Nhập khẩu lúa mì từ tất cả các vùng lãnh thổ của Nga, Trung Quốc giúp Nga hay tự cứu mình?

Hữu Hiển |

Thủ tướng Australia cho rằng, việc Trung Quốc nới lỏng các hạn chế thương mại với Nga vào thời điểm này là "không thể chấp nhận được", chẳng khác gì ném cho Nga "phao cứu sinh".

Ngày 24/2, trang web chính thức của Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo về việc cho phép nhập khẩu lúa mì từ tất cả các vùng lãnh thổ của Nga.

Trước đó, rạng sáng 24/2 theo giờ địa phương, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố bắt đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine.

Đài truyền hình ABC của Australia ngày 25/2 đưa tin, Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố trong cuộc họp báo cùng ngày rằng, vào thời điểm Nga "xâm lược" Ukraine, việc Trung Quốc nới lỏng các hạn chế thương mại với Nga là "không thể chấp nhận được". Việc này chẳng khác gì ném cho Nga chiếc "phao cứu sinh".

Nhập khẩu lúa mì từ tất cả các vùng lãnh thổ của Nga, Trung Quốc giúp Nga hay tự cứu mình? - Ảnh 1.

Thủ tướng Australia cáo buộc Trung Quốc phá hoại các lệnh trừng phạt chống lại Nga. Ảnh chụp màn hình.

Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân trả lời tại cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 25/2 rằng: "Quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Ukraine là nhất quán. Đồng thời, Trung Quốc và Nga tiến hành hợp tác thương mại bình thường trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi".

Trung Quốc mở cửa cho lúa mì Nga

Quay trở lại Thông báo số 21 năm 2022 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về việc cho phép nhập khẩu lúa mì từ tất cả các cùng lãnh thổ của Nga. Theo thông báo, lúa mì Nga là loại lúa mì được trồng trên lãnh thổ Liên bang Nga mà không có sự xuất hiện của virus lùn lúa mì và chỉ được dùng lúa mì mùa xuân cho mục đích chế biến.

Nhập khẩu lúa mì từ tất cả các vùng lãnh thổ của Nga, Trung Quốc giúp Nga hay tự cứu mình? - Ảnh 2.

Thông báo số 21 năm 2022 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Ảnh chụp màn hình.

Trước đó, do vấn đề kiểm dịch, danh sách các địa phương của Nga được phép xuất khẩu lúa mì sang Trung Quốc chỉ bao gồm 7 khu vực: Altai, Krasnoyarsk, Chelyabinsk, Omsk, Novosibirsk, Amur và Kurgan.

Các chuyên gia cho rằng, động thái này của Trung Quốc nhằm đối phó với áp lực kép hiện nay là giá nông sản tăng cao và tình trạng thiếu lương thực.

Tào Huệ - nhà phân tích trưởng về giám sát cảnh báo sớm thị trường lúa mì của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc – cho biết, kể từ nửa cuối năm 2021, do cung - cầu lúa mì toàn thế giới căng thẳng, tỷ lệ hàng tồn kho đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 5 năm qua, giá lúa mì quốc tế liên tục tăng lên mức cao. Ngoài ra, xung đột giữa Nga và Ukraine có thể gây căng thẳng trong xuất khẩu lúa mì toàn cầu và đẩy giá lúa mì quốc tế lên cao. Điều này sẽ khiến chi phí nhập khẩu lúa mì của Trung Quốc tăng lên đáng kể.

Hoàng Thế Thông - chuyên gia tài chính Đài Loan (Trung Quốc) – nói: "Xét cho cùng, tỷ lệ tự cung tự cấp lương thực của Trung Quốc rất thấp. Rất nhiều loại lúa mì, ngô... được nhập khẩu từ Ukraine. Rõ ràng, xuất khẩu của Ukraine sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Thực tế, Trung Quốc đã mua rất nhiều thứ có thể mua được từ Mỹ và các nước khác. Và trong tình hình này, để duy trì an ninh lương thực, Trung Quốc chỉ còn cách mở cửa nhập khẩu loại lương thực này của Nga".

Dữ liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, Nga hiện là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, và lượng xuất khẩu của nước này chiếm khoảng 20% ​​lượng giao dịch lúa mì toàn cầu.

Tờ Wall Street Journal đưa tin, Ukraine là nước xuất khẩu lúa mạch, ngô và hạt cải dầu lớn trên thế giới. Trong đó, Ukraine và Nga chiếm 29% tổng lượng xuất khẩu lúa mì toàn cầu.

Đảm bảo an ninh lương thực là ưu tiên hàng đầu

Theo thông tin của RIA Novosti từ tháng 12/2014, các quan chức Nga nói rằng Trung Quốc vẫn chưa đưa ra quyết định cho phép ngũ cốc của Nga vào Trung Quốc. Năm 1997, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã cấm nhập khẩu ngũ cốc từ một loạt quốc gia, bao gồm cả Nga, do phát hiện ra hạt lúa mì bị dập và virus lùn lúa mì.

Nhập khẩu lúa mì từ tất cả các vùng lãnh thổ của Nga, Trung Quốc giúp Nga hay tự cứu mình? - Ảnh 4.

Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, từ tháng 1 đến tháng 12/2021, nước này nhập khẩu 48.800 tấn lúa mì từ Nga, chiếm khoảng 0,5% tổng lượng nhập khẩu (9.718.500 tấn). Số liệu cũng cho thấy trong những năm gần đây, nhập khẩu lúa mì của Trung Quốc từ Nga rất ít, xu hướng tăng không cao.

Năm 2016, Trung Quốc và Nga đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch đối với lúa mì Nga xuất khẩu sang Trung Quốc. Tháng 8/2017, cảng Manzhouli (Trung Quốc) bắt đầu nhập khẩu lúa mì của Nga.

Theo số liệu thống kê chính thức, từ tháng 1 đến tháng 6/2020, hơn 17.000 tấn lúa mì nhập khẩu của Nga đã bị Hải quan Manzhouli kiểm dịch, mức cao nhất trong nửa năm kể từ năm 2017. Tháng 10/2021, lần đầu tiên Trung Quốc nhập khẩu 667 tấn lúa mì của Nga với quy mô lớn.

Chuyên gia Hoàng Thế Thông nói rằng, động thái này của Trung Quốc tương tự như khi nước này đang trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, nhập khẩu rất nhiều thịt lợn từ Nga.

Ông Hoàng cho biết: "Bởi vì giá lương thực quốc tế đang tăng mạnh, và vẫn có khả năng tiếp tục tăng cao, các quốc gia hiện đang đổ xô giành lấy. Tất nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc rất lo lắng về an ninh lương thực. Đảm bảo an ninh lương thực là ưu tiên hàng đầu".

Chuyên gia Hoàng Thế Thông cũng nói thêm, Kỳ họp Lưỡng hội của Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp diễn ra và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ được tổ chức trong năm nay; ông Tập Cận Bình cũng sẽ thăm Hong Kong vào tháng 7. Trong năm nhạy cảm về chính trị này, an ninh lương thực có thể ảnh hưởng đến an ninh chính trị bất cứ lúc nào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại