Nhật Bản - EU sắp xây "Con đường Tơ lụa" riêng: Không hề nhắc đến tên TQ, nhưng cả hai đều ngầm hiểu điều này

Tuệ Minh |

Nhật Bản và EU mới đây vừa ký kết một thỏa thuận hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng - dự án được coi là "kỳ phùng địch thủ" của Sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc.

"Kỳ phùng địch thủ" của dự án Vành đai, Con đường của Trung Quốc

Khi Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản ký thỏa thuận hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng mới đây, không bên nào đề cập đến yếu tố Trung Quốc hay Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của nước này.

Tất nhiên, họ cũng không cần phải nhắc đến điều đó. Tuy nhiên, các điều khoản trong thỏa thuận hay các bài phát biểu của các bên ký kết thì lại tràn ngập những lời phản đối và lo ngại về mọi thứ trong kế hoạch BRI của Trung Quốc.

Mối lo ngại đầu tiên: “Tính kết nối phải bền vững về mặt tài chính” và không tạo ra các “núi nợ”. Đó là lời cảnh báo của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean - Claude Juncker trong bối cảnh mối lo ngại BRI tạo ra một gánh nặng không thể kiểm soát đè lên vai các quốc gia dễ bị tổn thương về mặt tài chính đang gia tăng hơn bao giờ hết.

Mối lo ngại thứ hai: Ông Juncker cho rằng hệ thống cơ sở hạ tầng nên tạo ra “những mối liên kết giữa tất cả các nước trên thế giới lại với nhau và không chỉ đơn thuần phụ thuộc vào một quốc gia cụ thể nào”. Tuy nhiên, BRI thì ngược lại, sáng kiến này sẽ chỉ duy trì vị thế của Trung Quốc như một trung tâm thương mại toàn cầu.

Mối lo ngại thứ ba, lần này là từ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe: Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phải trở nên “tự do và rộng mở” để kết nối các hoạt động giao thương lại với nhau. Hầu hết các nước láng giềng của Trung Quốc đều lo ngại rằng chiến lược hàng hải đầy khiêu khích của Bắc Kinh sẽ xâm phạm vào các tuyến đường biển của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi chiếm tỷ lệ lớn trong hoạt động thương mại toàn thế giới - chưa kể đến hầu hết các nguồn cung cấp năng lượng của Nhật Bản.

Mỗi lo ngại thứ tư: Cả ông Juncker lẫn ông Abe đều nói về tính bền vững của môi trường, trong khi các nhà phản đối BRI cảnh báo rằng sáng kiến này sẽ hạ thấp các tiêu chuẩn cao liên quan đến việc cho vay để xây dựng cơ sở hạ tầng đa phương.

Tất cả những mối lo ngại này đều không nằm trong dự tính của các nhà lãnh đạo các quốc gia đã tham gia ký kết các chương trình cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh. Đối với các nước đang phát triển mà thiếu vốn, tài chính của Trung Quốc đôi khi là sự lựa chọn duy nhất.

Ba năm trước, Liên hợp quốc (LHQ) ước tính rằng thế giới sẽ phải đầu tư khoảng 2 nghìn tỷ USD mỗi năm để xây dựng cơ sở hạ tầng cho đến năm 2030 chỉ nhằm để hỗ trợ cho tốc độ tăng trưởng theo dự kiến.

Có lẽ đó là một sự đánh giá quá thấp, thậm chí điều đó gần như là không thể đối với hầu hết các nước đang phát triển để quản lý các nguồn lực của mình. Do đó, đối với nhiều quốc gia, các dòng tín dụng và sự lôi cuốn đúng lúc của Bắc Kinh trở thành những lời đề nghị rất khó khước từ, ít nhất là khi chẳng có sự lựa chọn thay thế nào khác.

Nhật Bản - EU sắp xây Con đường Tơ lụa riêng: Không hề nhắc đến tên TQ, nhưng cả hai đều ngầm hiểu điều này - Ảnh 2.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker kí kết thỏa thuận hợp tác. Ảnh: AFP

Trong trường hợp này, nguồn tài chính phương Tây đáng lẽ nên trở thành một sự lựa chọn thay thế. Tuy nhiên, thật không may nền tài chính của các nước phương Tây lại đang tụt dốc, một phần là do các chính sách tài chính không mấy hiệu quả của các nước này.

Chính sách tiền tệ không phù hợp và các quy định nghiêm ngặt về tài chính kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008 đã làm cho các khoản tiết kiệm của phương Tây hầu như “giậm chân tại chỗ” và lãi suất kiếm được không đáng kể. Trong khi nhu cầu thực sự (và cả lợi nhuận) thì lại đang nằm ở hầu hết các nước đang phát triển.

Đây là vấn đề mà ông Abe và ông Juncker cho rằng họ có thể có cơ hội khắc phục. Nhật Bản và châu Âu sở hữu hai nguồn vốn nhàn rỗi lớn nhất thế giới. Nếu các cơ quan quản lý và chính phủ không làm việc tích cực hơn để điều tiết số tiền đó ở phần còn lại của thế giới, số tiền đó sẽ chẳng thể xê dịch, và cả miền Nam bán cầu (ám chỉ các quốc gia ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh và Caribbean được coi là có thu nhập trung bình và thấp) lẫn Bắc bán cầu (bao gồm các nước G7, Mỹ, Canada, các thành viên EU, Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Australia được coi là các nước có thu nhập cao ) đều sẽ nghèo đi.

Ba điểm thất bại của Nhật Bản và vai trò của EU

Sự thật là Nhật Bản là một nước cho vay lớn ở châu Á. Tại New Delhi, hơn 5 triệu người mỗi ngày đang đi trên một tàu điện ngầm đẳng cấp thế giới được xây dựng trong thời gian dài kỷ lục, mà phần lớn là lấy nguồn tài chính của Nhật Bản. Khi giai đoạn xây dựng thứ ba hoàn thành, tàu điện ngầm của New Delhi sẽ chạy trên những tuyến đường dài 330 km.

Ấn Độ không phải là quốc gia duy nhất nhận các khoản vay từ Nhật Bản. Nhật Bản đã trở thành nước cho vay lớn nhất đối với các dự án ở Đông Nam Á – vốn được xem là “khu vực sân sau” của Trung Quốc, và số tiền tài trợ cho các dự án đạt 367 tỷ USD, nhiều hơn 225 tỷ USD của Trung Quốc.

Tuy nhiên, cách tiếp cận của Nhật Bản cho đến nay đã thất bại ở 3 điểm. Thứ nhất, Nhật Bản đã không vươn tầm đúng mức sang châu Phi. Thứ hai, Nhật Bản đã không xây dựng một thương hiệu với sự quan trọng mang tầm quốc tế như BRI. Và thứ ba, Nhật Bản đã không theo đuổi đủ sâu những giá trị mà họ gắn kết.

Trong khi đó, Brussels có thể giúp ích trong cả 3 vấn đề đó. Song, Ủy ban châu Âu cần theo dõi một cách cứng rắn đối với các quy định và yêu cầu trong việc ngăn dòng vốn của châu Âu chảy ra ngoài lục địa. Nếu châu Âu nghiêm túc trong việc cạnh tranh với Trung Quốc ở thế giới mới nổi, các lĩnh vực tư nhân của họ cần phải được khuyến khích để chấp nhận rủi ro đó.

Đây không phải là vấn đề về chính trị quyền lực hoặc dòng thu nhập trong tương lai, hoặc lợi ích kinh tế chung. Việc cho phép BRI hạ thấp các tiêu chuẩn môi trường khi xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu - chẳng hạn như cho phép các nước nghèo xây dựng các nhà máy nhiệt điện đắt đỏ chỉ vì thiếu tài chính cho năng lượng tái tạo sẽ khiến cam kết chống lại biến đổi khí hậu của châu Âu trở nên gần như vô nghĩa.

Trên hết, xây dựng cơ sở hạ tầng liên quan đến các giá trị. Các dự án tài chính mang tính bền vững từ các cộng đồng địa phương, xóa bỏ bất bình đẳng giới và các vấn đề xã hội, đồng thời tôn trọng luật pháp và các quy tắc toàn cầu là cách tốt nhất để hoàn thiện và bảo vệ các giá trị mà Nhật Bản, châu Âu và các nước khác như Ấn Độ theo đuổi./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại