Nhật Bản có đủ sức ngăn Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương?

Minh Thu |

Nhật Bản đẩy mạnh quan hệ ngoại giao và quân sự với các quốc đảo ở Thái Bình Dương, giữa lúc Mỹ - Trung không ngừng cạnh tranh tầm ảnh hưởng.

Binh sĩ Nhật Bản tham gia cuộc tập trận quân sự chung với quân đội Mỹ và Pháp hồi tháng 5/2021. (Ảnh: Reuters)

Binh sĩ Nhật Bản tham gia cuộc tập trận quân sự chung với quân đội Mỹ và Pháp hồi tháng 5/2021. (Ảnh: Reuters)

Việc Nhật Bản sẽ cho mở cửa đại sứ quán ở Cộng hòa Kiribati, một quốc đảo nằm ở Thái Bình Dương, vào cuối năm nay được xem là một phần trong những nỗ lực của Mỹ và các nước đồng minh nhằm ngăn chặn Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Tờ Yomiuri dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết Tokyo cũng sẽ mở một lãnh sự quán tại New Caledonia, hòn đảo thuộc quyền kiểm soát của Pháp, giữa lúc Nhật Bản đang tăng cường quan hệ hợp tác quân sự với Pháp.

Hai động thái trên được đưa ra sau khi cựu Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga phát biểu hồi tháng 7/2021 về việc muốn thắt chặt hơn nữa các mối quan hệ giữa Tokyo với 14 quốc đảo Thái Bình Dương và vùng lãnh thổ do Pháp quản lý ở khu vực như New Caledonia và Polynesia.

Thậm chí, cựu Thủ tướng Suga còn cam kết chuyển thêm vắc xin Covid-19 và hỗ trợ kinh tế cho những nước và vùng lãnh thổ này.

"Những diễn biến trên nhằm ngăn chặn động thái ngoại giao từ phía Trung Quốc, bởi Tokyo lo ngại các nước như Kiribati sẽ bất ngờ chuyển hướng và nhận số tiền lớn do Trung Quốc tài trợ, từ đây chính phủ nước này sẽ bị Bắc Kinh chi phối", Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Toshimitsu Shigemura, Giáo sư nghiên cứu các mối quan hệ quốc tế tại Đại học Waseda ở Tokyo.

"Nhật Bản đã hỗ trợ rất nhiều cho Kiribati kể từ khi quốc gia này giành được độc lập vào năm 1979. Song không nói quá khi cho rằng Nhật Bản đang bị Trung Quốc đánh bại do chính sách ngoại giao kết nối với tài trợ của Bắc Kinh", ông Shigemura nói thêm.

Mối quan ngại về khả năng Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng với Kiribati, quốc gia gồm 33 hòn đảo trải dài 3,5 triệu km2 trên biển, xuất hiện từ tháng 9/2019, thời điểm Kiribati thay đổi quan điểm ngoại giao với Đài Loan. Chỉ sau vài tháng, quần đảo Solomon cũng đưa ra quyết định tương tự như Kiribati.

Hồi năm ngoái, kế hoạch nâng cấp một đường băng ở Kiribati do Trung Quốc tài trợ cũng đã khiến nhiều người nghi ngờ về mục đích của Bắc Kinh.

Cơ sở hạ tầng được nâng cấp nằm ở đảo san hô Kanton nằm giữa đảo quốc Fiji và Hawaii. Phía Kiribati khẳng định cơ sở này chỉ phục vụ mục đích dân sự và nhằm tăng khả năng kết nối giao thông, cũng như ngành du lịch.

Nhật Bản có đủ sức ngăn Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương? - Ảnh 2.

Binh sĩ Nhật Bản tham gia cuộc tập trận quân sự chung với quân đội Mỹ và Pháp hồi tháng 5/2021. (Ảnh: Reuters)

Kiribati hiện là một trong những đồng minh mới nhất của Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Theo các nhà quan sát, Nhật Bản hiện lo ngại cán cân sức mạnh trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng, một khi có thêm nhiều quốc gia Thái Bình Dương thay đổi quan điểm ngoại giao do chịu tác động từ phía Trung Quốc trong những năm gần đây.

Vào thời điểm đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh kế hoạch nâng cấp đường băng nhằm cải thiện khả năng kết nối giao thông và được thực hiện theo yêu cầu từ phía chính quyền Kiribati.

Theo ông Shigemura, mối lo sợ lớn nhất của Tokyo và Washington là Bắc Kinh có thể tiến tới ký kết thỏa thuận “xây dựng các cơ sở quân sự ở Kiribati và đổi lại quốc đảo này nhận được thêm nhiều nguồn viện trợ”.

Số liệu từ Viện Lowy ở Sydney cho thấy, Bắc Kinh đã chi ít nhất 1,5 tỉ USD cho các khoản viện trợ và cho vay cho các quốc đảo Thái Bình Dương trong giai đoạn từ năm 2006 – 2017. Tuy nhiên sau thời kỳ đỉnh điểm tài trợ số tiền 287 triệu USD vào năm 2016, Trung Quốc đã rút dần quy mô tài trợ cho các nước này.

Song theo các nhà phân tích, Nhật Bản vẫn lo ngại những khoản vay mở rộng mà Bắc Kinh cung cấp nhằm phát triển cơ sở hạ tầng và ngành công nghiệp sẽ nhanh chóng trở nên không phù hợp với những nước Thái Bình Dương vốn chỉ có quy mô kinh tế nhỏ bé mà nay còn bị dịch bệnh Covid-19 tàn phá.

Những cơ sở chiến lược như cầu cảng sau này có thể bị Trung Quốc đưa ra làm quân bài mặc cả, một khi các bên thực hiện ngầm thỏa thuận.

Đấu tay đôi ngoại giao

Cũng theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Kiribati xuất khẩu số hàng hóa trị giá 6,8 triệu USD sang Nhật Bản vào năm 2019 mà chủ yếu là hải sản, và quốc đảo này nhập khẩu 5,8 triệu giá trị hàng hóa từ Nhật.

Mối quan hệ giữa Nhật Bản và Kiribati được trao đổi qua đại sứ quán của Nhật ở quốc đảo Fiji. Đây cũng là cơ sở ngoại giao phục vụ hoạt động kết nối giữa Nhật Bản với Nauru và Tuvalu.

Ông Robert Dujarric, đồng Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á Đương đại tại Đại học Temple ở Tokyo, nhận định "Nhật Bản muốn thể hiện sẽ thắt chặt hợp tác hơn với Mỹ, Australia, New Zealand và hàng loạt quốc gia châu Âu khác để tăng cường sự hiện diện ở Thái Bình Dương từ năm ngoái trở đi, mà cụ là hợp tác với Anh và Pháp.

Các hòn đảo ở Thái Bình Dương chủ yếu nắm vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, thay vì giá trị tiền của mang lại”.

Còn theo ông Shigemura, Nhật Bản cũng đang chú ý sát sao tới những diễn biến ở New Caledonia, nơi 3 cuộc trưng cầu dân ý đã được tiến hành trong 4 năm qua nhằm đưa ra quyết định hòn đảo này có nên tách khỏi sự kiểm soát của Pháp hay không.

“Các Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã bắt đầu làm việc chặt chẽ với những đơn vị của quân đội Pháp hoạt động ở Thái Bình Dương trong năm qua và về sau này, bởi New Caledonia là một căn cứ quan trọng của Pháp trong khu vực.

Một số nguồn tin cho rằng Trung Quốc đang hỗ trợ phong trào giành độc lập ở New Caledonia, bởi sự xuất hiện của chính phủ mới tại New Caledonia có thể là cơ hội để Bắc Kinh mở rộng thêm tầm ảnh hưởng ở một phần trong khu vực Thái Bình Dương”, ông Shigemura kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại