Dù không phải là chương trình chính của Tuần lễ Cấp cao APEC lần này nhưng tuyên bố chung về thỏa thuận TPP 11 đã được thông qua mà không có sự góp mặt của Mỹ. Sự kiện này được đánh giá là bước đột phá cho thương mại tự do trong khu vực. Theo ông, đây có phải là dấu ấn của APEC 2017? Vai trò của nước chủ nhà được thể hiện ra sao khi thông qua được thỏa thuận?
Diễn biến đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong bối cảnh APEC lần này giống như diễn biến đầy kịch tính của một trận đá bóng ở đẳng cấp cao nhất. Kết cục là phần thắng dành cho những người tham gia cuộc đấu đến phút chót. Có thể tạm so sánh như vậy để thấy giá trị, ý nghĩa của sự kiện 11 quốc gia đã đi đến thỏa thuận TPP không có Mỹ với một tên gọi mới “Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)”.
Việc Mỹ rút khỏi TPP đã làm cho lòng tin vào triển vọng của Hiệp định bị suy giảm ghê gớm. Nhiều người còn tin chắc sẽ không thể có TPP khi không có Mỹ. Việc các bộ trưởng đã thống nhất được tên gọi của TPP 11 mới có thể coi đây là một cú đột phá chiến lược – nhưng không chỉ cho thương mại tự do trong khu vực. Cũng như TPP trước đây, CPTPP hôm nay không đơn thuần là một hiệp định thương mại tự do mà là một hiệp định toàn diện và phát triển trong môi trường hội nhập. Bản thân tên mới của Hiệp định (tiến bộ và toàn diện) đã nói lên điều đó.
Với cú đột phá này, lòng tin vào xu thế toàn cầu hóa với nội dung cốt lõi là liên kết và hợp tác phát triển được khẳng định. Điều này là hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh xu thế bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy. Việc duy trì gắn kết 11 nền kinh tế vào một hiệp định phát triển ở trình độ cao nhất trong điều kiện Mỹ - một trụ cột đặc biệt quan trọng - rút khỏi TPP có giá trị của một tuyên ngôn, một thông điệp mang tầm cỡ thời đại – rằng xu thế liên kết phát triển ở trình độ cao nhất sẽ mang lại những lợi ích phát triển to lớn không thể thay thế, ngay cả khi không có Mỹ.
Với ý nghĩa như vậy, đặt trong khuôn khổ APEC 2017 ở Đà Nẵng, hoàn toàn có thể coi đây là một sự kiện mang tính lịch sử, là một điểm nhấn của APEC lần này. Chắc chắn là để đạt thành công như vậy, có vai trò to lớn của nước chủ nhà Việt Nam. Việt Nam đã thể hiện quyết tâm cao độ để giữ bằng được TPP. Có lẽ nỗ lực như vậy của một nước có trình độ phát triển thấp nhất trong số 11 nước, lại chịu thiệt thòi lớn (có thể là lớn nhất) khi Mỹ rút ra khỏi TPP cũng có tác động tích cực mạnh mẽ đến quyết định của các nước còn lại.
Thêm vào đó, tôi nghĩ thái độ thân thiện, chân thành, sự nhiệt tình, tận tình và chu đáo của nước chủ nhà cũng tạo ra một bầu không khí thuận lợi cho quá trình đàm phán vốn dĩ rất căng thẳng và đầy khó khăn.
TS Trần Đình Thiên.
TPP 11 là thành công nhưng cũng là thách thức cho các nước thành viên tham gia, trong đó có Việt Nam. Theo ông, Việt Nam cần làm gì để phù hợp với bối cảnh mới này?
Thách thức thì lúc nào cũng có. Thậm chí, sau khi đàm phán thành công, thách thức hội nhập mới trở thành hiện thực đúng nghĩa. Trong đàm phán, cái cần chủ yếu là năng lực đàm phán. Còn đàm phán xong, mới cần đến năng lực thực thi, năng lực hội nhập thực tế. Mà đó chính là cái ta yếu và thiếu nhiều nhất.
Tôi cho rằng trong bối cảnh đã đạt được thỏa thuận CPTPP, vẫn còn nhiều việc mà Việt Nam phải làm với ba nhiệm vụ lớn. Thứ nhất, phải nỗ lực để đàm phán cho xong, cho trọn vẹn các điều khoản để đi đến ký kết thực thi. Điều này cũng phải tích cực, phải đẩy nhanh. Mọi thứ đều có thể xẩy ra, như việc Mỹ đột ngột rút khỏi TPP là một ví dụ. Thứ hai, phải tích cực chuẩn bị các năng lực thực thi – năng lực cạnh tranh sản phẩm – dịch vụ, năng lực thể chế (tuân thủ và vận hành) để đáp ứng các điều kiện khắt khe, các đòi hỏi rất cao của một hiệp định phát triển đẳng cấp cao nhất. Vấn đề năng lực bộ máy, năng lực con người, hệ thống luật lệ, chính sách và cơ chế bảo đảm sự tương thích, nguồn nhân lực, lực lượng doanh nghiệp... Khối lượng công việc là rất lớn và rất phức tạp, với những chất lượng rất mới. Nghĩa là phải hành động theo tư duy đổi mới mạnh mẽ, với tinh thần cải cách cơ cấu triệt để và xây dựng thể chế vượt trội. Thứ ba, thúc đẩy mạnh mẽ các quan hệ hợp tác phát triển khác, trong đó, trọng tâm là Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU, Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Tôi đặc biệt nhấn mạnh đến việc tăng cường quan hệ đối tác với Mỹ, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ. Đây là những mối quan hệ mang tính trụ cột, bảo đảm sự cân bằng, thế vững chắc chiến lược cũng như những lợi ích phát triển hàng đầu.
APEC Đà Nẵng nói chung, CPTPP nói riêng thành công tạo nên một cảm hứng tuyệt vời, một động lực mạnh cho những bước tiếp theo. Việt Nam cũng như các thành viên khác của CPTPP đã xác lập được đà chạy. Cần tận dụng tốt bước chạy đà này để tiến vượt lên.
Cảm ơn ông.
Vì sao đổi tên?
Tại buổi họp báo về TPP ngày 11/11 ở Đà Nẵng, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nói: "Dù trong bối cảnh mới có một quốc gia rút ra khỏi TPP nhưng tất cả các quốc gia đều khẳng định quyết tâm và mong muốn của mình tiếp tục con đường này. Chính vì vậy, tính chất và chất lượng của hiệp định thể hiện qua 2 từ bổ sung là Toàn diện và Tiến bộ, đó là điều mà tất cả các bộ trưởng TPP đều hướng đến, thống nhất, nhấn mạnh và coi đó là mục tiêu chung cho tính bao trùm của TPP. Vì vậy, tên gọi mới CPTPP đã được sự đồng thuận rất cao của các bộ trưởng".
Thục Quyên
Cần chuẩn bị tốt hơn về thể chế, chính sách hội nhập
PGS.TS. Nguyễn Văn Nam - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, việc các bộ trưởng của 11 nước thành viên còn lại của TPP (không có Mỹ) thống nhất tiếp tục đàm phán điều chỉnh để TPP 11 sớm có hiệu lực là một bước tiến lớn có tính đột phá. Việt Nam cần phải chuẩn bị tốt hơn về thể chế, chính sách hội nhập; cũng như xây dựng đội ngũ doanh nghiệp nội địa vững mạnh hơn, hiểu biết kỹ hơn về hội nhập kinh tế thương mại…