Một bài viết trên tờ Bloomberg ví von rằng, khó có thể tìm được thứ tiêu biểu hơn bàn ăn của người Trung Quốc khi nhắc tới sự thay đổi trên toàn cầu.
Với nhu cầu ngày càng nhiều, người tiêu dùng Trung Quốc đã đem lại nguồn thu nhập lớn cho những người chăn nuôi bò ở Australia, những nông trại trồng nho và sản xuất rượu nho ở Pháp cũng như các ngư dân khai thác hàu ở Nhật Bản.
Bàn ăn của người Trung Quốc vẫn thường có cả đậu nành Mỹ, hạt hạnh nhân từ California và tôm hùm từ Maine. Tất nhiên, đó là những thứ có mặt trước khi chiến tranh thương mại xuất hiện.
Trung Quốc đã nâng mức thuế quan đối với hàng nhập khẩu Mỹ vào ngày 1/6, bao gồm các sản phẩm như tương cà chua, nước cam và rượu tequila. Nhưng không chỉ người nông dân Mỹ cảm thấy tổn thất nặng nề.
Trung Quốc cần các quốc gia trên thế giới cấp lương thực. Khi quốc gia với 1,4 tỉ dân ngày càng giàu có hơn, họ ăn nhiều thịt hơn. Điều đó khiến Trung Quốc đặc biệt phụ thuộc vào nguồn cung cấp nước ngoài đối với đậu nành và một số nông sản khác để nuôi các đàn lợn, trâu bò và gia cầm ở nước này.
Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát đã khiến sự phụ thuộc này ngày càng rõ nét hơn. Tả lợn có thể khiến 134 triệu cá thể lợn ở Trung Quốc bị tiêu hủy - tương đương với sản lượng hàng năm của Mỹ.
Một mối đe dọa khác vẫn đang hiện hữu là loài sâu bệnh có tên Fall Armyworm. Loài sâu hại đã gây ảnh hưởng tới 220.000 héc ta nông sản ở Trung Quốc và đang có dấu hiệu lây lan mạnh mẽ. Ảnh hưởng đối với gạo, ngô và các loại rau khác có thể sẽ kéo dài.
Nhưng cấm vận sẽ không cản được việc Trung Quốc có được những mặt hàng nông sản mà nước này cần. Trung Quốc thậm chí sẽ trả nhiều tiền hơn để mua nông sản. Và tất nhiên vẫn sẽ có những người mua sản phẩm từ nông trại Mỹ, chỉ là với số lượng ít hơn Trung Quốc nhiều lần. Thế giới sẽ tiếp tục phát triển, chỉ là mọi người sẽ không có nhiều sự lựa chọn như trước đây.
Về việc du học
Chiến tranh thương mại không chỉ diễn ra tại những căn bếp, mà còn tại lớp học. Chính quyền tổng thống Trump đang theo dõi các nhà nghiên cứu tại một số các trường đại học uy tín nhất để xem liệu họ có mối quan hệ nào với Bắc Kinh hay không. Ngoài ra, Mỹ sẽ hạn chế visa đối với sinh viên tới từ Trung Quốc. Việc này sẽ khiến các sinh viên và học giả Trung Quốc tại Mỹ cảm thấy môi trường sư phạm trở nên ngành càng thiếu thân thiện. CHính phủ Trung Quốc đã cảnh báo các sinh viên và nhà nghiên cứu "cần tính toán tới rủi ro" trước khi sang Mỹ du học và công tác.
Hoạt động du lịch
Bắc Kinh đã đưa ra 1 cảnh báo khác đối với những du khách Trung Quốc mong muốn du lịch tới Mỹ. Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc đã lấy ví dụ về các vụ xả súng "thường xuyên" và nạn trộm cắp là những lí do mà công dân Trung Quốc nên đề phòng khi tới Mỹ.
Trung Quốc đã sử dụng ngành du lịch như một vũ khí trong quá khứ, tiêu biểu như khi phản đối việc Seoul đồng ý triển khai hệ thống tên lửa Mỹ ở Hàn Quốc. Hậu quả cho ngành du lịch Mỹ hiện vẫn khó ước tính, tuy nhiên trong năm ngoái đã có 3 triệu lượt du khách Trung Quốc tới Mỹ, tiêu hơn 36,4 tỉ USD trong thời gian ở lại đây.
Nghi ngờ hiện hữu
Đòn trả đũa của Trung Quốc và lời đe dọa từ Mỹ về việc đánh thuế quan cao hơn đã gây ra những lo ngại rằng Bắc Kinh và Washington sẽ không thể giải quyết những bất đồng thông qua đối thoại. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết Trung Quốc có thể kết luận rằng sẽ không thể đạt được thỏa thuận với Mỹ. Các nhà kinh tế Trung Quốc cũng có ý nghĩ tương tự, khi thuế quan của Mỹ với Mexico đã đi vào bế tắc.