Ngân sách quốc phòng Nhật Bản được tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay (Ảnh: JapanTimes)
Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm thứ Sáu tuần này đã thông qua kế hoạch trên, như một phần bổ sung cho ngân sách quốc phòng. Mặc dù khoản thêm như vậy là điều thường thấy, nhưng con số 774 tỉ Yen mà các nhà lập pháp được đề nghị thông qua là con số lớn nhất từ trước đến nay, theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản.
"Trong lúc môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản đang xấu đi với tốc độ chưa từng có, nhiệm vụ cấp thiết của chúng ta là tăng tốc thực thi nhiều dự án cùng lúc" – Bộ Quốc phòng nói trong đề xuất chi tiêu.
Việc bơm tiền thêm vào ngân sách quốc phòng sẽ giúp Nhật Bản đẩy nhanh tiến trình nâng cấp các hệ thống phóng tên lửa đất-đối-không lắp đặt trên các hòn đảo nằm ở rìa biển Hoa Đông và Patriot PAC-3 ở những nơi vốn được xem là hàng phòng thủ cuối cùng trước các đầu đạn phóng từ Triều Tiên.
Sức ép ngày càng tăng mà Trung Quốc gây ra với Đài Loan cũng khiến Nhật Bản lo lắng, bởi nếu Bắc Kinh kiểm soát hòn đảo này, lực lượng Trung Quốc sẽ đóng ở vị trí chỉ cách Nhật Bản khoảng 100 km, đe dọa các tuyến đường biển thương mại cung cấp dầu và nhiều hàng hóa khác cho Nhật Bản.
Điều này cũng cung cấp cho Trung Quốc điểm đặt những căn cứ để giúp quân đội của họ có thể tiếp cận khu vực Tây Thái Bình Dương.
Khoản chi ngân sách bổ sung cũng giúp Nhật nhanh chóng mua thêm các tên lửa chống ngầm, máy bay tuần tra hàng hải và các máy bay chở hàng quân sự, theo Bộ Quốc phòng nước này.
Đề xuất ngân sách quốc phòng bổ sung được đưa ra sau khi đảng cầm quyền của ông Kishida trong tháng 10 vừa qua đặt ra mục tiêu tăng gần gấp đôi ngân sách quốc phòng, lên mức 2% GDP.
Trong suốt nhiều thập kỷ qua, Nhật Bản luôn giữ vững chính sách duy trì mức chi tiêu quốc phòng ở mức 1% GDP, làm giảm quan ngại cả ở trong và ngoài nước về việc nước này vực lại chủ nghĩa quân phiệt từng dẫn dắt họ vào Thế chiến II.
Khoản ngân sách bổ sung được chính phủ của ông Kishida thông qua trong hôm thứ Sáu còn bao gồm các khoản chi trả trước cho nhiều nhà thầu quốc phòng để mua trang thiết bị, giúp các nhà thầu này đối phó với sự gián đoạn nguồn cung gây ra do đại dịch COVID-19.