Nhật Bản lo Triều Tiên tấn công bằng xung điện từ

Phạm Nghĩa |

Cùng với tuyên bố thử thành công bom H gần đây, Triều Tiên cho biết nước này cũng đủ khả năng kích hoạt một vụ nổ hạt nhân ở tầng cao của bầu khí quyển nhằm phát động một cuộc tấn công bằng xung điện từ (EMP).

Các chuyên gia cho biết một thiết bị hạt nhân khi phát nổ ở độ cao 30-400 km so với mặt đất có thể phá hủy gần như tất cả thiết bị điện tử trong phạm vi ảnh hưởng, trong đó có máy tính, mạng lưới điện và hệ thống thông tin liên lạc. Việc khắc phục hậu quả do EMP gây ra phải mất nhiều năm.

Một ủy ban của quốc hội Mỹ năm 2008 nhấn mạnh tấn công bằng EMP là một trong số ít mối đe dọa có thể gây hậu quả thảm khốc đối với con người. Một số chuyên gia nhận định Triều Tiên sẽ không tiến hành một cuộc tấn công bằng EMP bởi nguy cơ hứng chịu đòn trả đũa khủng khiếp từ phía Mỹ.

Nhật Bản lo Triều Tiên tấn công bằng xung điện từ - Ảnh 1.

Triều Tiên cho biết nước này cũng đủ khả năng kích hoạt một vụ nổ hạt nhân ở tầng cao của bầu khí quyển... Ảnh: EPA

Đáng lo hơn là Bình Nhưỡng có thể tấn công EMP mà không cần dùng đến tên lửa đạn đạo hoạt động chính xác mà chỉ cần một khinh khí cầu.

"Triều Tiên có thể tấn công EMP vào Mỹ bằng cách phóng một tên lửa tầm ngắn từ tàu vận tải/tàu ngầm hoặc kích nổ đầu đạn ở độ cao 30 km bằng khinh khí cầu" – Chủ tịch của ủy ban quốc hội Mỹ nói trên, ông William Graham, cảnh báo.

Mỹ được cho là đã lên kế hoạch bảo vệ các căn cứ phòng vệ then chốt cũng như cơ quan chính phủ khỏi tác động của một vụ tấn công bằng EMP.

Tại một cuộc họp báo hôm 7-9, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga xác nhận Tokyo sẽ xem xét các biện pháp bảo vệ tương tự.

Song một quan chức cấp cao của chính phủ Nhật Bản tiết lộ nước này vẫn đang ở giai đoạn đầu của tiến trình giải quyết mối đe dọa từ EMP. Vì thế, tuyên bố của ông Suga có nghĩa là Tokyo "sẽ bắt đầu nghiên cứu xem có thể làm được gì".

Nhật Bản lo Triều Tiên tấn công bằng xung điện từ - Ảnh 2.

...nhằm phát động một cuộc tấn công bằng xung điện từ (EMP). Ảnh: EPA, TRUTHER

Tướng về hưu Takashi Onizuka của Lực lượng Phòng vệ mặt đất Nhật Bản (GSDF) từ ​​lâu đã cảnh báo một cuộc tấn công bằng EMP có thể là một thảm họa đối với nước này.

Trong một bài viết năm 2016, ông Onizuka mô tả một cuộc tấn công bằng EMP ở tầm cao sẽ làm hỏng hoặc phá hủy mạng lưới điện, hệ thống thông tin liên lạc và vận tải cũng như vô hiệu hóa các ngân hàng, bệnh viện và nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản.

Nỗi lo lúc này, theo ông Onizuka, là Lực lượng phòng vệ Nhật Bản vẫn chưa chuẩn bị tốt để đối phó với mối đe dọa từ EMP.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại