Nghi vấn và câu hỏi chưa có lời đáp trong vụ tàu ngầm Mỹ bị tai nạn ở Biển Đông

Lê Ngọc |

Phương Tây bắt đầu hiện diện thường xuyên hơn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực đầy biến động, vốn đã âm ỉ trong nhiều năm qua.

Phương Tây mở rộng sự hiện diện

Người Mỹ đã tiếp tục mở rộng sự hiện diện hải quân của họ ở Tây Thái Bình Dương và Biển Đông. Tháng 10/2021, hai nhóm tấn công tàu sân bay lớp Nimitz do tàu USS Carl Vinson (CVN-70) và USS Ronald Reagan (CVN-76) dẫn đầu, đã được triển khai xung quanh chuỗi đảo thứ nhất.

Nỗ lực lấy lại động lực đã mất ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, người Anh, đã triển khai hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth (R08) đến Biển Đông hồi đầu tháng trước. Trong khuôn khổ các cuộc tập trận hải quân đa phương, các tàu nói trên cũng đi qua Biển Philippines cùng với tàu sân bay trực thăng lớp MSDF Hyuga của Nhật Bản JS Ise (DDH-182).

Trong khi đó, kể từ cuối tháng 9, Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã cố gắng nâng cao lợi thế trong tranh chấp kéo dài với Đài Loan (Trung Quốc). Riêng ngày 4/10/2021, 52 máy bay của PLA đã được xác định trong khu vực phía tây nam Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) Đài Loan. Tại khu vực, tình hình đang nhanh chóng phát triển thành một kịch bản tương tự như chiến tranh lạnh.

Sự cố tàu USS Connecticut

Để ngăn chặn Trung Quốc, Hải quân Mỹ đã triển khai một tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Seawolf USS Connecticut (SSN-22) tuần tra ở Đông và Đông Nam Á. Theo thông báo ngày 7/10, vào ngày 2/10/2021, tàu USS Connecticut đã bị va chạm bởi một vật thể không xác định dưới nước trong khu vực tranh chấp, khi đang lặn. Sự cố không ảnh hưởng đến lò phản ứng hạt nhân của tàu và không gây ra thương tích nghiêm trọng nào, ngoại trừ 11 thủy thủ bị thương nhẹ.

Trong khi Hải quân Mỹ chưa tiết lộ vị trí nơi xảy ra sự cố tàu ngầm, Tổ chức Tư vấn Sáng kiến ​​Biển Đông của Trung Quốc đã sử dụng hình ảnh vệ tinh để phát hiện cái mà họ nghi ngờ là tàu ngầm lớp Seawolf đang hoạt động cách quần đảo Hoàng Sa 42,8 hải lý về phía Đông Nam. Vị trí này là một nhóm bãi cạn và đảo tranh chấp mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trái phép.

Biển Đông nổi tiếng là một địa bàn khó đối với các tàu ngầm, dưới đáy biển có các gờ sắc nhọn và rải rác các bãi cạn, các rặng núi dốc nối các vùng nước nông từ 1.300m đến sâu tới 3.500 m. Những sai sót về thủy văn và độ sâu từng xảy ra trong quá khứ, dẫn đến những hậu quả tàn khốc. Tàu USS San Francisco (SSN 711) đã va chạm với một vỉa phía đông nam đảo Guam vào năm 2005. Tuy nhiên, với cải thiện đáng kể trong việc thu thập dữ liệu độ sâu và thủy văn của các tàu thủy văn Hải quân Mỹ, có thể loại trừ kịch bản USS Connecticut va chạm với các tàu ngầm khác.

Các giả thuyết

Người ta xem xét các khả năng và kịch bản khác gây ra thiệt hại vật lý nặng nề cho tàu USS Connecticut. Người Trung Quốc đã gia tăng theo cấp số nhân các hoạt động và hành động quân sự của họ trong thời gian qua, như tại biên giới Ấn-Trung trên dãy Himalaya và hành động gây hấn xuyên eo biển ở Đài Loan. Ở Biển Đông, các bãi cạn không có người ở được đã được chuyển đổi thành các căn cứ quân sự hỗ trợ không quân cũng như doanh trại và các hệ thống radar tiên tiến.

Năm 2019, Hải quân PLA đã đưa vào triển lãm phương tiện tự hành dưới nước (AUV) đầu tiên mang tên HSU-001. Phân tích tàu ngầm của H I Sutton về AUV đã mô tả nó được sử dụng cho các hoạt động tầm xa, với các mảng sonar quét bên và một máy dò từ tính để phát hiện các mục tiêu dưới nước. Sự cố của tàu ngầm Mỹ khiến dư luận không thể không nghĩ tới các AUV này.

Một con tàu như vậy (AUV) có thể được sử dụng cho nhiều loại hoạt động, bao gồm khảo sát và trinh sát biển, tác chiến mìn và các biện pháp đối phó, kiểm tra cáp dưới biển và tác chiến chống ngầm. Người Trung Quốc cũng đã phát triển thiết bị không người lái dưới nước nhỏ hơn. Cuối tháng 12/2020, các ngư dân Indonesia đã đánh bắt được ‘Sea Wing’ - một thiết bị lặn không người lái hoàn toàn khác. Không giống như HSU-001, Sea Wing có kích thước nhỏ hơn nhiều và không thể cung cấp bất kỳ sự hỗ trợ nào cho các nhiệm vụ chiến đấu.

Tháng 7/2021, trong một động thái chưa từng có, Trung Quốc đã giải mật kết quả chi tiết của một dự án thử nghiệm dường như đã kéo dài nhiều thập kỷ. Đó là cuộc thử nghiệm thực địa một phương tiện không người lái dưới nước (UUV), có vẻ như ở eo biển Đài Loan, vào năm 2010. UUV hiện đang hoạt động riêng lẻ, nhưng với những cải tiến trong tương lai, có thể có khả năng hoạt động theo nhóm.

UUV hướng các mảng sonar của nó tới nhiều nguồn âm thanh khác nhau, trong khi trí tuệ nhân tạo cố gắng lọc tiếng ồn xung quanh và xác định bản chất của mục tiêu, sau khi xác minh mục tiêu, sẽ bắn ngư lôi. Khả năng bắn một ngư lôi có kích thước tiêu chuẩn cho thấy, UUV đang được đề cập có kích thước lớn hơn Sea Wing, và có thể, còn lớn hơn HSU-001. Tuy nhiên, các công nghệ phức tạp ngày nay cũng đang được ứng dụng để giảm kích thước của ngư lôi mà không ảnh hưởng đến hiệu quả.

UUV chắc chắn sẽ thay đổi bộ mặt của chiến tranh hiện đại, được sử dụng để phát hiện mục tiêu, và trong tương lai, cũng có thể tiêu diệt chúng. Các nhà thiết kế và nghiên cứu quân sự đang ngày càng dành nhiều sự quan tâm và nguồn lực vào việc phát triển các nền tảng tiên tiến, với độ chính xác cao, tổn thất nhỏ... Những thiết bị này sẽ được chứng minh là vô giá ở các vùng biển nông, và tại Biển Đông, đặc trưng bởi các điều kiện thủy văn nguy hiểm và có thể dễ dàng sửa đổi cho các nhiệm vụ khác nhau.

Một số nhà phân tích và chuyên gia về tàu ngầm trong lĩnh vực này bao gồm cả cựu lính tàu ngầm người Mỹ Aaron Amick cho rằng vòm mũi của tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Seawolf đã bị hư hại nghiêm trọng. Vì không có vụ nổ nào được quan sát thấy nên khả năng sử dụng ngư lôi để tấn công tàu Mỹ có thể bị loại trừ.

Nó cũng không thể là một quả ngư lôi 'hỏng' được bắn vào tàu ngầm Mỹ vì hầu như không có tác động lớn đến hợp kim thép HY-100 dày 2 inch trên thân tàu Seawolf. Điều này khiến người ta liên tưởng đến kịch bản một chiếc tàu không người lái được sử dụng để đâm vào thân tàu ngầm.

Điều này sẽ đặt ra câu hỏi rằng điều gì đã xảy ra với thiết bị trên tàu Connecticut? Tại sao các cảm biến tiên tiến và mảng sonar không thể “nhìn thấy” được một vật thể đang đến? Hoặc trong trường hợp va chạm với các đặc điểm địa lý, điều gì đã xảy ra với hệ thống thủy văn và đo độ sâu trên một trong những tàu ngầm tấn công hạt nhân tiên tiến nhất trên thế giới?

Điều hướng tàu ngầm là một lĩnh vực chuyên môn rất nhạy cảm, đòi hỏi phải có dữ liệu cực kỳ kỹ lưỡng và toàn diện về các khu vực xung quanh tàu. Các lực lượng hải quân trên thế giới duy trì cơ sở dữ liệu đã phân loại lưu trữ dữ liệu thủy văn và độ sâu chi tiết vô giá cho các hoạt động của tàu ngầm. Tuy nhiên, các tàu ngầm cũng sử dụng sonar tần số cao nhằm tính toán độ sâu của nước và các đặc điểm xung quanh để xác minh dữ liệu hải đồ. Xung sonar chủ động được sử dụng để phát hiện các vật thể dưới nước gần đó bao gồm các vật thể chìm dưới nước như mìn, xác tàu, tàu thuyền khác, cũng như các đối tượng địa lý.

Tàu USS Connecticut cùng với các tàu khác của SSN lớp Seawolf bắt đầu hoạt động với hệ thống sonar BQQ 5D. Seawolf được trang bị lại hệ thống AN/BQQ-10 (V4) là một hệ thống kiến ​​trúc mở bao gồm nâng cấp phần mềm hai năm một lần và nâng cấp phần cứng bốn năm một lần. Tuy nhiên, hệ thống mới vẫn tiếp tục sử dụng mảng chủ động và thụ động hình cầu rộng 24 feet gắn ở mũi tàu và mảng sườn thụ động khẩu độ rộng được lắp đặt trên tàu ngầm.

Lớp tàu cũng được trang bị thêm hệ thống sonar mảng TB-29A do Lockheed Martin phát triển. Vì thế muốn tấn công USS Connecticut thì đội ngũ vận hành hệ thống phải khảo sát, xác định được các điểm mù của tàu. Liệu Trung Quốc đã xác định được điểm mù đó ?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại