Đại học Thanh Hoa là một trong hai đại học tốt nhất của Trung Quốc, bên cạnh Đại học Bắc Kinh. Ngôi trường này được coi là cung điện tri thức trong mơ của vô số người trẻ, là nơi hội tụ những tài năng hàng đầu đến từ khắp mọi miền đất nước. Tuy nhiên, có một điều mà nhiều người không biết, đó là tại Thanh Hoa có một lớp học được coi là "tinh hoa trong tinh hoa", là nơi quy tụ những nhân tài hàng đầu của Thanh Hoa. Lớp học này chính là "lớp Diêu".
Tên gọi chính thức của "lớp Diêu" thực tế là lớp Thực nghiệm Khoa học Máy tính của Đại học Thanh Hoa. Còn lý do tại sao nó được gọi là "lớp Diêu" ư? Điều này liên quan đến người sáng lập ra "lớp Diêu", Giáo sư Diêu Kỳ Trí.
Diêu Kỳ Trí (tên tiếng Anh là Andrew Chi-Chih Yao), sinh ngày 24 tháng 12 năm 1946 tại Thượng Hải, Trung Quốc. Năm 1967, ông nhận bằng cử nhân Vật lý tại Đại học Quốc lập Đài Loan (Trung Quốc) năm 1967 rồi sang Mỹ du học không lâu sau đó. Năm 1972, ông nhận bằng Tiến sĩ Vật lý tại Đại học Harvard. Năm 1975, ông nhận bằng Tiến sĩ về Khoa học Máy tính tại Illinois.
Kể từ đó, Diêu Kỳ Trí đã giảng dạy tại các trường đại học danh tiếng ở Mỹ một thời gian dài. Năm 2000, ông nhận giải thưởng Turing - giải Nobel ngành Máy tính, trở thành học giả Trung Quốc duy nhất được vinh danh ở giải thưởng này.
Năm 2004, Diêu Kỳ Trí từ chức giáo sư, bán nhà ở Mỹ, trở về Trung Quốc và gia nhập Trung tâm Nghiên cứu Cao cấp tại Đại học Thanh Hoa với tư cách là giáo sư toàn thời gian. "Lớp Diêu" được Diêu Kỳ Trí thành lập vào năm thứ hai sau khi ông về nước với mục đích ươm mầm những tài năng máy tính đạt tiêu chuẩn đẳng cấp thế giới.
Về phương pháp giảng dạy cơ bản, Diêu Kỳ Trí đã đích thân xây dựng chương trình đào tạo và kế hoạch giảng dạy cho lớp thực nghiệm, lồng ghép chương trình giảng dạy từ MIT, Stanford, Princeton và nhiều trường danh tiếng khác trên thế giới. Ông cũng chuẩn bị kỹ lưỡng 15 môn học cho "lớp Diêu" và trực tiếp giảng dạy 6 môn trong số đó.
Chỉ cần trong 4 năm tại Thanh Hoa, bạn hoàn thành các khóa học mà Giáo sư Diêu Kỳ Trí đã biên soạn, thì dù là đi làm hay tiếp tục học lên cao hơn, bạn đều có khả cạnh tranh với những sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học đẳng cấp thế giới. Do đó, những sinh viên tốt nghiệp "lớp Diêu", ngoài tấm bằng Thanh Hoa còn có một tấm bằng sáng chói hơn, đó là tấm vé thông hành cho việc học tập và sự nghiệp sau này.
Đương nhiên, để vào được "lớp Diêu" là điều không hề dễ dàng. Muốn vào đây, bạn buộc phải trải qua một kỳ tuyển sinh thứ hai.
Hằng năm, "lớp Diêu" đều thông qua các phương thức như tuyển sinh Olympic, tuyển sinh độc lập, tuyển sinh sàng lọc đầu vào từ các trường chuyên cấp 3 và cơ chế tuyển chọn chuyên nghiệp để chọn ra những học sinh xuất sắc nhất gia nhập lớp. Những người vào được "lớp Diêu" đều là những học sinh đạt huy chương vàng trong các cuộc thi toán, vật lý, tin học cấp quốc gia hoặc quốc tế, hoặc top 3 kỳ thi tuyển sinh đại học các tỉnh.
Dù việc thi vào "lớp Diêu" không hề đơn giản nhưng nếu trúng tuyển, bạn sẽ có một tương lai tươi sáng. Bởi vì những thành tựu mà sinh viên theo học lớp này đạt được trong quá trình học đại học nằm ở mức mà nhiều thạc sĩ và thậm chí cả nghiên cứu sinh tiến sĩ cũng chưa chắc làm được.
Tính đến tháng 12 năm 2017, sinh viên "lớp Diêu" đã có 193 bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế và được thuyết trình tại các hội nghị quốc tế hàng đầu như COLT, CVPR và AAAI.
Mặt khác, hầu hết sinh viên tốt nghiệp từ "lớp Diêu" đều tiếp tục học lên tại các trường đại học nổi tiếng khác. Theo thống kê chưa đầy đủ, ít nhất 10 sinh viên tốt nghiệp đã tham gia nghiên cứu và giảng dạy tại các trường đại học đẳng cấp thế giới như Đại học Stanford, Đại học Princeton và Đại học Chicago.
Ngoài ra, một số sinh viên tốt nghiệp đã trở thành kỹ thuật viên cấp cao tại các công ty công nghệ đình đám, chẳng hạn như "công nghệ nhận dạng khuôn mặt" mà chúng ta thường sử dụng ngày nay vốn là một thiết kế đặc biệt cho Alipay được xây dựng và hoàn thiện bởi Ấn Kỳ, Đường Văn Bân và Dương Mộc – những sinh viên "lớp Diêu".
Nguồn: Sohu