Ở nơi làm việc, việc gặp phải những trường hợp khẩn cấp là điều không thể tránh khỏi, vậy làm thế nào để giải quyết những tình huống khẩn cấp đó một cách hoàn hảo? Những lúc này, EQ (trí tuệ cảm xúc) đặc biệt quan trọng đối với một người đi làm. Nó giúp chúng ta có thể nhạy bén, ứng xử một cách thông minh, xử lý các tình huống phát sinh bất ngờ thật nhanh chóng và hiệu quả.
Vì lý do đó, các công ty cũng sẽ cân nhắc nhiều hơn đến khía cạnh này khi phỏng vấn ứng viên và thường sử dụng các phương pháp độc đáo để kiểm tra trong quá trình phỏng vấn. Sự nhạy bén khi đi xin việc có thể giúp bạn tạo ấn tượng mạnh mẽ hơn, từ đó, tỷ lệ thành công cũng sẽ tăng theo.
Tiểu Triệu là một nữ sinh viên mới tốt nghiệp ở Trung Quốc chưa lâu. Tình cờ thấy một công ty phù hợp với lĩnh vực mình học đăng tuyển trợ lý Tổng giám đốc, Tiểu Triệu liền nộp đơn vào và được liên hệ mời đi phỏng vấn sau đó. Vì là vị trí cấp cao nên, chỉ có ba ứng viên đến tham gia phỏng vấn.
Sau khi được đánh giá về vấn đề chuyên môn, đại diện nhà tuyển dụng bất ngờ đặt ra một câu hỏi như sau: "Trong cuộc họp công ty có 6 lãnh đạo tham gia nhưng chỉ có 4 cái ghế, hôm ấy bạn lại là người chuẩn bị cho cuộc họp thì bạn sẽ xử lý thế nào?".
Cả ba người nghe xong đều thấy rất bất ngờ, không hiểu tại sao người phỏng vấn lại hỏi một câu hỏi như vậy. Sau khi suy nghĩ, một ứng viên, cũng là tân Cử nhhân mới tốt nghiệp chưa lâu đã đưa ra câu trả lời của mình. Người này cho biết, vì tình huống xảy ra quá đột ngột nên cô chỉ còn cách giấu hết tất cả 4 chiếc ghế đi. Tiếp theo đó, nhanh chóng thông báo có sự cố để hoãn cuộc họp, không để các lãnh đạo người ngồi, người đứng gây phật ý nhau.
Ứng viên tiếp theo là người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc. Trước tình huống giả định này, người này cho biết bản thân sẽ ngay lập tức đặt mua ghế và yêu cầu giao cấp tốc đến, vì không thể để bất kỳ một lãnh đạo nào không có ghế ngồi trong cuộc họp.
Đến lượt Tiểu Triệu, chẳng tốn quá nhiều thời gian suy nghĩ cô nhanh chóng trả lời: "Trước hết, nếu tôi chịu trách nhiệm về việc sắp xếp buổi họp thì chuyện như thế này sẽ không bao giờ xảy ra. Là một trợ lý của tổng giám đốc, nếu cả việc này tôi cũng không làm tốt được, thì công ty cũng không cần phải tiếp tục giữ tôi lại làm gì nữa, tôi cũng sẽ chủ động nộp đơn xin từ chức ngay lập tức vì đã không hoàn thành tốt nhiệm vụ. Vậy nên tôi sẽ luôn kiểm soát để không rơi vào tình huống như vậy ngay từ ban đầu".
Sau khi nghe câu trả lời của cô, những người chủ trì buổi phỏng vấn đều cảm thấy rất hài lòng. Họ cho rằng khả năng ứng biến nhanh nhạy, bình tĩnh và kỷ luật trong công việc của Tiểu Triệu chính là điều mà vị trí trợ lý Tổng giám đốc cần. Họ thông báo Tiểu Triệu chính thức trúng tuyển ngay trong buổi phỏng vấn và yêu cầu cô sắp xếp để có thể đến nhận việc càng sớm càng tốt.
(Theo Sohu)