Tối 20/12, GS Gurdev Singh Khush và GS Võ Tòng Xuân đã được VinFuture 2023 vinh danh ở hạng mục Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển. Ngay sau khi dành giải thưởng này, GS Gurdev Singh Khush đã có những chia sẻ thú vị về việc phát triển lúa gạo cho Việt Nam trong tương lai.
PV: Hiện nay, cả thế giới đều đang hướng tới thích ứng với biến đổi khí hậu, Việt Nam là một trong những quốc gia trồng lúa và xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới. Trong thời gian tới, GS có gợi ý gì cho Việt Nam, đặc biệt là về giống lúa trồng để thích ứng với biến đổi khí hậu?
GS Gurdev Singh Khush: Về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với tình hình sản xuất lúa gạo, tôi đánh giá sẽ có 2 ảnh hưởng chính. Ảnh hưởng đầu tiên chúng ta có thể thấy là biến đổi khí hậu sẽ gây ra những hậu quả vô cùng tiêu cực đối việc sản xuất lúa gạo, sản lượng gạo sẽ giảm xuống. Các chuyên gia đã ước tính được rằng, Trái Đất cứ nóng lên 1°C thì sản lượng gạo sẽ giảm xuống sẽ giảm xuống 10%.
Ảnh hưởng thứ hai là biến đổi khí hậu có thể gây ra bão lũ, lũ lụt và hạn hán. Dĩ nhiên những thiên tai này cũng sẽ khiến sản lượng và năng suất lúa gạo giảm xuống.
Tôi cũng muốn chia sẻ một chút, ở các quốc gia khác có xuất hiện tình trạng băng trôi. Vào mùa hè, những tảng băng này sẽ tan chảy. Khi tan, chúng sẽ cung cấp nước phục vụ cho việc tưới tiêu. Tuy nhiên, có một tình huống là những tảng băng này bị vỡ vụn ra khiến cho lượng nước này bị mất đi và gây ra những thảm họa khác như sạt lở, bão lũ ảnh hưởng đến người dân khu vực đó.
Còn giống lúa trong tương lai phải có 2 đặc tính. Thứ nhất, nó phải có tuổi thọ lâu dài hơn. Thứ hai, mỗi khi có bão lũ xảy ra, đồng ruộng bị san phẳng khiến cho năng suất lúa gạo giảm nên chúng ta cần loại lúa có gốc và thân cứng hơn.
Ngoài ra, lúa gạo trong tương lai phải là giống có chất lượng và hương vị tốt hơn. Bởi vì Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới nên vấn đề đảm bảo chất lượng gạo là vô cùng quan trọng.
PV: Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từng được GS nhắc đến là khu vực cần đưa vào trọng điểm sản xuất lúa gạo ở Việt Nam. Tuy nhiên, ĐBSCL hiện nay đang chịu ảnh hưởng rất nặng nề của biến đổi khí hậu với những vấn đề như xâm nhập mặn, sạt lở hay sắp tới sẽ là nước biển dâng. Vậy, đối mặt với những vấn đề này thì một vựa lúa như ĐBSCL sẽ cần phải làm gì, thưa GS?
GS Gurdev Singh Khush: Đối với ĐBSCL, tôi nghĩ chúng ta cần có một giống lúa có sức chống chịu tốt hơn với môi trường. Cụ thể, sức chống chịu ở đây là giống lúa này phải có khả năng kháng cự được xâm nhập mặn, bởi vì khi bão lũ xảy ra, nước biển sẽ trộn lẫn với nước ngọt dùng để tưới tiêu cho lúa gạo. Việc này sẽ làm giảm chất lượng cũng như sản lượng của lúa gạo.
Thế nên, theo tôi, giống lúa trong tương lai có thể thích ứng được với tình hình của ĐBSCL cần phải có khả năng chống chịu với xâm nhập mặn.
PV: GS có thời gian gắn bó Việt Nam từ rất lâu. Giáo sư đến Việt Nam từ năm 1969 và đến bây giờ lại nhận được một giải thưởng do người Việt Nam sáng lập (VinFuture), GS cảm thấy như thế nào? Trong tương lai, GS có ý định quay lại Việt Nam để tiếp tục làm việc với những người bạn về các giống lúa cho Việt Nam không?
GS Gurdev Singh Khush: Tôi cảm thấy rất hạnh phúc và biết ơn khi được trao giải thưởng này. Bởi vì tôi đã dành 40 năm để làm việc với các nhà khoa học và những nhà lãnh đạo của Việt Nam trong lĩnh vực phát triển lúa gạo.
Còn về các kế hoạch trong tương lai, chắc chắn tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các nhà khoa học Việt Nam và nhà quản lý của Việt Nam. Mỗi khi các bạn cần hỗ trợ, hợp tác trong lĩnh vực lúa gạo, tôi luôn sẵn sàng để chung tay phát triển lĩnh vực này tốt hơn tại Việt Nam.
"Sau VinFuture, tôi và GS Xuân đều có chung mục đích"
PV: GS cùng với GS Võ Tòng Xuân nhận được giải thưởng lớn của VinFuture, trị giá 500.000 USD, GS có thể "bật mí" là ông dự định sẽ sử dụng số tiền thưởng này vào mục đích gì không?
GS Gurdev Singh Khush: Tôi và GS Võ Tòng Xuân đều có chung mục đích là muốn sử dụng số tiền này để đầu tư phát triển những giống lúa mới. Đó là những giống lúa tiềm năng trong tương lai. Ngoài ra, tôi muốn sử dụng số tiền này để hỗ trợ chương trình đào tạo, phát triển năng lực về nghiên cứu lúa gạo ở Ấn Độ, đất nước tôi, thông qua hình thức trao học bổng cho những học sinh đã tốt nghiệp cấp 3 và có đam mê, muốn học thêm về lĩnh vực này.
Chúng tôi cũng muốn đầu tư số tiền này vào việc phát triển những giống lúa mới phù hợp hơn với môi trường cũng như biến đổi khí hậu. Nhìn chung, chúng tôi muốn sử dụng số tiền này với mục đích tốt. Bởi vì giải thưởng VinFuture cũng hướng đến sự phát triển của nhân loại, nên chúng tôi rất muốn dùng số tiền này để phát triển tương lai của ngành khoa học lúa gạo nói chung.
PV: GS vừa nhắc đến đầu tư cho giáo dục, đầu tư cho phát triển lúa gạo. Vậy trong tương lai khi bối cảnh phát triển lúa gạo có rất nhiều thay đổi, là một chuyên gia gắn bó hơn nửa thế kỷ với các giống lúa, ông có gợi ý gì về những thay đổi trong giảng dạy, đặc biệt là cho các sinh viên đam mê về lúa gạo không?
GS Gurdev Singh Khush: Chúng tôi chắc chắn sẽ hỗ trợ cho giáo dục, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên. GS Võ Tòng Xuân ở Việt Nam sẽ tập trung hỗ trợ cho các bạn học sinh, sinh viên tại Việt Nam. Còn tôi ở Ấn Độ nên dĩ nhiên tôi sẽ tập trung hơn vào phát triển năng lực của thế hệ trẻ ở đất nước của mình.
Còn về chương trình học trong tương lai, tôi cũng mong muốn có thể lồng ghép tích hợp nội dung về ứng dụng công nghệ trong việc sản xuất cũng như trồng các giống lúa mới. Chúng ta cần đào tạo cho các bạn trẻ sử dụng những công nghệ mới như công nghệ sinh học hoặc công nghệ gene. Đồng thời chúng ta cũng nên thử nghiệm các công nghệ, kỹ thuật mới này trong sản xuất lúa gạo. Đó là một số nội dung mà tôi nghĩ nên đưa vào chương trình học trong tương lai để đào tạo lĩnh vực này.
PV: GS có nhận xét gì về sinh viên Việt Nam? Là một nhà khoa học vừa nhận giải đặc biệt cho các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển, GS có lời khuyên nào cho các nhà khoa học trẻ đến từ các nước đang phát triển?
GS Gurdev Singh Khush: Tôi làm việc nhiều năm ở Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) tại Philippines. Một trong những chức năng chính của Viện IRRI là đào tạo sinh viên có chất lượng và năng lực tốt về lĩnh vực này. Rất nhiều nhà khoa học trẻ của Việt Nam được cung cấp cơ hội sang đây để tập huấn. Họ được tập huấn trong 2 chương trình, bao gồm một chương trình có cấp bằng cử nhân và một là bằng thạc sĩ. Ngoài ra, chúng tôi còn có chương trình không cấp bằng, tức là những chương trình đạo tạo có hình thức phi chính quy. Chúng tôi cung cấp rất nhiều cơ hội cho sinh viên Việt Nam có thể đến học tập, nghiên cứu tại Viện.
Kinh nghiệm của tôi khi làm việc với các bạn sinh viên Việt Nam đó là tôi thấy các bạn rất chăm chỉ, tận tâm và có tinh thần cống hiến. Các bạn có chung hoài bão là muốn học tập để có thể quay trở về góp phần phát triển đất nước, sản xuất ra những giống lúa gạo phù hợp với quê hương mình. Các bạn hoàn toàn có khả năng đưa ngành lúa gạo của đất nước phát triển hàng đầu thế giới.
Xin cảm ơn GS!
Giáo sư Gurdev Singh Khush đã đi tiên phong trong việc tạo ra các giống lúa với khả năng kháng nhiều loại sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn và cho năng suất cao, như IR8, IR36, IR64… Sự phát triển của các giống lúa sản lượng cao đã cách mạng hóa ngành trồng lúa lúa trên toàn thế giới, giúp tăng sản lượng đáng kể đồng thời giảm chi phí và giảm thiểu sự phụ thuộc vào các chất hóa học độc hại.
Trong số các giống lúa mới mang tính đột phá này, giống IR64, được phát triển bởi Giáo sư Khush và các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) được chú ý nhiều nhất. Không chỉ có thành công này, IR64 còn đóng vai trò là giống bố mẹ cho hàng ngàn giống lai trong nhiều thập kỉ cho tới ngày nay, điều minh chứng cho đóng góp to lớn của công trình này đối với an ninh lương thực toàn cầu.