Nhiệm kỳ tổng thống Ukraine đã kết thúc từ ngày 20/5, ông Zelensky vẫn nắm quyền mà không cần bầu cử?

Hữu Hiển |

Nhiệm kỳ tổng thống Ukraine của ông Volodymyr Zelensky đã chính thức kết thúc vào ngày 20/5 vừa qua và cuộc bầu cử dự kiến vào tháng 3/2024 đã bị hoãn lại do chiến sự đang diễn ra.

Theo hãng thông tấn DW (Đức), nhiệm kỳ tổng thống Ukraine 5 năm của ông Volodymyr Zelensky đã chính thức kết thúc vào ngày 20/5/2024. Bầu cử Tổng thống Ukraine thông thường diễn ra vào cuối tháng 3, nhưng Quốc hội nước này đã quyết định hoãn lại vì Ukraine vẫn đang trong tình trạng chiến tranh và thiết quân luật.

Nhưng một câu hỏi lớn vẫn còn dành cho người Ukraine: Ai có thể kế nhiệm ông Zelensky sau khi ông rời nhiệm sở?

Nhiệm kỳ tổng thống Ukraine đã kết thúc từ ngày 20/5, ông Zelensky vẫn nắm quyền mà không cần bầu cử?- Ảnh 1.

Tổng thống Volodymyr Zelensky vẫn nhận được sự ủng hộ đáng kể từ người Ukraine trong và ngoài nước. Ảnh: Reuters

Theo DW, vào đầu năm 2024, rất ít chính trị gia và nhà bình luận công khai thảo luận xem ai có thể hoặc nên trở thành Tổng thống Ukraine kế nhiệm ông Zelensky. Vào cuối tháng 2, khi Tổng thống Zelensky nhìn lại hai năm xung đột với Nga vừa qua, ông đã bác bỏ bất kỳ câu hỏi nào về tính hợp pháp của mình và coi đó là một "câu chuyện thù địch".

Trao đổi với báo giới, Tổng thống Zelensky cho biết, đồng minh của Ukraine hay bất kỳ ai ở trong nước cũng sẽ không đặt những câu hỏi như trên. Ông cáo buộc rằng, các đồn đoán kiểu như vậy là "một phần trong chương trình của Liên bang Nga".

Các chuyên gia pháp lý Ukraine được DW tham vấn cho biết, họ kỳ vọng ông Zelensky sẽ tiếp tục nắm quyền cho đến khi bầu được tổng thống mới.

Andriy Mahera – chuyên gia thuộc Trung tâm Cải cách Chính sách và Pháp luật ở Kiev - cho biết: "Hiến pháp Ukraine quy định rõ ràng điều này. Tổng thống không tự động mất quyền lực sau 5 năm nhậm chức. Những quyền lực này chỉ bị mất đi khi tổng thống mới đắc cử nhậm chức, tức là sau cuộc bầu cử".

Cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội Ukraine hiện không thể thực hiện được. Hiến pháp Ukraine đặt ra một hạn chế tạm thời đối với việc đầu tiên; trong khi tình trạng thiết quân luật cấm cả hai, một phần là để bảo vệ cử tri khỏi bị tổn hại, giới chức Ukraine cho biết.

Ông Zelensky có nên từ chức?

Thiết quân luật cũng hạn chế một số quyền tự do dân sự. "Một số quyền và tự do theo hiến pháp bị hạn chế, chẳng hạn như quyền tự do ngôn luận, hội họp hòa bình và tự do đi lại", Mahera nói.

Ủy ban Bầu cử Trung ương Ukraine cũng như Viện Lập pháp và Chuyên môn Khoa học - Pháp lý thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Ukraine đã đưa ra những đánh giá tương tự vào đầu năm nay.

Nhiệm kỳ tổng thống Ukraine đã kết thúc từ ngày 20/5, ông Zelensky vẫn nắm quyền mà không cần bầu cử?- Ảnh 2.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thường đến thăm những người lính gần tiền tuyến. Ảnh: Cơ quan Báo chí Tổng thống Ukraine

Các chính trị gia kỳ cựu tại Ukraine cũng tham gia vào cuộc tranh luận. Hryhoriy Omelchenko - cựu nghị sĩ và thành viên ủy ban soạn thảo hiến pháp Ukraine vào giữa những năm 1990 - cho biết, không phải ngẫu nhiên mà việc kéo dài nhiệm kỳ tổng thống vẫn không bị hạn chế, đồng thời nói thêm rằng việc này nhằm mục đích bảo vệ.

Mặc dù vậy, Omelchenko cũng từng gửi thư cho Tổng thống Zelensky - được đăng trên tờ báo Ukrajina Moloda vào tháng 3 - kêu gọi ông Zelensky "không chiếm đoạt quyền lực nhà nước" và tự nguyện từ chức vào tháng 5.

Tính hợp pháp của Tổng thống Zelensky không chỉ xuất phát từ luật pháp Ukraine mà còn từ sự ủng hộ rộng rãi của người dân nước này. Một cuộc khảo sát do Trung tâm Razumkov của Ukraine thực hiện vào tháng 1 cho thấy 69% số người được hỏi tin tưởng Tổng thống Zelensky, chưa đến 1/4 cho biết họ không tin tưởng ông.

Một cuộc khảo sát của Viện Xã hội học Quốc tế Kyiv (KIIS) vào đầu tháng 2 cho thấy 69% số người được hỏi cho rằng Tổng thống Zelensky nên tiếp tục nắm quyền cho đến khi tình trạng thiết quân luật kết thúc. Chỉ 15% trong số những người được hỏi ủng hộ việc tổ chức bầu cử trong hoàn cảnh hiện tại; và 10% muốn ông Zelensky chuyển giao quyền lực cho Chủ tịch quốc hội Ruslan Stefanchuk.

Anton Hrushetskyi - Giám đốc điều hành KIIS - nói với DW rằng, cả hai kịch bản trên đều có nguy cơ làm suy yếu tính hợp pháp của chính phủ và gây bất ổn tại Ukraine.

Hàng triệu người Ukraine đang ở nước ngoài, hàng triệu người sống ở vùng bị Nga kiểm soát, hàng trăm nghìn người đang phục vụ trong quân đội, "nếu công dân không thể tham gia bầu cử, với tư cách là cử tri hoặc ứng cử viên, điều này sẽ làm suy yếu tính hợp pháp của kết quả bầu cử", Hrushetskyi nói.

Nhiệm kỳ tổng thống Ukraine đã kết thúc từ ngày 20/5, ông Zelensky vẫn nắm quyền mà không cần bầu cử?- Ảnh 4.

Chủ tịch Quốc hội Ukraine Ruslan Stefanchuk được coi là người có thể kế nhiệm Tổng thống Volodymyr Zelensky. Ảnh: Cơ quan Báo chí Tổng thống Ukraine

Tòa án Hiến pháp có thể ra phán quyết về quyền hạn của tổng thống

Các chuyên gia pháp lý nói với DW rằng, Tòa án Hiến pháp Ukraine nên giải quyết cuộc tranh luận về quyền lực của tổng thống và thời gian diễn ra cuộc bầu cử.

"Chỉ Tòa án Hiến pháp mới có thể giải thích về hiến pháp, để xác định xem các luật khác có phù hợp với hiến pháp hay không", Mahera nói.

Tổng thống, Chính phủ, Tòa án Tối cao, một nhóm gồm 45 nghị sĩ hoặc ủy viên nhân quyền của Quốc hội Ukraine sẽ cần kêu gọi Tòa án Hiến pháp xem xét vấn đề đó.

Trang Dzerkalo Tyzhnia (Ukraine) đưa tin vào cuối tháng 2 rằng, Văn phòng Tổng thống Ukraine đang làm việc để đưa ra kiến nghị lên Tòa án Hiến pháp. Theo trang tin này, kế hoạch là để 45 nghị sĩ thuộc Đảng Đầy tớ của Nhân dân của ông Zelensky nộp đơn kiến nghị.

Theo nhóm nghị sĩ này, Tổng thống Zelensky có đầy đủ tính hợp pháp. Phe đối lập cũng phần lớn đồng ý.

Nhiều đảng phái ở Ukraine cho biết, họ không có ý định kháng cáo lên Tòa án Hiến pháp, nêu bật thỏa thuận giữa các đảng là không tổ chức bầu cử cho đến khi tình trạng thiết quân luật kết thúc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại