Các lãnh đạo của Hamas, đặc biệt những người ở Dải Gaza, đã nhiều lần trở thành mục tiêu của Israel. Dù vậy, phong trào này luôn nhanh chóng tìm được những người mới thế chỗ các thành viên bị ám sát.
Sau khi ông Ismail Haniyeh bị ám sát ở Iran, nhiều người cũng bắt đầu tò mò về những gương mặt có thể thay thế ông trở thành thủ lĩnh chính trị của Hamas.
Những tên tuổi nổi bật có thể kể đến Yahya Sinwar, người đứng đầu Hamas tại Gaza; Khaled Meshaal, cựu lãnh đạo chính trị của Hamas; Mohammed Deif, chỉ huy quân sự của Hamas; Khalil al-Hayya, phó lãnh đạo Hamas tại Gaza; Mousa Abu Marzouk, thành viên cấp cao thuộc văn phòng chính trị Hamas.
Trong số này, ông Khaled Meshaal là được cho nhân vật hàng đầu trở thành thủ lĩnh chính trị thay thế ông Haniyeh.
Từng bị Israel ám sát hụt
Ông Meshaal sinh ra tại Silwad, gần thành phố Ramallah, ở Bờ Tây. Tuy nhiên, ngay từ khi còn nhỏ, ông cùng gia đình đã chuyển đến sống ở Kuwait.
Năm 15 tuổi, ông Meshaal gia nhập Anh em Hồi giáo, tổ chức Hồi giáo lâu đời nhất tại Trung Đông. Đây cũng là cái nôi giúp hình thành nên lực lượng Hamas vào cuối những năm 1980.
Ông Meshaal từng làm giáo viên trước khi chuyển sang vận động hành lang cho Hamas ở nước ngoài trong nhiều năm.
Tên tuổi của ông Khaled Meshaal thu hút sự quan tâm của quốc tế vào năm 1997 khi các điệp viên Israel tiêm thuốc độc vào người ông trong một âm mưu ám sát bất thành trên con phố ngay bên ngoài văn phòng của ông tại thủ đô Amman, Jordan.
Âm mưu ám sát nhằm vào một nhân vật cấp cao chủ chốt của phong trào Hồi giáo Palestine do chính Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ra lệnh đã khiến Quốc vương Jordan Hussein vô cùng giận dữ.
Quốc vương Hussein đã đe dọa sẽ treo cổ những kẻ tình nghi thực hiện vụ ám sát và xóa bỏ hiệp ước hòa bình với Israel nếu Tel Aviv không chịu giao thuốc giải độc. Phía Israel đã chấp thuận yêu cầu của Jordan đồng thời đồng ý trả tự do do thủ lĩnh Hamas Sheikh Ahmed Yassin. Tuy nhiên, 7 năm sau, Israel đã ám sát ông này tại Gaza.
Ông Meshaal trở thành thủ lĩnh chính trị của Hamas 1 năm trước khi bị Israel tìm cách trừ khử. Trên cương vị này, ông đại diện cho Hamas trong các cuộc họp với chính phủ các nước trên thế giới mà không phải chịu lệnh kiểm soát đi lại gay gắt của Israel như các lãnh đạo khác của Hamas.
Theo Reuters, Thủ tướng Israel Netanyahu đã đóng một vai trò tình cờ nhưng quan trọng trong việc thiết lập uy tín của Meshaal khi ra lệnh cho các điệp viên Mossad ám sát ông vào năm 1997 để đáp trả vụ đánh bom chợ Jerusalem khiến 16 người thiệt mạng mà Tel Aviv cho là do Hamas thực hiện.
Các nghi phạm đã bị cảnh sát Jordan bắt giữ sau khi ông Meshaal bị tiêm thuốc độc trên đường phố. Ông Netanyahu, khi đó đang trong nhiệm kỳ đầu tiên làm Thủ tướng Israel, đã buộc phải đưa ra thuốc giải độc và vụ việc đã biến Meshaal thành người hùng của phong trào kháng chiến Palestine.
Sau này, Jordan đóng cửa văn phòng của Hamas tại Amman và ông Meshaal chuyển đến Qatar. Ông chuyển đến Syria vào năm 2001.
Lập trường mềm mỏng với Israel
Ông Meshaal điều hành hoạt động của Hamas từ Damascus từ năm 2004 cho đến tháng 1/2012 thì rời khỏi Syria. Mối quan hệ của ông với Damascus và Tehran từng bị rạn nứt do trước đó ông ủng hộ cuộc nổi dậy của lực lượng Hồi giáo dòng Sunni chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad, một đồng minh thân cận của Iran, hồi năm 2011.
Ông Meshaal hiện sống ở Doha và Cairo và đi lại thường xuyên giữa 2 nơi.
Mối quan hệ giữa Meshaal và các thủ lĩnh Hamas ở Gaza cũng bị rạn nứt khi ông muốn thúc đẩy hòa giải với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Ông quyết định từ chức vào năm 2017 và thay thế ông là cấp phó Ismail Haniyeh. Dù vậy, ông Meshal là người vẫn có ảnh hưởng và là một quan chức cấp cao trong tổ chức.
Giống như nhiều thủ lĩnh khác của Hamas, ông Meshaal đang phải đối mặt với một câu hỏi lớn là liệu có nên áp dụng cách tiếp cận thực tế hơn với Israel khi theo đuổi mục tiêu thành lập nhà nước Palestine độc lập hay tiếp tục đấu tranh vũ trang với Israel.
Ông Meshaal từng bác bỏ ý tưởng về một thỏa thuận hòa bình lâu dài với Israel nhưng vẫn tuyên bố Hamas có thể chấp thuận đề xuất thành lập nhà nước Palestine ở khu Bờ Tây, Dải Gaza và Đông Jerusalme như một giải pháp tạm thời để đổi lấy lệnh ngừng bắn dài hạn.
Tuy nhiên, cuộc tấn công của Hamas ở Gaza vào Israel ngày 7/10/2023 khiến 1.200 người thiệt mạng và hơn 250 người bị bắt làm con tin dường như cho thấy Hamas vẫn ưu tiên giải pháp quân sự nhiều hơn .
Israel đáp trả bằng các cuộc không kích và chiến dịch quân sự trên bộ vào Dải Gaza, khiến hơn 39.000 người Palestine thiệt mạng, đồng thời theo đuổi chiến dịch xóa sổ Hamas.
Ông Meshaal tuyên bố vụ tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas đã đưa vấn đề Palestine trở lại chương trình nghị sự của thế giới.
Ông kêu gọi các nước Arab và Hồi giáo tham gia cuộc chiến chống lại Israel và khẳng định chỉ có người Palestine mới có thể quyết định ai sẽ điều hành Gaza sau khi cuộc xung đột hiện tại chấm dứt. Tuyên bố của ông được cho là nhằm thách thức Israel và Mỹ khi cả hai đều muốn loại bỏ Hamas khỏi chính quyền thời hậu chiến.