Nhận đầu tư "khủng" từ Trung Quốc nhưng quốc gia này lại biến Made in China thành quá khứ

Minh Khôi |

Các khoản vay từ Trung Quốc đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Bangladesh và xu hướng "Made in Bangladesh" đẩy "Made in China" thành quá khứ.

Made in Bangladesh thay thế Made in China

Khi doanh nhân người Trung Quốc Leo Zhuang Lifeng đến Dhaka 22 năm trước, sân bay của thủ đô Bangladesh lúc đó chỉ có 1 trong 2 băng chuyền hành lý đang hoạt động, hệ thống chiếu sáng thì gặp sự cố.

Đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, hình ảnh của sân bay Dhaka vào lúc đó cho thấy phần nào tình hình cơ sở vật chất nghèo nàn tại Bangladesh, nơi được coi là vùng trũng kinh tế của khu vực.

Zhuang, giờ đây đã 51 tuổi. Năm 1997 ông thành lập các xưởng may tại Dhaka nhằm tận dụng chi phí nhân công thấp và sự dư thừa về lao động ở quốc gia này. "Lúc đó ở đây thiếu thốn mọi thứ, thậm chí việc mua mì ăn liền không phải lúc nào cũng dễ dàng", Zhuang nói. Ông hiện tại là giám đốc điều hành của tập đoàn LDC và tuyển dụng gần 20.000 lao động tại Bangladesh.

Sau nhiều năm, Bangladesh đã phát triển nhanh chóng, ông nói.

Nhà xưởng của Zhuang lớn đến nỗi nó gần như là 1 thị trấn nhỏ với các trung tâm y tế cung cấp dịch vụ miễn phí cho người lao động và thân nhân của họ, cũng như các dịch vụ trông trẻ.

Những nhà xưởng tương tự hiện đã xuất hiện ở khắp nơi tại Bangladesh, nhất là trong thời điểm các nhà đầu tư từ Trung Quốc và nhiều nơi trên thế giới tiếp tục đổ tiền đầu tư vào quốc gia này. Nguồn vốn từ các nhà đầu tư đã biến Bangladesh trở thành một trong những trung tâm sản xuất lớn nhất thế giới với hơn 3,5 triệu lao động gia công cho các nhãn hiệu thời trang trong và ngoài nước, ví dụ như Uniqlo và H&M. Bên cạnh đó, các thương hiệu sang trọng như Michael Kors cũng thiết lập cơ sở sản xuất tại Bangladesh.

Bangladesh, hiện là nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc, dự kiến sẽ thu về 39 tỷ USD xuất khẩu từ hàng dệt may trong năm nay, và sau đó tăng lên 50 tỷ USD vào năm 2021.

Ở thời điểm chi phí lao động tại Trung Quốc đang tiếp tục gia tăng, các chuyên gia dự báo sẽ ngày càng có nhiều mẫu quần áo được gắn nhãn mác "Made in Bangladesh", thay vì "Made in China " trong tương lai.

Lo ngại bẫy nợ

Zhuang, hiện là chủ tịch Hiệp hội Hoa Kiều tại Bangladesh, ước tính chỉ có 20 đến 30 công ty Trung Quốc hoạt động tại Bangladesh vào thời điểm 22 năm trước. Con số này hiện đã tăng lên gần 400. Đây là con số khá đáng kể đối với một quốc gia non trẻ, nhất là khi Bangladesh mới chỉ giành độc lập từ Pakistan vào năm 1971.

Các khoản vay từ Trung Quốc đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Bangladesh. Trong vòng 1 thập kỷ, tốc độ tăng trưởng của nước này đạt mức trung bình 6%, nhưng đã tăng lên 8,14% trong năm qua, qua đó đưa Bangladesh trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Những thành tựu kinh tế đáng kinh ngạc mà quốc gia Nam Á này đạt được trong vài năm gần đây đã làm dấy lên nhiều nghi ngại.

Sự hỗ trợ của Bắc Kinh đối với Bangladesh được thể hiện thông qua 27 hiệp định đầu tư và tài chính được 2 nước kí kết có giá trị lên tới 24 tỷ USD vào thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm đến nước này vào năm 2016.

Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào Bangladesh cũng tăng mạnh sau chuyến thăm này, hiện đạt mức 506 triệu USD vào giai đoạn 2017/2018 sau mức 68,5 triệu USD vào năm 2016 - 2017.

Chen Wei, tuỳ viên sứ quán Trung Quốc tại Dhaka, từ chối cho biết bao nhiêu trong số tiền hàng chục tỉ USD được 2 nước kí kết vào năm 2016 là các khoản vay. Tuy nhiên khẳng định những lo ngại về bẫy nợ của Trung Quốc là không có căn cứ.

Giáo sư Brahma Chellaney thuộc Viện nghiên cứu chính sách New Dehli, ước tính các khoản nợ công trung và dài hạn của Bangladesh hiện tương đương với 14% GDP của nước này. "Đây là tỉ lệ ở mức vừa phải. Bangladesh muốn đảm bảo kiểm soát được tỉ lệ nợ công. Do đó, họ muốn triển khai các dự án do Trung Quốc tài trợ một cách cẩn trọng". Tuy nhiên, ông cũng cho rằng việc Sri Lanka kí kết thoả thuận cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota lên tới 99 năm sẽ là "hồi chuông cảnh tỉnh đối với Bangladesh nhằm tránh rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc".

Bộ trưởng Thông tin Hasan Mahmud khẳng định Dhaka không mong muốn bị phụ thuộc vào bất kì quốc gia nào, đồng thời chính phủ Bangladesh muốn làm bạn với các quốc gia mong muốn hỗ trợ sự phát triển của Bangladesh.

Các chuyên gia nhận định Dhaka tránh đề cập đến vấn đề bẫy nợ của Trung Quốc, bởi trong khi nước này thúc đẩy mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh, chính phủ Bangladesh tiếp tục mở rộng quan hệ với các nước khác, đặc biệt là Ấn Độ.

Chellaney cho rằng Bangladesh đã phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ nước ngoài không chỉ từ Trung Quốc, mà còn từ Ấn Độ, Nhật Bản hay Hàn Quốc để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. "Bất chấp việc nguồn vốn từ Trung Quốc đóng vai trò ngày càng quan trọng tại Bangladesh, sự hiện diện của Nhật Bản và Ấn Độ vẫn mang yếu tố trọng yếu. Bangladesh mong muốn duy trì tốc độ tăng trưởng cao thông qua việc hợp tác với nhiều đối tác, thay vì phải chọn lựa giữa 2 phương án", ông nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại