Theo đó, trong cuộc điện đàm ngày 31/8, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao Nhật Bản và Mỹ đã thảo luận về khả năng hợp tác phòng ngừa các mối nguy cơ từ tên lửa đạn đạo tầm trung của Triều Tiên.
"Chúng tôi đã nhấn mạnh vào việc nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa của Nhật Bản", Bộ trưởng Quốc phòng Nhật, I. Onodera tuyên bố, khi đánh giá về tổ hợp phòng thủ tên lửa Aegis Ashore.
Với Aegis Ashore và Aegis trang bị trên hạm, Nhật mong muốn tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia bằng hệ thống liên hoàn và hợp nhất.
Theo đánh giá của giới chức quân sự Nhật Bản, tổ hợp Aegis Ashore có độ tin cậy cao hơn so với tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm cao giai đoạn cuối - THAAD. Ngoài ra, sự tương thích công nghệ giữa các tổ hợp Aegis Ashore trên bộ với các tổ hợp Aegis trang bị các chiến hạm Hải quân Nhật cũng giúp tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa của đảo quốc mặt trời mọc.
Về bản chất, Tổ hợp Aegis Ashore thực tế là phiên bản trên bộ của tổ hợp điều phối hỏa lực trên hạm Aegis trang bị trên các khu trục hạm lớp Arleigh Burke và tuần dương hạm lớp Ticonderoga. Tổ hợp trên là sự kết hợp giữa hệ thống radar cảnh giới, dẫn bắn đa nhiệm AN/SPY-1 và 24 bệ phóng thẳng đứng đa dụng Mk 41.
Theo lời giới chức quân sự Mỹ và NATO, các bệ phóng trên trang bị tên lửa đánh chặn siêu thanh SM-3 Block IB. Toàn bộ tổ hợp được tối ưu cho khả năng phòng thủ tên lửa với bản nâng cấp hệ thống chuẩn Baseline 9.C1.
Với công nghệ và khả năng tương thích cao với các thành phần phòng thủ tên lửa hiện có, Aegis Ashore là sự lựa chọn hợp lý của Tokyo.
Trước đây, Tokyo đã nhiều lần đề xuất khả năng nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia với sự hỗ trợ của Washington với việc tăng cường đóng mới các chiến hạm trang bị tổ hợp điều phối hỏa lực Aegis và chuyển giao các thành phần tổ hợp Aegis Ashore và THAAD.
Đánh giá về động thái trên của Nhật Bản, giới chuyên gia quân sự nhận định, quyết định tăng cường lá chắn tên lửa của Tokyo có thể là con dao hai lưỡi gia tăng căng thẳng trong khu vực. Mặt khác, với năng lực phòng thủ tên lửa hiện tại, lá chắn tên lửa của Nhật Bản dù được nâng cấp cũng chỉ đảm bảo được khả năng bắn chặn các vụ phóng tên lửa đơn lẻ.
Với những cuộc tập kích tên lửa trang bị đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân quy mô, hệ thống sẽ bị vô hiệu và các tổ hợp Aegis Ashore cố định cũng là "mồi ngon" cho các cuộc tập kích bằng tên lửa hành trình.
Tuy nhiên, khả năng phòng thủ của các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại nhất cũng chỉ đáp ứng việc đánh chặn các cuộc tấn công đơn lẻ, nên quyết định của Tokyo nhiều khả năng là để xoa dịu sức ép và sự quan ngại của người dân Nhật với mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên.
Xét về mặt kinh tế, xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa luôn tốn kém hơn nhiều lần so với tên lửa đạn đạo tấn công. Quyết định tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia của Tokyo sẽ tạo gánh nặng lên nền kinh tế Nhật mà hiệu quả phòng thủ không đạt được như kỳ vọng.