Doanh nghiệp được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp nào?
Căn cứ Điều 36 Bộ luật Lao động 2019, doanh nghiệp chỉ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp sau:
1 - Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng.
2 - Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị mà khả năng lao động chưa hồi phục.
3 - Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu mà đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn phải giảm chỗ làm.
4 - Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau 15 ngày sau khi thời hạn tạm hoãn hợp đồng.
5 - Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu, trừ có thỏa thuận khác.
6 - Người lao động tự ý bỏ việc từ 5 ngày làm việc liên tục mà không có lý do chính đáng.
7 - Người lao động cung cấp thông tin không trung thực khi giao kết hợp đồng làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng.
Doanh nghiệp phải bồi thường thế nào?
Nếu không có lý do chính đáng mà đuổi việc nhân viên nhằm né thưởng, doanh nghiệp buộc phải nhận người lao động trở lại làm việc. Doanh nghiệp sẽ phải bồi thường tổn thất cho người lao động theo quy định tại Điều 41 Bộ luật Lao động năm 2019 gồm:
- Trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc.
- Trả một khoản tiền tương ứng với tiền lương trong những ngày không báo trước (nếu vi phạm thời hạn báo trước).
- Trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng 2 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
Đặc biệt với trường hợp tự ý sa thải người lao động bằng quyết định sa thải trái luật để không phải thưởng Tết, chủ doanh nghiệp còn có thể bị truy cứu trách nhiệm về Tội sa thải người lao động trái pháp luật theo Điều 162 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).
Theo đó, nếu vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà sa thải trái pháp luật đối với người lao động, chủ doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng - 1 năm.