Người Việt Nam đầu tiên được giải VinFuture: Đóng cửa trường ĐH để sinh viên đi cứu lúa và kỳ tích ở Tây Phi

Minh Hằng |

“Tôi có hơn nửa thế kỷ gắn bó với cây lúa. Nông dân vẫn hay gọi tôi là chú Ba Xuân hay Dr Rice”, GS Võ Tòng Xuân, người Việt Nam đầu tiên thắng giải VinFuture chia sẻ.

Lúa gạo là ngành quan trọng của Việt Nam, đồng thời tạo ra sinh kế cho hàng chục triệu người nông dân trên cả nước. Trong những năm gần đây, Việt Nam liên tục được xướng tên có giống gạo ngon nhất thế giới (ST25), đồng thời là quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Ấn Độ. Thành quả tuyệt vời này có được nhờ một sự đóng góp thầm lặng của GS Võ Tòng Xuân, vị chuyên gia bình dị sẵn sàng lội xuống ruộng để cấy và hướng dẫn trồng các giống lúa tốt nhất cho bà con nông dân.

Trong tối qua (20/12), cùng với GS Gurdev Singh Khush, chuyên gia lúa gạo hàng đầu thế giới, GS Võ Tòng Xuân được vinh danh với Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển, trị giá 500.000 USD.

Người Việt Nam đầu tiên được giải VinFuture: Đóng cửa trường ĐH để sinh viên đi cứu lúa và kỳ tích ở Tây Phi- Ảnh 1.

GS Gurdev Singh Khush và GS Võ Tòng Xuân được VinFuture 2023 vinh danh với Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển.

GS Võ Tòng Xuân đã có phần phát biểu đầy xúc động: "Khi nhận giải thưởng danh giá này, thay mặt người vợ quá cố, đồng nghiệp, sinh viên của tôi tại trường Nông nghiệp - Đại học Cần Thơ, và hàng triệu người nông dân Đồng bằng Sông Cửu Long, tôi vinh dự và vui mừng với sự công nhận từ Hội đồng Giải thưởng VinFuture với nghiên cứu của tôi, cũng như sự ủng hộ mạnh mẽ trong việc đưa vào ứng dụng các giống gạo mới để đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long. Nỗ lực này giúp đạt năng suất lúa cao hơn cũng như cải thiện sinh kế cho nông dân khu vực này. Vì thế chúng ta đã đóng góp vào sự vươn lên của Việt Nam, trở thành 1 trong 3 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới".

Người Việt Nam đầu tiên được giải VinFuture: Đóng cửa trường ĐH để sinh viên đi cứu lúa và kỳ tích ở Tây Phi- Ảnh 2.

Cuộc hội ngộ của hai chuyên gia hàng đầu thế giới về lúa gạo tại VinFuture 2023.

"Từ học nông hóa, tôi "đam mê" lúa lúc nào không hay"

Người Việt Nam đầu tiên được giải VinFuture: Đóng cửa trường ĐH để sinh viên đi cứu lúa và kỳ tích ở Tây Phi- Ảnh 3.

GS Võ Tòng Xuân tại lễ trao giải VinFuture 2023, tối 20/12.

GS Võ Tòng Xuân là một trong những người tiên phong về nghiên cứu lúa gạo ở Việt Nam. Ông là tấm gương nỗ lực đưa đất nước sản xuất lúa gạo vươn tầm quốc tế, đồng thời hướng tới việc giúp đỡ nhiều quốc gia trên thế giới phát triển trồng lúa nước. Nhưng ít ai biết rằng ban đầu giáo sư theo đuổi ngành cơ khí và đến với "cây lúa" một cách rất tự nhiên.

"Hồi còn học THPT, tôi có nhiều dịp đến Bình Chánh, nơi dì và dượng của tôi ở đó làm ruộng. Khi đó, tôi thấy những người nông dân rất cực khổ. Từ đó, trong tôi nung nấu quyết tâm học thật tốt để tham gia vào một việc gì đó để làm sao giúp người nông dân bớt khổ. Nhưng khi đi thi thì tôi lại đỗ vào trường kỹ thuật Cao Thắng và dự định học cơ khí. Sau khi tốt nghiệp tú tài, những lứa thanh niên như bọn tôi vào những năm 1960 thì thường mơ ước được đi nước ngoài như Đức, Mỹ... để học ngành cơ khí", GS Xuân kể.

Tuy nhiên, lúc bấy giờ GS chỉ nhận được thông báo về học nông nghiệp ở Phillipines. "Sau khi sang đến Phillipines, cái đam mê về cơ khí vẫn còn trong tôi, mặc dù khi đó tôi theo học về nông nghiệp. Tôi chọn theo học ngành nông hóa, tập trung chủ yếu vào hóa học đất đai, hóa học thực phẩm (trong đó có công nghệ sản xuất đường mía). Sau đó, tôi học tiếp lên thạc sĩ, với nghiên cứu về cách làm bột giấy từ bã mía", GS Xuân nhớ lại.

Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI) có trụ sở chính đặt tại Los Banos, Laguna (Philippines), ngay gần tại trường ĐH Nông nghiệp Phillipines, nơi GS Võ Tòng Xuân theo học. Trò chuyện với những người bạn Việt Nam sang Phillipines và nhớ tới thời dì, dượng sống cực khổ với nghề nông, nên ông quyết tâm theo học về lúa.

Hơn nửa thế kỷ gắn bó với cây lúa

Người Việt Nam đầu tiên được giải VinFuture: Đóng cửa trường ĐH để sinh viên đi cứu lúa và kỳ tích ở Tây Phi- Ảnh 4.

GS Võ Tòng Xuân ấp ủ ước mơ với cây lúa ngay từ khi còn trẻ.

Mọi chuyện bắt đầu từ năm 1969, vì ước mơ ấp ủ về cây lúa nên GS Võ Tòng Xuân tha thiết xin học về lúa tại Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI). Ban đầu, phía IRRI đòi hỏi đủ các loại giấy tờ như giấy giới thiệu của chính phủ Việt Nam gửi sang thì mới đồng ý cho ông học. Dù vậy, ông vẫn không bỏ cuộc. Sau khi thấy ông tha thiết học về lúa, IRRI mới đồng ý nhưng chỉ cho ông học với tư cách dự thính.

Tuy nhiên, sau khi học xong buổi đầu tiên, GS Võ Tòng Xuân gặp thầy và được thầy khuyến khích viết đề xuất về phương pháp dạy nghề. Đến gần cuối ngày hôm sau, Giám đốc của IRRI mời ông đến và thông báo về ngày mai vào làm việc. Trong hơn 2 năm học và nghiên cứu ở IRRI, GS Võ Tòng Xuân đã cố gắng chọn và đi sâu vào mô hình khuyến nông.

Giữa lúc sự nghiệp đang thăng tiến ở IRRI, năm 1971, nhận lời mời GS Phạm Hoàng Hộ, Viện trưởng Viện ĐH Cần Thơ, GS Võ Tòng Xuân quyết định trở về Việt Nam với mong muốn đào tạo được đội ngũ kỹ sư nông nghiệp cho quê nhà.

"Trên hành trình trở về khi đó, tôi có mang theo mấy giống lúa được nghiên cứu ở IRRI với hy vọng có thể nhân rộng ở Việt Nam", GS Võ Tòng Xuân nhớ lại.

Tuy nhiên, đến năm 1972, rầy nâu xuất hiện nhiều và tàn phá hai giống lúa mang về từ IRRI trên các cánh đồng. GS Võ Tòng Xuân đã liên hệ với IRRI để nhận giống lúa mới và tiến hành thử nghiệm về khả năng kháng rầy nâu. Năm 1973, sau nhiều lần thử nghiệm, GS Võ Tòng Xuân đã tìm ra giống lúa IR26 có thể kháng được rầy nâu và sau đó bắt đầu phổ biến cho bà con nông dân.

"Tôi đem giống lúa IR26 về thử ngay tại ruộng của dì, dượng mình. Ban đầu họ phản đối vì ưa dùng giống lúa truyền thống của địa phương, nhưng sau thấy lúa tốt, nhiều bông nên bắt đầu làm theo", GS Võ Tòng Xuân chia sẻ.

Cuối năm 1974, GS Võ Tòng Xuân sang Nhật để bảo vệ luận án tiến sĩ và sau đó mang những kiến thức đã học được về phục vụ cho sự nghiệp phát triển lúa gạo ở Việt Nam.

"Đến mùa xuân năm 1976, sinh viên bên Tân Châu (An Giang) bất ngờ chạy về báo cho tôi: 'Thầy ơi, giống IR26 với IR30 của mình rầy nâu bắt đầu ăn rồi'", giáo sư kể. 

"Khi đó, tôi cùng với anh Nguyễn Văn Huỳnh cùng lên Tân Châu để bắt rầy nâu về. Sau khi khảo nghiệm thì chúng tôi mới biết đó là loại rầy nâu mới vì giống lúa nào chúng cũng ăn. Hồi đó chưa có fax hay email nên tôi đã đánh telex qua Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI). Khoảng 2 tuần sau, các bạn bên IRRI, trong đó có GS Gurdev Singh Khush gửi cho tôi 4 bao thư, mỗi bao chứa 5 gr giống lúa kháng được rầy nâu mới là IR32, IR34, IR36 và IR38".

GS Xuân và các cộng sự đã cho rầy nâu thử ăn 4 giống lúa này và phát hiện cả 4 đều kháng được loại côn trùng này. Nhưng trong đó IR36 là giống lúa tốt nhất và phát triển rất nhanh. Mục tiêu lúc đó là làm sao nhân giống nhanh nhất để cứu lúa cho bà con nông dân. GS Võ Tòng Xuân đã sáng tạo ra phương pháp cấy 1 tép/bụi. Theo đó, khi cây lúa được 3 nhánh, tiếp tục tách ra và cấy 1 tép/bụi. "Kết quả , chỉ trong 3 tháng, từ 5 gr giống IR36, thầy trò tôi nhân giống và thu được hơn 2 tấn", GS Xuân cho biết.

Bà con nông dân lúc bấy giờ rất khổ với nạn rầy nâu ăn lúa, thậm chí họ còn phải đi rất xa để mua gạo về ăn. Nhận thấy tình hình này, GS Võ Tòng Xuân đã lập tức đề nghị với Đảng ủy ban giám hiệu Trường ĐH Cần Thơ đóng cửa trường 2 tháng để tổ chức cho sinh viên đến các nơi có rầy nâu để làm việc cùng với những người nông dân.

"Tôi dạy cho các em sinh viên chỉ 3 bài thôi, bao gồm sản xuất mạ, chuẩn bị đất cấy và kỹ thuật cấy lúa 1 tép/bụi", GS Xuân chia sẻ. Lúc đó, GS Võ Tòng Xuân yêu cầu mỗi nhóm sinh viên mang 1 kg lúa giống để cấy ra 1.000 m2. Cách làm này ban đầu vấp phải sự phản ứng rất quyết liệt vì khác với cách truyền thống bấy lâu này bà con vẫn làm. 

Tuy nhiên, sau khi biết tác giả của phương pháp này là "Chú ba Xuân", nhiều nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long tin tưởng và làm theo. Kết quả, chỉ trong 2 vụ trồng, giống lúa cao sản IR36 đã phủ kín các vùng lúa và nông dân có mùa bội thu. Trận chiến với nạn rầy nâu năm đó do GS Võ Tòng Xuân trực tiếp "chỉ huy" đã giành thắng lợi hoàn toàn.

Sau thành công này, hễ gặp GS Võ Tòng Xuân, bà con nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long đều hồ hởi hỏi: "Chú Ba Xuân, có giống gì tốt mới không".

Trở thành "Dr Rice" trong mắt nông dân châu Phi

Người Việt Nam đầu tiên được giải VinFuture: Đóng cửa trường ĐH để sinh viên đi cứu lúa và kỳ tích ở Tây Phi- Ảnh 5.

GS Võ Tòng Xuân trong lần đến châu Phi hướng dẫn người dân trồng lúa chiến thắng "giặc đói".

Trong thời gian từ năm 1980 – 1992, giáo sư tiếp tục nghiên cứu về sử dụng đất phèn Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời nghiên cứu về cây lúa cao sản, hệ thống canh tác chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp.

Năm 1982, GS Võ Tòng Xuân được đích thân Thủ tưởng Hun Sen mời sang Campuchia để hỗ trợ cho chương trình gia tăng sản lượng lúa và sao đó ông được FAO mời sang Lào để xây dựng về chương trình phát triển nông nghiệp. Ngoài ra, GS còn làm cố vấn cho nhiều tổ chức quốc tế như IRRI, Trung tâm Khoai CIP (Peru), Viện Quản trị (Canada)...

Những công trình nghiên cứu của GS Võ Tòng Xuân không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà còn mang lại nhiều lợi ích cho các nước nghèo tại châu Phi. Năm 2006, đại sứ Cộng hòa Sierre Leone tại Bắc Kinh (Trung Quốc) đã tới Việt Nam mời GS Võ Tòng Xuân sang Sierra Leone để tìm cách giúp quốc gia ở Tây Phi này thoát khỏi tình trạng thiếu lương thực sau nhiều năm chiến tranh.

Sau khi sang Sierra Leone, nhận thấy nơi đây có điều kiện khí hậu khá giống với Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, nên GS Võ Tòng Xuân đã nhanh chóng hướng dẫn cho họ về kỹ thuật canh tác. Cách làm này không chỉ giúp nước bạn mà còn có hội mở ra hướng xuất khẩu lao động cho nhiều nông dân của Việt Nam.

Sau thành công ở Sierra Leone, nhiều nơi khác ở châu Phi cũng mời GS và đều thực hiện có hiệu quả bước đầu. Những người nông dân đều gọi vị GS tới từ Việt Nam bằng một cái tên thân thuộc "Dr Rice".

Cùng học trò đi tìm giống lúa gạo ngon nhất thế giới

Người Việt Nam đầu tiên được giải VinFuture: Đóng cửa trường ĐH để sinh viên đi cứu lúa và kỳ tích ở Tây Phi- Ảnh 6.

GS Võ Tòng Xuân tham dự tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2023.

Song song với việc phát triển và nhân rộng các giống lúa gạo chống được rầy nâu, cho năng suất tốt, GS Võ Tòng Xuân luôn trăn trở tìm kiếm thứ gạo thơm ngon. GS từng có thời gian đi lại nhiều lần giữa Việt Nam – Campuchia để học cách làm thương hiệu gạo. Đi cùng với GS Võ Tòng Xuân có anh hùng lao động Hồ Quang Cua, người nổi tiếng cho ra đời dòng lúa ST. Ông Hồ Quang Cua cũng chính là một người học trò của GS Võ Tòng Xuân.

Thành quả của những ngày tháng thầm lặng của GS Võ Tòng Xuân và kỹ sư Hồ Quang Cua đã được đền đáp. Tháng 11/2017, tại Hội nghi quốc tế lần 9 về mua bán gạo do The Rice Trader tổ chức ở Ma Cao, gạo ST24 đã được vinh danh là một trong ba loại gạo ngon nhất theo tiêu chuẩn gạo ngon thế giới. Điểm nổi trội là ST24 là giống lúa cải thiện ngắn ngày và có thể trồng được quanh năm.

Đến năm 2019, sau khi vượt qua các loại gạo của Thái Lan, Campuchia tại cuộc thi do The Rice Trader tổ chức, gạo ST25 của Việt Nam được công nhận là loại gạo ngon nhất thế giới. Gần đây nhất, năm 2023, gạo ST25 một lần nữa lại đạt giải nhất cuộc thi gạo ngon nhất thế giới do The Rice Trader tổ chức ở Philippines. Khi hay tin này, GS Võ Tòng Xuân, "người cha" của nhiều giống lúa, chia sẻ: "Quá vui mừng!".

Khác với các loại gạo thông thường gạo ST25 được gieo trồng tại các ruộng nuôi tôm nên không có phân bón hóa học và thuốc trừ sâu. Hạt gạo không chỉ trắng trong, thon dài mà còn có mùi thơm như mùi cốm. Loại gạo này được công nhận là có hàm lượng protein cao nên phù hợp với nhiều người.

Giờ đây, khi đã bước qua tuổi 83, GS Võ Tòng Xuân vẫn miệt mài giúp những người nông dân trồng lúa theo hướng mới, đặc biệt là trồng các giống lúa cao sản thích ứng với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại