 tháng 11 năm 2020. Ảnh: Không quân Israel

Tel Aviv cho biết họ đã thực hiện những nâng cấp "đáng kể" đối với F-35I Adir được cải tiến trong nước - biến thể F-35 mà Lockheed Martin chế tạo riêng cho Israel. Các thùng nhiên liệu bên ngoài được thiết kế đặc biệt để sử dụng trên máy bay Adir và có thể mở rộng phạm vi hoạt động của nó một cách đáng kể.

Ngoài ra, IAF gần đây cũng đã tích hợp một quả bom mới nặng một tấn vào kho vũ khí mà chiếc máy bay tàng hình thế hệ thứ năm này có thể mang theo.

Do Rafael Advanced Weapons Systems chế tạo, quả bom được cho là có khả năng tự động hóa và được bảo vệ chống lại các hệ thống gây nhiễu và tác chiến điện tử, đồng thời có thể mang trong khoang vũ khí bên trong để không ảnh hưởng tới tiết diện phản xạ radar của máy bay.

IAF chưa thông báo liệu có bất kỳ kế hoạch tấn công nào nhằm vào chương trình hạt nhân của Iran hay không nhưng IAF gần đây đã tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn mô phỏng những cuộc tấn công như vậy. F-35I Adir của Israel đã thực hành xuyên thủng hệ thống cảnh giới và radar của Iran.

Trong hai cuộc tập trận khác gần đây, Israel cũng đã sử dụng các biện pháp phòng thủ chống lại vũ khí mạng và hệ thống tác chiến điện tử. IAF cũng đã tiến hành các cuộc tập trận trong đó máy bay F-35 thế hệ thứ năm hoạt động cùng với các máy bay F-15 và F-16 cũ hơn và chia sẻ thông tin tình báo.

“Các hệ thống tên lửa đất đối không và radar của Iran rất dày đặc nhưng chúng không phải là thách thức duy nhất”, một quan chức quốc phòng Israel chia sẻ trên tờ The Jerusalem Post hồi đầu tháng.

“Chúng tôi cần đạt được khả năng tấn công các mục tiêu có tầm quan trọng và cuộc tấn công phải gây được sát thương trên diện rộng. Ở Iran, có nhiều mục tiêu nằm tại các tầm tấn công khác nhau”.

Nhiệm vụ đặc biệt của máy bay chiến đấu F-35I: Israel được Mỹ ưu ái tuyệt đối!  - Ảnh 2.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-35I của Không quân Israel. Ảnh: Không quân Israel

Israel nhận được sự ưu ái đặc biệt của Mỹ

Israel trở thành quốc gia nước ngoài đầu tiên lựa chọn F-35 thông qua Chương trình Bán quân sự cho Nước ngoài của chính phủ Mỹ khi một Thư thỏa thuận được ký hơn một thập kỷ trước vào tháng 10 năm 2010.

Ngày 22 tháng 6 năm 2016, IAF đã nhận được chiếc F-35A đầu tiên của mình tại một buổi lễ ở cơ sở Lockheed Martin's Fort Worth, Texas.

Tuy nhiên, IAF lo ngại rằng khả năng tàng hình của F-35 có thể bị vượt qua trong vòng một thập kỷ dù thời hạn phục vụ từ 30 đến 40 năm. Để giải quyết vấn đề này, Israel đã tìm cách sử dụng hệ thống tác chiến điện tử (EWS) của riêng mình.

Ban đầu, Mỹ đã từ chối cho phép những thay đổi như vậy nhưng cuối cùng đã đồng ý cho phép Israel tích hợp EWS của riêng mình, trong đó có các cảm biến và biện pháp đối phó, lên trên các hệ thống của Mỹ.

Ngoài ra, Israel cũng tiến hành các thay đổi khác như màn hình gắn trên mũ bảo hiểm phi công được IAF thiết kế riêng; chức năng liên kết dữ liệu riêng dành cho Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), và cả khả năng thu thập và xử lý dữ liệu vốn đã rất mạnh của F-35.

Không quân Israel đã đặt cho F-35I cái tên “Adir”, có nghĩa là "Đấng quyền năng" trong tiếng Do Thái.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags

F-35

Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại