Nhật Bản vốn là một quốc gia nghèo tài nguyên thiên nhiên, luôn phải hứng chịu những thảm họa kinh hoàng như bão lũ, động đất, sóng thần… nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, đất nước này còn là một nước chiến bại đổ nát. Tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn, Nhật Bản đã vực dậy và phát triển thần tốc trở thành cường quốc kinh tế ảnh hưởng và dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực, là một dân tộc có những phẩm cách đặc biệt mà cả thế giới đều muốn học hỏi.
Đức tin hình thành nên ý thức hệ sâu sắc đối với dân tộc Nhật Bản, rằng: dòng dõi của nữ Thần mặt trời phải là dòng dõi dẫn đầu. Lòng tự tôn dân tộc không cho phép dân tộc Nhật là dân tộc đi sau các dân tộc khác. Do vậy, tinh thần học hỏi, thượng tôn tri thức là một điều quan trọng mà dân tộc này luôn theo đuổi từ khi lập quốc.
Tinh thần học hỏi, thượng tôn tri thức đã được hình thành từ lâu đời trong đời sống người Nhật. Các khảo cứu lịch sử đã thấy rằng văn hóa đọc sách của Nhật Bản không chỉ có ở giới hoàng tộc mà còn phát triển mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân từ thời trung cổ từ khoảng thế kỷ 16. Trong thời Genroku (1688-1704), được xem là thời vàng son với kinh tế ổn định, nghệ thuật và văn chương phát triển, Nhật Bản đã có một hệ thống xuất bản sách hiện đại đáng ngạc nhiên với sự hiện hữu của nhiều nhà xuất bản lớn, nhiều nhà minh hoạ sách có tiếng và nhiều nhà văn tên tuổi. Sách thường được xuất bản với số lượng đến hơn 10.000 bản! Đây là một con số hầu như không có dân tộc nào có được vào thời đó. Tuy nhiên, để nói về tinh thần không ngừng học hỏi, thượng tôn tri thức phải nói đến thời kỳ Minh Trị Duy Tân với những thành tựu đã giúp nước Nhật thay đổi về mọi mặt, đặt nền tảng quan trọng cho việc hình thành nước Nhật hiện đại ngày nay.
Vào cuối thế kỷ 19, khi đứng trước vận mệnh của đất nước có thể trở thành thuộc địa Âu-Mỹ, giới học giả trí thức Nhật đã thuyết phục thành công chính quyền Minh Trị tiến hành các cuộc cải cách với mục tiêu "phú quốc cường binh". Cuộc cải cách đã rất thành công trong nhiều lĩnh vực: nội chính, ngoại giao, kinh tế, tài chính - tiền tệ, quân sự… Đây có thể được coi là thời kỳ quá độ chuyển hình từ chế độ phong kiến sang chế độ quân chủ lập hiến, hay còn được gọi là cuộc cách mạng tư sản không triệt để của nước Nhật ở cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên những cải cách trong thời kỳ Minh Trị Duy Tân đã giúp nước Nhật trở thành cường quốc số 1 châu Á về kinh tế, giáo dục, thương mại, quân sự…
Một trong những cải cách có tầm ảnh hưởng lớn đối với Nhật Bản chính là cuộc cải cách giáo dục. Đứng đằng sau cuộc cải cách giáo dục mang tính thời đại này phải kể đến những đóng góp của nhà tư tưởng, nhà giáo dục khai sáng Fukuzawa Yukichi. Sau ba lần có cơ hội xuất ngoại Âu-Mỹ từ năm 1860 -1867, ông đã sớm nhận ra giáo dục là chìa khóa bí mật của sức mạnh phương Tây. Fukuzawa Yukichi đã kể lại những điều mắt thấy tai nghe với lối ngôn ngữ bình dị, đơn giản, dễ hiểu nhất trong các trước tác với số lượng lên tới hàng vạn trang và xuất bản. Tiêu biểu phải kể đến như Gakumon no susume (Khuyến học), Bunmeiron no gairyaku (Văn minh luận chi khái lược), Seiyo Jijo (Tây Dương sự tình...) và hàng chục các tác phẩm khác trong nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế tư nhân, ngoại giao, quân sự, tài chính-tiền tệ, con người, thế giới….
Tư tưởng cốt lõi của Fukuzawa Yukichi là độc lập, thực học, thoát Á – nhập Âu. Ông quan niệm: mỗi cá nhân sẽ là một thành tố đóng góp vào sự hưng thịnh của mỗi gia đình, mỗi tổ chức và mỗi quốc gia. Chính vì vậy nhận thức về trách nhiệm cá nhân trong xã hội rất quan trọng và giáo dục là nền tảng của nhận thức đó. Nền giáo dục quốc gia phải giúp mỗi công dân Nhật nhận thức sâu sắc: tự lực, độc lập, thực học, thoát Á nhập Âu, trách nhiệm quốc dân,… là những giá trị then chốt trong việc hình thành phẩm tính cá nhân. Những tư tưởng đổi mới của Fukuzawa Yukichi tác động mạnh mẽ đến tầng lớp trí thức Nhật, những người đang nắm vận mệnh đất nước trong công cuộc cải cách. Còn những tác phẩm của ông trở thành "sách gối đầu giường" của chính phủ Minh Trị trong cuộc cải cách mang tính thời đại.
Ở tác phẩm Khuyến học, Fukuzawa Yukichi viết: tinh thần, khí khí độc lập là điểm xuất phát của mọi vấn đề. Độc lập có hai dạng: độc lập vật chất và độc lập tinh thần. Còn "thực học" nghĩa là học những thứ gắn liền với thực tế cuộc sống, có thể áp dụng trực tiếp cho đời sống của mình.
Theo những tư tưởng đổi mới, nền giáo dục Nhật Bản đã thực hiện hàng loạt các cải cách quan trọng. Bắt đầu từ năm 1870, quốc gia này hướng tới việc xác lập khuôn mẫu giáo dục phương Tây (Pháp) theo các cấp: tiểu học – trung học – đại học. Năm 1871, thành lập Bộ giáo dục để triển khai mô hình giáo dục mới. Bộ giáo dục Nhật đã triển khai hệ thống sách giáo khoa chung cho toàn quốc trên định hướng "kỹ thuật phương Tây, đạo đức phương Đông". Theo đó, hệ thống trường – lớp đã được hình thành từ trung ương tới địa phương, phá vỡ tính nhỏ lẻ, hạn chế của Nho học trước đây. Việc này đã góp phần phổ biến văn hóa, lối sống, các giá trị văn minh phương Tây vào Nhật Bản. Luật giáo dục – bộ luật mới của chính phủ Minh Trị đã được công bố năm 1897 với các điều luật quan trọng như: bắt buộc trẻ em phải đến trường và phải hoàn thành cấp bậc tiểu học từ 3-4 năm. Nhờ vậy, cùng thời kỳ này, tỉ lệ mù chữ ở Nhật Bản đã thấp hơn so với Anh quốc và trở thành nước có tỉ lệ mù chữ thấp nhất châu Á.
Ngoài ra, để hiện thực hóa mục tiêu "phú quốc cường binh", chính phủ Minh Trị còn gửi các sinh viên ra nước ngoài để tìm hiểu, nghiên cứu những kiến thức tiên tiến nhất về áp dụng cho đất nước mình. Cụ thể, Nhật Bản đã gửi sinh viên sang Anh để học về hải quân và hàng hải, sang Đức để học về bộ binh, y khoa và sang Mỹ để học về kinh doanh, sang Pháp để học về luật khoa... Ngoài ra, Nhật Bản còn mời các giáo sư, giảng viên người nước ngoài (khoảng 5000 người) sang giảng dạy, truyền bá kiến thức cho người Nhật, nhất là về kỹ thuật. Để tăng cường sự hiểu biết về thế giới bên ngoài. Không chỉ vậy, chính quyền Minh Trị còn chú trọng nhiều đến việc dạy ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, xem đó là chìa khoá để mở ra thế giới. Bởi vậy, vào năm 1874 ở Nhật Bản đã có tới 91 trường dạy tiếng nước ngoài. Ruth Benedict – nhà nghiên cứu nhân loại học văn hóa người Mỹ đã viết: Họ (giới trí thức Nhật Bản trong thời kỳ Minh Trị Duy Tân) hoàn toàn không xem cuộc cách mạng tư tưởng là nhiệm vụ, mà xem đó là sự nghiệp. Mục tiêu của họ là làm cho Nhật Bản trở thành một quốc gia được biết đến. (Tác phẩm: Hoa cúc và Gươm – Những mẫu hình văn hóa Nhật Bản).
Vào thời kỳ Minh Trị Duy Tân, phong trào Tây học bùng nổ và phát triển mạnh mẽ. Ngoài việc tự viết sách để truyền bá, khai sáng văn minh phương Tây như Fukuzawa Yukichi thì còn diễn ra "cuộc dịch thuật vĩ đại" diễn ra hàng thế kỷ của giới trí thức, học giả thời kỳ này. Do vậy mà người dân Nhật có thể tiếp cận nền tri thưc phương Tây từ nhiều lĩnh vực một cách sâu rộng. Ví dụ điển hình như tác phẩm Bàn về Tự do (On Liberty), của John Stuart Mill được xuất bản ở Anh năm 1859, bán được số lượng 250.000 ở Anh Mỹ. Vậy nhưng khi được Nakamura Masanao, tác giả từng học bên Anh, dịch sang tiếng Nhật những năm đầu của thời Minh Trị thì quyển sách bán đến một triệu bản. Ở phương Đông, trong mọi thời đại chưa có cuộc dịch thuật nào như cuộc dịch thuật Nhật Bản phản ảnh trung thực nền khoa học kỹ thuật phương Tây.
Tinh thần thượng tôn tri thức ở Nhật được các nhà truyền giáo phương Tây đầu thế kỷ 20 miêu tả: khi tiếp xúc với dân tộc này (Nhật Bản), so sánh với các dân Trung Hoa hay Hàn Quốc thì thấy họ có trí tò mò đặc biệt. Năm 1922 khi Einstein thực hiện lời mời sang thăm và diễn thuyết khoa học tại Nhật thì nước Nhật vừa có ngay một tuyển tập Einstein gồm bốn quyển. Lúc đó không đâu ở châu Âu hay ở Mỹ có tuyển tập này. Tương tự, ba năm trước đó, 1919, Nhật Bản cũng là nước đầu tiên xuất bản tuyển tập Karl Marx, Friedrich Engels. Cũng không đâu trên thế giới, kể cả Nga, Đức là những nơi có phong trào xã hội chủ nghĩa mạnh nhất thế giới có tuyển tập này. Người Nhật quả muốn biết hết những nghĩ gì thế giới trước đó.
Song song đó, sách của giới học giả, trí thức trong nước cũng được người dân Nhật đón nhận nồng nhiệt. Ngay trong năm đầu tiên xuất bản (1972-1976), Khuyến học của Fukuzawa Yukichi đã in tới gần 4 triệu bản dành cho khoảng 35 triệu dân Nhật lúc bấy giờ (so với vài ngàn bản cho một đầu sách bình thường cùng thời). Từ năm 1942 đến năm 2000, riêng nhà xuất bản Iwanami Bunko tại Nhật đã tái bản 76 lần với số lượng hàng chục triệu bản. Điều này cho thấy "Khuyến học" là cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ Nhật Bản từ thời kỳ Minh Trị Duy Tân cho tới thời kỳ hiện đại.
Cuộc cải cách giáo dục trong thời kỳ Minh Trị Duy Tân đã giúp Nhật Bản phát triển năng lực xã hội vượt bậc; là chìa khóa cho nền kinh tế chuyển hình từ nông nghiệp sang công nghiệp, khoa học kỹ thuật hiện đại. Mục tiêu "phú quốc cường binh" mà chính phủ Minh Trị đề ra trở thành làn sóng mạnh mẽ giúp nước Nhật trở thành quốc gia có tầm ảnh hưởng ở khu vực châu Á trong thời kỳ này. Và giáo dục đã góp phần quan trọng giúp ý thực hệ của dân tộc Nhật Bản thay đổi, xây dựng được nền tảng cốt yếu. Từ đó giúp quốc gia này có sức mạnh nội lực vượt trội trong thời kỳ duy tân, cải cách đất nước.
Câu chuyện về Nhật Bản – quốc gia đã xây dựng "nền dân khí" bằng giáo dục trở thành dân tộc thượng tôn tri thức đã truyền cảm hứng tới nhiều quốc gia trên thế giới. Nhằm tiếp tục truyền cảm hứng về chí khí độc lập, thượng tôn tri thức của dân tộc Nhật Bản tới hàng triệu người dân Việt Nam, Nhà sáng lập - Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ đã cẩn trọng, tuyển chọn cuốn "Khuyến học" (Fukuzawa Yukichi) – cuốn sách đã làm thay đổi nước Nhật – thuộc Tủ sách nền tảng Đổi đời để dành tặng thanh niên Việt. Tủ sách gồm hơn 100 đầu sách quý thuộc 12 lĩnh vực căn cốt nhất của nhân loại nhằm xây dựng trí huệ và minh triết toàn diện, góp phần kiến tạo nên một dân tộc hình mẫu, dẫn dắt tinh thần toàn diện cho quốc gia và đi tới sự giàu có toàn diện về thể chất, vật chất, tinh thần.
Khi nghiên cứu về xã hội học, nhân loại học, nhiều chuyên gia trên khắp thế giới đã đưa ra những câu chuyện xác minh cho đức tin là sức mạnh dẫn dắt tinh thần đoàn kết, lòng trung thành tuyệt đối, sự đồng lòng của cả dân tộc đã giúp Nhật Bản đi qua nhiều khó khăn cả về thiên tai, nhân tai trong một thời gian ngắn mà không có một quốc gia nào trên thế giới làm được.
Đầu tiên phải nói đến những khó khăn về thiên tai trong suốt lịch sử lập quốc, xây dựng đất nước. Là một đảo quốc giữa Thái Bình Dương với hàng nghìn đảo lớn nhỏ, có diện tích khoảng 378.000 km2 (đứng thứ 61 trên thế giới), với đặc điểm rất nghèo tài nguyên thiên nhiên, ngoại trừ gỗ và hải sản. Đất nông nghiệp ít nên một nửa lương thực cho đời sống thường ngày của người dân Nhật phải nhập khẩu. Không chỉ vậy, Nhật Bản còn quốc gia thường xuyên hứng chịu nhiều thiên tai như động đất, bão lũ, sóng thần, núi lửa… nhiều hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới. Theo thống kê, Nhật Bản có khoảng 7500 trận động đất mỗi năm. Có thể kể đến Đại thảm họa động đất Kant 1923 đã làm 142.800 chết và mất tích, 103.733 người bị thương và phá hủy hoàn toàn hàng trăm nghìn ngôi nhà. Trận động đất Kanto đã làm thành phố Yokohama bị hỏa hoạn thiêu hủy san bằng. Còn vào năm 2011, trận động đất – sóng thần có cường độ 9 richter đã cướp sinh mạng đi khoảng 16.000 người, khoảng 2.500 người mất tích và nhiều thị trấn ven biển bị san phẳng.
Mặc dù là một đất nước chưa từng bị ngoại xâm, nhưng Nhật Bản đã trải qua những giai đoạn bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh. Lịch sử cận đại ghi nhận một trong những giai đoạn khó khăn nặng nề nhất là sau thế chiến thứ hai, khi Nhật từ đế quốc số 1 châu Á trở thành quốc gia bại trận, tan hoang trong đổ nát bởi bom đạn. Khoảng 30% dân số Nhật không có nhà ở, 6 triệu người lính và dân thường từ khắp các vùng chiến sự ở Thái Bình Dương quay trở về Nhật, phần lớn dân số rơi vào tình trạng đói ăn trầm trọng. Không chỉ vậy, có khoảng 66 thành phố chính đã bị tàn phá nặng nề, cuộc sống ở khu vực nông thôn chỉ còn tương đương 65% so với trước Chiến tranh. Các trung tâm kinh tế lớn tại Tokyo, 65% khu vực dân cư bị phá hủy hoàn toàn; con số này tại các thành phố Osaka, Nagoya (thành phố lớn thứ 2 và thứ 3 tại Nhật ở thời điểm đó) lên đến 57% và 89%. Đây có thể coi là cuộc đại khủng hoảng, có thể đưa nước Nhật vào bước ngoặt, hoặc là vươn lên theo đà, của những thành tựu đã đạt được hoặc là chìm sâu.
Tuy nhiên, trong thời kỳ nào, trước những khó khăn nào, thế giới luôn phải ngưỡng mộ trước tinh thần đoàn kết của dân tộc này. Đặc điểm nổi bật nhất mà ai cũng nhận thấy là người Nhật luôn luôn thực thi các chính sách của chính phủ, lời kêu gọi của hoàng gia bằng sự tự nguyện, đồng lòng và tin tưởng, trung thành tuyệt đối. Nhà nghiên cứu nhân loại học văn hóa người Mỹ Ruth Benedict đã viết trong tác phẩm Hoa cúc và Gươm – Những mẫu hình văn hóa Nhật Bản: "Có lẽ không một dân tộc nào mà chính sách về lòng trung thành lại được chấp nhận như ở Nhật. Trong con mắt của người Nhật, từ thực tế trần trụi của sự bại trận (sau chiến tranh thế giới thứ hai), người ta rút ra những biểu tượng của sự nhục nhã và đòi hỏi họ đưa vào thực hiện chính sách quốc gia mới, việc chấp nhận điều đó chủ yếu là vì đặc trưng văn hóa riêng của người Nhật".
Tinh thần đoàn kết của người Nhật không là khẩu hiệu, câu nói mà nó là hành động rất cơ bản được thực hiện từ trong tâm thức. Đơn giản như việc xếp hàng trong mọi hoàn cảnh, kiên nhẫn chờ đợi trong sự im lặng thoải mái. Ngay cả trong thiên tai, người Nhật không bối rối, lúng túng hay hỗn loạn mà ngược lại, họ có khả năng kết vào nhau để cùng tồn tại. Mỗi công dân Nhật hiểu rằng, ai cũng đóng vai trò là một bánh răng trong mắt xích của bánh xe đang chạy. Vì vậy đồng thuận, đoàn kết như chất dầu bôi trơn nên mọi sự kiện đều diễn ra hết sức trơn tru, êm ả, thuận lợi. Đây có thể nói về điểm khác biệt của tinh thần dân tộc Nhật Bản so với các dân tộc khác trên thế giới.
Nhật Bản theo tiếng Hán có nghĩa là "gốc của Mặt trời", được hiểu là "đất nước Mặt Trời mọc". Theo quốc sử Nhật Bản, khoảng gần 3000 năm về trước, có Thiên Chiếu đại thần, tục gọi là nữ Thần mặt trời hay Quốc tổ đã sai cháu của nữ thần hóa sinh thành người, lên ngôi vua để trị vì nước Nhật. Sử sách Nhật Bản ghi rằng: "Ngôi báu này, con cháu của thần chính tông đời đời truyền nối nhau, cùng trời đất sinh trường vô tận".
Lịch sử đã khẳng định hoàng tôn lãnh đạo đất nước là dòng dõi chính truyền của thần, do vậy người Nhật có niềm tin sâu sắc, kính thờ, tôn trọng và không bao giờ nghi ngờ về sự dẫn dắt của dòng dõi hoàng gia. Niềm khát khao trở thành con cháu của Thần mặt trời được truyền từ đời này qua đời khác hàng nghìn năm, chôn chặt trong mỗi trái tim, mỗi khối óc của người Nhật, dẫn dắt tinh thần dân tộc Nhật Bản và trở thành một đức tin lớn của dân tộc Nhật Bản.
Đức tin ấy có ảnh hưởng suốt quá trình xây dựng, phát triển nước Nhật, từ thời lập quốc đến thời hiện đại ngày nay. Nó giúp dân tộc Nhật Bản có sự gắn kết chặt chẽ, là một khối thống nhất từ hoàng gia, giới quý tộc, trí thức đến những người dân bình thường ở mọi hoàn cảnh, trong bất kỳ thể chế chính trị nào.
Ảnh hưởng rõ ràng nhất phải kể đến suốt chiều dài lịch sử lập quốc, xây dựng đất nước Nhật Bản chưa từng có một cuộc cách mạng nào mang tính chất lật đổ quyền thống trị. Tính đến năm 2020, nước Nhật có lịch sử gần 3.000 năm với 126 triều vua, có một dòng họ duy nhất thống trị hoàng gia và là con cháu của nữ Thần mặt trời. Ngay cả khi có những tranh chấp trong hoàng thất, quyền lực của hoàng gia suy yếu nhưng Thiên hoàng vẫn được tôn kính một mực với lòng trung thành tuyệt đối và không hề có sự rối loạn trong niềm tin, trong lòng dân chúng.
Không chỉ vậy, lịch sử Nhật Bản còn viết rằng: nữ Thần mặt trời đã ban cho hoàng tôn ba món thần khí đại diện cho ba phẩm tính mà các đấng hoàng tôn cần có để làm gương thiên hạ: một cái gương (gương bát chỉ) – biểu trưng cho sự trong sạch, sáng suốt; một viên ngọc (ngọc bát bản quỳnh khúc) – cho đức nhân ái, từ bi; một thanh kiếm (kiếm cỏ trĩ) – là sức mạnh và sự cả quyết. Ngoài các hoàng tôn dòng dõi, các phẩm tính này cũng là nền tảng hình thành nên phẩm tính, tinh thần võ sĩ đạo Samurai và lan tỏa thành tinh thần Nhật Bản. Sự chính trực, lòng trung thành, can đảm và tự trọng cao, nhân ái là những phẩm tính quan trọng bậc nhất của một võ sĩ đạo và cũng là phẩm tính quan trọng của dân tộc Nhật. Các nhà sử học Nhật Bản khẳng định rằng: nếu không có Samurai, nước Nhật chẳng là gì. Chính nhờ sức mạnh được sinh ra từ lòng tự tôn dân tộc, Nhật Bản chưa từng bị ngoại xâm. Lịch sử về các quốc gia toàn thế giới, chỉ có duy nhất Nhật Bản có hai điều đặc biệt này và Thần đạo được coi là quốc giáo của Nhật Bản.
Tinh thần võ sĩ đạo Samurai – phẩm tính quan trọng của dân tộc Nhật.
Nhật Bản có thể giữ vững được sự hưng thịnh, tầm vóc và sự ảnh hưởng của mình là nhờ tuân thủ những giá trị cốt lõi như: tinh thần học hỏi, sáng tạo không ngừng, tinh thần đoàn kết dân tộc vượt lên mọi nghịch cảnh cùng với khát vọng lớn luôn nung nấu trong mỗi người Nhật.
Từ thời lập quốc cho đến nay, người Nhật luôn tôn thờ và thượng tôn tri thức cùng với sự nỗ lực học hỏi, sáng tạo không ngừng đã giúp họ tạo ra những thành tựu quan trọng ở nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, tinh thần đoàn kết tạo nên sức mạnh để quốc gia này vượt qua mọi khó khăn, thách thức vững tin vào con đường chung cả dân tộc.
Hơn hết, với khát vọng trở trành "con cháu của Thần mặt trời" được nung nấu từ hàng nghìn năm, vẫn chôn chặt trong trái tim và khối óc của mỗi người Nhật về một đức tin lớn đã giúp Nhật Bản vươn lên thần kỳ kiến cả thế giới nể phục.
(Đón đọc kỳ sau: Dân tộc Do Thái – Đức tin dân tộc được chọn.)