Nghi vấn tàu khảo sát Trung Quốc tiếp tục hoạt động trong vùng EEZ của Indonesia

Hương Trà |

Tổ chức Sáng kiến ​​Công lý Đại dương Indonesia yêu cầu chính phủ gửi công hàm làm rõ mục đích hoạt động của con tàu trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia.

Hải quân Indonesia giám sát hoạt động tàu Trung Quốc trên biển Bắc Natuna. (Nguồn: Bakamla)

Hải quân Indonesia giám sát hoạt động tàu Trung Quốc trên biển Bắc Natuna. (Nguồn: Bakamla)

Tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 10 (Haiyang Dizhi 10) của Trung Quốc được cho là vẫn hoạt động ở biển Bắc Natuna của Indonesia gần 2 tháng nay. Dựa trên sự giám sát của Tổ chức Sáng kiến ​​Công lý Đại dương Indonesia (IOJI) thông qua Hệ thống Nhận dạng Tự động (AIS), tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 10 (Haiyang Dizhi 10) của Trung Quốc xâm nhập vào Vùng Đặc quyền Kinh tế Indonesia (EEZ) vào cuối tháng 8. Một tháng sau đó, vào ngày 29/9/2021, con tàu rời khỏi EEZ của Indonesia và hướng đến khu vực Đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) để tiếp tế nhiên liệu.

Tuy nhiên đến ngày 4/10, tàu Hải Dương Địa chất 10 quay trở lại tiếp tục hoạt động trong vùng biển Indonesia cho đến ngày 22/10. Tổ chức Sáng kiến ​​Công lý Đại dương Indonesia nghi ngờ tàu Tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 10 của Trung Quốc đang tiến hành nghiên cứu khoa học biển hoặc lập bản đồ các nguồn tài nguyên thiên nhiên phi sinh học trong EEZ và Thềm lục địa Indonesia.

Nghi ngờ này dựa trên bốn lý do: Thứ nhất, tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 10 của Trung Quốc là con tàu có chức năng thực hiện các cuộc khảo sát và nghiên cứu khoa học biển. Thứ hai, con tàu được điều hành bởi Cục Khảo sát Địa chất Biển Quảng Châu, có nhiệm vụ và chức năng trong việc khảo sát địa chất biển và đã đóng một vai trò trong các hoạt động thăm dò dầu khí khác nhau của Trung Quốc ở Biển Đông. Thứ ba, các dạng quỹ đạo tàu biểu thị hoạt động nghiên cứu khoa học biển. Cuối cùng, quỹ đạo hoạt động của tàu Hải Dương Địa Chất 10 giống quỹ đạo của tàu Khảo sát Đại Dương Hiệu (Da Yang Hao) đã được chính phủ Trung Quốc thừa nhận thực hiện trong EEZ của Malaysia.

Tổ chức Sáng kiến ​​Công lý Đại dương Indonesia cũng thông báo ngày 13/10, một tàu khảo sát khác của Trung Quốc Viễn Vọng 6 (Yuan Wang 6) được xác định đi vào EEZ của Indonesia ở biển Bắc Natuna. Con tàu không chỉ đi qua mà còn ở lại biển Bắc Natuna trong khoảng 42 giờ. Theo IOJI, tàu Yuan Wang có khả năng khảo sát và nghiên cứu khoa học biển cũng như lợi ích quân sự, bao gồm theo dõi tên lửa tầm trung và tầm xa, phát hiện sự hiện diện của vệ tinh, điều khiển vệ tinh và tàu vũ trụ từ xa. Con tàu này thậm chí đã hoàn thành phóng thử tên lửa đạn đạo tầm xa xuyên lục địa, phóng thử tên lửa dưới nước từ tàu ngầm và phóng thử vệ tinh liên lạc.

Tổ chức Sáng kiến ​​Công lý Đại dương Indonesia đề xuất chính phủ thực hiện giám sát chuyên sâu đối với các hoạt động của tàu khảo sát Trung Quốc khi ở trong EEZ Indonesia, đồng thời gửi công hàm tới chính phủ Trung Quốc để yêu cầu làm rõ các vấn đề liên quan đến hoạt động của hai tàu khảo sát trên.

Cho đến thời điểm hiện tại, chính phủ Indonesia chưa có phản ứng về hành động trên của Trung Quốc. Ngày 4/10, Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết, bất kỳ tàu nước ngoài nào cũng có thể đi qua vùng biển nước này như trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại