Nhật Bản thúc giục các bên ký TPP trước giữa năm 2018

Linh Anh |

Trưởng đoàn đàm phát Nhật Bản nhận định việc ký kết TPP cần diễn ra trước khi nhiều quốc gia tiến hành bầu cử vào giữa năm 2018 nhằm hạn chế các thay đổi có thể xảy ra.

Bộ trưởng Bộ Tái thiết kinh tế Toshimitsu Motegi, trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Nhật Bản, hôm 17/11 nhấn mạnh, năm 2018, nhiều quốc gia trong số 11 nước đang đàm phán TPP sẽ bầu cử, kèm theo những thay đổi có thể có trong chính quyền.

“Xem xét yếu tố này, chúng ta nên ký kết TPP nhanh chóng trước thời điểm đó”, ông Motegi nhấn mạnh.

Dù ông Motegi không nêu đích danh một quốc gia nào nhưng dựa vào thời gian biểu, có thể nhận thấy Malaysia sẽ tiến hành bầu cử vào giữa năm 2018 trong khi Mexico là tháng 7 năm sau. TPP hiện tại chỉ còn 11 thành viên sau khi Mỹ rút lui. Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã ban hành quyết định rút khỏi quá trình đàm phán dù người tiền nhiệm Barack Obama của ông hết lòng ủng hộ TPP.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, không phải quốc gia nào cũng muốn nhanh chóng ký kết TPP, trong đó điển hình là Canada. Trong cuộc họp báo tại Đà Nẵng, Việt Nam sau khi kết thúc Tuần lễ Cấp cao APEC, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhấn mạnh một hiệp định thương mại cần bảo vệ lợi ích của người dân và đất nước Canada. Đó cũng là điều mà ông theo đuổi.

Trong các cuộc đàm phán căng thẳng ở Việt Nam, vào phút chót, Canada đưa ra tiêu chí mới là “ngoại lệ văn hóa”. Theo ông Motegi, cái gọi là “ngoại lệ văn hóa” vốn không được định nghĩa ở các quốc gia khác. Canada sẽ phải trình bày chi tiết về thứ họ đề cập với từng quốc gia để các nước hiểu rõ nó. “Tôi nghĩ rằng Canada sẽ mất rất nhiều công sức”, ông Motegi nói.

Việc Mỹ rút khỏi TPP hồi đầu năm đã làm giảm đáng kể trọng lượng kinh tế của hiệp định, vốn gồm 12 quốc gia cùng 40% nền kinh tế toàn cầu. Dù chưa có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ sẽ trở lại với TPP trong tương lai gần nhưng Bộ trưởng Motegi nhấn mạnh Nhật sẽ nỗ lực đưa Mỹ trở lại.

Hiện tại, TPP 11 đang tạm hoãn 20 điều khoản, vốn được thúc đẩy bởi Mỹ trong quá trình đàm phán trước đó. Chúng có thể được đưa vào thực thi trở lại và đó sẽ là điều hấp dẫn để thúc đẩy Mỹ quay trở lại.

Trước đó, trưa 11/11, Nhật Bản và Việt Nam tổ chức cuộc họp báo chung về quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam. Chủ trì họp báo là Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi.

Theo đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trên cơ sở 4 vòng đàm phán đó, các Bộ trưởng ở Đà Nẵng đã thống nhất về Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ CPTPP (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership).

CPTPP vẫn giữ nguyên các nội dung của TPP cũ nhưng cho một số các nước thành viên tạm hoãn các nghĩa vụ. CPTPP là toàn diện, cân bằng lợi ích các thành viên, có tính tới lợi ích của các nước. Các Bộ trưởng giao cho các Trưởng đoàn đàm phán giải quyết những vướng mắc chưa đạt được.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại