Có một thanh niên trẻ có nhiều hoài bão và mơ ước muốn làm việc cho một công ty, vì công ty này rất có danh tiếng, mức đãi ngộ cũng tốt. Nếu được làm việc ở đây thì khả năng thăng tiến sẽ rất cao, cuộc sống lại đảm bảo. Vậy là, anh ta đã chuẩn bị hồ sơ xin việc rất cẩn thận, và cũng may mắn được gọi đi phỏng vấn vài lần. Cuối cùng, anh ta đã thành công, nhận được công việc mình mơ ước.
Thế nhưng, là một người khá tham vọng, sau khi vào làm, anh ta thấy đây chỉ là một vị trí nhỏ, nên đích đến của anh ta sẽ là một vị trí quản lý, sẽ mang đến cho anh ta quyền lực cùng với một mức lương cao hơn. Cố gắng hết sức để đạt được mục đích, ngày nào anh ta cũng cố gắng làm việc thật chăm chỉ. Anh ta đi sớm hơn mọi người, ở lại cũng muộn hơn mọi người, chỉ mong sếp của anh ta nhìn ra được nỗ lực này mà thôi.
Ngày nào cũng nỗ lực chăm chỉ làm việc, nhưng người đàn ông hy vọng sếp có thể cất nhắc mình lên vị trí mong muốn. (Ảnh minh họa)
Sau 5 năm, vị trí quản lý ấy cũng đã để trống. Anh ta chắc mẩm chẳng bao lâu nó sẽ được giao cho mình mà thôi. Thế nhưng, trước sự ngỡ ngàng của anh ta, một nhân viên khác vừa mới vào công ty được 6 tháng đã nhận được vinh dự này. Người nhân viên cũ rất giận dữ, cho rằng đây là một sự thiếu công bằng, vì anh ta rõ ràng hiểu công ty và hiểu vị trí này hơn đối phương rất nhiều.
Mang theo mình sự bực tức, anh ta đi thẳng đến văn phòng của sếp và yêu cầu giải thích.
Trái lại với sự phẫn nộ bừng bừng của cấp dưới, sếp của anh ta tỏ ra bình thản và nói: "Trước khi trả lời câu hỏi của anh, tôi có thể nhờ anh làm việc này hộ tôi được không?".
Người nhân viên hoàn toàn bất ngờ trước sự dửng dưng ấy, đành trả lời như một con robot: "Vâng, tất nhiên rồi ạ".
"Anh có thể đến một cửa hàng hoa quả và mua giùm tôi một ít cam được không? Vợ tôi cần chúng", vị sếp nói tiếp.
Nhận tiền từ tay sếp, anh ta đến thẳng cửa hàng bán hoa quả rồi một lúc sau đã trở về. Khi anh ta về văn phòng, vị sếp đã hỏi: "Anh mua loại cam gì thế?".
"Tôi không biết nữa, ông chỉ nói mua cam thôi nên tôi đã mua đúng cam như yêu cầu. Chúng đây ạ", người nhân viên vừa nói vừa đặt túi cam xuống bàn sếp. "Hết bao nhiêu tiền?", sếp lại hỏi. "Ông đã đưa cho tôi 30 đô la, đây là hóa đơn, và đây là tiền thừa", nhân viên đáp lời. "Cảm ơn anh", vị sếp mỉm cười trước khi nói tiếp, "Bây giờ thì mời anh ngồi xuống đây và theo dõi thật kỹ những gì sắp xảy ra nhé".
Nói rồi, vị sếp gọi người nhân viên mới được thăng tiến lên vị trí quản lý kia đến văn phòng và yêu cầu một việc giống hệt như lúc nãy. Anh ta cũng vui vẻ đồng ý và đi thẳng đến cửa hàng.
Khoảng nửa tiếng sau, anh ta trở về, nhưng lại không thấy cầm theo túi cam nào cả. Điều này khiến người nhân viên có thâm niên lâu hơn vô cùng sửng sốt. Tuy nhiên sau đó, lần đầu tiên anh ta đã học được một bài học còn quan trọng hơn tất cả những gì đã học hỏi được trong 5 năm qua.
Khi người nhân viên mới trở về, vị sếp đã hỏi ngay: "Anh đã mua loại cam gì thế?"
"À, cửa hàng có rất nhiều loại cam, từ cam rốn lồi, cam Valencia, cam đỏ, cam sành... nên tôi chẳng biết mua loại nào. Nhưng tôi nhớ là ông bảo mua cho vợ, vì thế tôi đã gọi cho bà ấy. Bà ấy nói sắp tổ chức một bữa tiệc và bà ấy sẽ làm nước ép cam.
Vì thế, tôi đã bảo người bán hàng lấy loại cam phù hợp nhất để làm nước ép cam. Anh ta nói cam Valencia rất nhiều nước, lại ngọt nên phù hợp nhất, vì thế tôi chọn loại này. Trên đường về văn phòng tôi đã ghé qua nhà ông và đưa số cam đó cho bà nhà rồi. Vợ ông đã rất hài lòng", người nhân viên mới trả lời.
"Hết bao nhiêu tiền vậy?", vị sếp hỏi.
"À, đó lại là vấn đề khác. Tôi không biết nên mua bao nhiêu, nên một lần nữa đã gọi cho vợ ông và hỏi bà ấy sẽ tiếp đón bao nhiêu người khách. Bà ấy nói là 20 người. Tôi hỏi người bán hoa quả rằng để làm nước ép cho 20 người thì cần bao nhiêu cam, và anh ta nói rất nhiều. Vì thế tôi đã bảo anh ta liệu có thể có giá ưu đãi được không. Bình thường mỗi quả có giá 75 xu, nhưng mua nhiều nên tôi được giảm xuống còn 50 xu. Đây là hóa đơn và tiền thừa'', người nhân viên mới tường thuật lại.
Đến lúc này, vị sếp mới mỉm cười và nói, "Cảm ơn, anh có thể đi rồi".
Rồi ông ta quay lại nhìn người nhân viên còn lại, người vừa chứng kiến mọi chuyện từ đầu đến cuối. Anh ta đứng lên, hai vai như sụp xuống rồi nói, "Tôi đã hiểu ý ông", rồi đi ra khỏi văn phòng.
Lời bàn: Trên đời có vô số những người chăm chỉ, sẵn sàng làm thêm giờ mà không kêu ca phàn nàn. Tuy nhiên, nhiều khi họ là những người "chỉ đâu đánh đấy", không có chủ kiến và sáng tạo, thế nên những người này chỉ có thể cho người khác những thứ mà họ có, chứ không phải thứ mà họ cần. Đây là kiểu người dù có nỗ lực bao nhiêu, cũng khó mà thăng tiến được.
Biết mình sai ở chỗ nào thì hãy dũng cảm sửa sai từ chỗ ấy, nhất định cuối cùng sẽ gặt hái được thành tựu.