Nhật Bản theo sát hành động bất thường của Trung Quốc trên biển

Phương Võ |

Bộ Quốc phòng Nhật Bản gọi chuyến tuần tra chung của nhóm tàu chiến Trung Quốc - Nga ở Tây Thái Bình Dương vào tuần rồi là khác thường.

Một nhóm tàu chiến Nga và Trung Quốc trong tuần rồi đã có chuyến tuần tra chung được xem là đầu tiên ở Tây Thái Bình Dương.

Cụ thể, 10 tàu chiến của hai nước đã đi qua eo biển Tsugaru nằm giữa đảo chính Honshu và đảo Hokkaido ở miền Bắc Nhật Bản rồi trở lại Trung Quốc thông qua eo biển Osumi ngoài khơi đảo Kyushu ở miền Nam Nhật Bản.

Nhật Bản đã theo dõi sát sao hành trình đi gần một vòng quanh đảo Honshu nói trên ngay cả khi tàu nước ngoài được phép đi qua 2 eo biển Osumi và Tsugaru, nơi được xem là vùng biển quốc tế.

Trung Quốc và Nga cho rằng mục đích của chuyến tuần tra chung là bảo đảm sự ổn định tại khu vực. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng hành động này có thể phản tác dụng bằng cách gia tăng căng thẳng khu vực.

Nhật Bản theo sát hành động bất thường của Trung Quốc trên biển - Ảnh 1.
Nhật Bản theo sát hành động bất thường của Trung Quốc trên biển - Ảnh 2.

Nhóm tàu chiến Nga và Trung Quốc tuần tra chung ở Tây Thái Bình Dương vào tuần rồi. Ảnh: CNN, Reuters

Chưa hết, một số chuyên gia nhận định chuyến đi còn củng cố thêm nhận định của Nhật Bản, theo đó Bắc Kinh là mối đe dọa tiềm tàng đối với Tokyo nên nước này cần phải tăng chi tiêu quân sự để sẵn sàng ứng phó tốt hơn.

Không gì lạ khi tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm 25-10 gọi diễn biến trên là "khác thường".

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã gia tăng trong những năm gần đây, nhất là sau khi Bắc Kinh leo thang đòi chủ quyền quần đảo Senkaku đang được Tokyo kiểm soát.

So với Trung Quốc, Nhật Bản có chi tiêu quân sự không cao bằng nhưng vẫn nỗ lực tăng cường năng lực phòng thủ khi bổ sung chiến đấu cơ F-35 và biến tàu chiến thành tàu sân bay để có thể triển khai loại máy bay này. Nhật Bản cũng đang tiến hành mua tàu khu trục và tàu ngầm công nghệ cao, có thể hoạt động xa bờ.

Nhật Bản theo sát hành động bất thường của Trung Quốc trên biển - Ảnh 3.

Ảnh: Reuters

Một nguồn gây bất đồng khác là chuyện Trung Quốc tăng cường sức ép quân sự lên Đài Loan.

Tokyo xem tình hình an ninh ở Đài Loan có liên hệ đến mình khi lưu ý 90% năng lượng của Nhật Bản được nhập khẩu thông qua các khu vực quanh hòn đảo này.

Ông Drew Thompson, chuyên gia tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Trường ĐH Quốc gia Singapore, chỉ ra rằng nếu Trung Quốc và Nga có thể cho tàu đi qua hai eo biển Tsugaru và Osumi, thì hải quân các nước khác cũng có thể đi qua eo biển Đài Loan.

Trước đó, Bắc Kinh thường xuyên phản ứng mạnh mỗi khi tàu hải quân nước ngoài đi qua eo biển nằm giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục khi chỉ trích đó là hành động gây bất ổn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại