Nhà trị liệu 46 tuổi nghiền ngẫm: ‘7 điều tôi hối tiếc vì đã không làm ở độ tuổi 20 và 30 để giàu có, khỏe mạnh, thông thái hơn’

Alexx |

Thỉnh thoảng, chúng ta đều cần nhìn lại cuộc sống của mình và nghĩ về những gì chúng ta đã có thể làm khác đi. Ở tuổi 46, tôi vẫn còn nhiều điều phải học, nhưng tôi hy vọng sự thông thái mà tôi thu được trong suốt chặng đường có thể truyền cảm hứng cho bạn để tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống của chính mình.

Khi bắt đầu sự nghiệp của mình lần đầu tiên với tư cách là một nhà trị liệu cách đây 10 năm, tôi đã không hề nghĩ rằng mình sẽ làm việc với rất nhiều những người còn rất trẻ thuộc thế hệ millennials. Trong 5 năm qua, tôi đã ngồi đối diện với hàng trăm người trong số họ và lắng nghe những cuộc đấu tranh, nỗi sợ hãi và cả thành tựu của họ.

Cơ hội được làm việc với những người trẻ tuổi là một món quà vì nó cho phép tôi suy ngẫm về các lĩnh vực trong cuộc sống của chính mình, và truyền tải những lời khuyên mà tôi ước mình đã nhận được khi ở độ tuổi của họ.

Thỉnh thoảng, chúng ta đều cần nhìn lại cuộc sống của mình và nghĩ về những gì chúng ta đã có thể làm khác đi. Ở tuổi 46, tôi vẫn còn nhiều điều phải học, nhưng tôi hy vọng sự thông thái mà tôi thu được trong suốt chặng đường có thể truyền cảm hứng cho bạn để tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống của chính mình.

Dưới đây là bảy điều tôi hối tiếc vì đã không làm ở độ tuổi 20 và 30:

1. Tiết kiệm tiền - CÀNG SỚM CÀNG TỐT

Các chuyên gia tài chính đã lưu ý rằng không tiết kiệm để nghỉ hưu là một trong những sai lầm tiền bạc lớn nhất mà thế hệ millennials mắc phải. Và, theo một cuộc khảo sát gần đây, gần 60% người lớn thừa nhận rằng bỏ bê việc tiết kiệm là việc đứng số 1 trong danh sách những điều hối tiếc của họ.

Tôi rất đồng cảm với điều này. Ở những năm đầu của tuổi 20, suy nghĩ về việc một ngày nào đó tôi sẽ già đi và nghỉ hưu chưa bao giờ xuất hiện trong tâm trí. Tôi thường dành toàn bộ tiền lương cho những thứ mà giờ nghĩ lại tôi thấy không cần thiết cho lắm. Tôi đã nghĩ rằng tôi còn rất nhiều thời gian để bắt đầu tiết kiệm tiền của mình.

Mãi cho đến nhiều năm sau, khi tôi học được những kiến ​​thức cơ bản về tiền bạc như sức mạnh của lãi suất kép hoặc tầm quan trọng của việc đóng góp vào 401 (k) (một chương trình về lương hưu tại Mỹ), tôi mới vững tâm và có thể quản lý tốt tài chính của mình.

Hiện tại tôi đã ngoài 40 tuổi, việc có được sự an toàn về tài chính nghe hấp dẫn hơn nhiều so với những ly cocktail sang trọng và quần áo hàng hiệu hay local brand.

Nhà trị liệu 46 tuổi nghiền ngẫm: ‘7 điều tôi hối tiếc vì đã không làm ở độ tuổi 20 và 30 để giàu có, khỏe mạnh, thông thái hơn’ - Ảnh 1.

2. Lên tiếng cho chính mình trong công việc

Ở tuổi 24, tôi thu dọn đồ đạc và chuyển đến Los Angeles để theo đuổi ước mơ làm nên điều đó ở Hollywood. Bên cạnh việc biết ơn vì có một công việc, tôi vẫn có một hối tiếc đó là không có đủ can đảm để đứng lên vì chính mình.

Khi bị từ chối tăng lương, tôi đã không hỏi phải làm sao để được tăng lương. Khi cảm thấy bị cấp trên đối xử không công bằng, tôi đành ngậm miệng vì nghĩ lên tiếng sẽ làm tổn hại đến con đường sự nghiệp của mình.

Bắt đầu một sự nghiệp mới ở độ tuổi 20 có thể rất đáng sợ, nhưng đứng lên cho bản thân và chỉ ra những tình huống không hay có thể giúp bạn phát triển trong sự nghiệp, đồng thời truyền cảm hứng tạo ra sự thay đổi ở nơi làm việc của bạn.

Nếu có thể quay ngược thời gian, tôi sẽ nói với bản thân ở độ tuổi trẻ hơn rằng: Bạn có thể không có nhiều năm kinh nghiệm, nhưng bạn có quyền yêu cầu những gì bạn muốn và cần để tìm thấy ý nghĩa và niềm vui trong công việc của mình.

3. Dành thời gian để nói với mọi người, "Tôi biết ơn bạn!"

Tôi đã quá tập trung vào sự nghiệp của mình ở những năm đầu tuổi 20 đến nỗi không thể dành thời gian cho những người tôi yêu thương và quan tâm nhất. Tôi cho rằng tôi luôn có thể quan tâm tới họ, thể hiện tình yêu với họ nhiều hơn vào "sau này".

Nhưng một điều khủng khiếp đã xảy ra vào năm tôi 27 tuổi: Một người bạn thân của tôi qua đời - và bỗng nhiên, "sau này" không còn nữa. Thay vào đó, chỉ có đau buồn và tiếc nuối.

Giá như tôi dành thời gian để nói năm từ đó: "Tôi rất biết ơn cậu".

Hiện tại, tôi bày tỏ tình yêu và lòng biết ơn của mình thường xuyên hơn, và tôi cũng khuyến khích mọi người làm như vậy. Dù là bạn bè, bạn đời, cha mẹ hay thậm chí là người cố vấn của bạn, việc không bày tỏ lòng biết ơn và tình yêu dành cho họ thường là một điều hối tiếc lớn đối với hầu hết mọi người.

Nhà trị liệu 46 tuổi nghiền ngẫm: ‘7 điều tôi hối tiếc vì đã không làm ở độ tuổi 20 và 30 để giàu có, khỏe mạnh, thông thái hơn’ - Ảnh 2.

4. Chấp nhận thất nghiệp

28 tuổi, phá sản và thất nghiệp là một trải nghiệm đau đớn. Tôi cảm giác tất cả mọi thứ như sụp đổ. Tôi ôm giấc mơ Hollywood của mình quá lâu đến nỗi tôi không biết mình là ai nếu không có nó. Tôi cảm thấy như tất cả bạn bè của mình đều đã tìm được ý nghĩa cuộc sống của mình, họ có những công việc tuyệt vời, mối quan hệ tuyệt vời, những kế hoạch tuyệt vời. Họ luôn rất vui vẻ.

Trong khi đó, tôi bị lạc và trở lại vạch xuất phát.

Nhưng tất cả chúng ta đều có một tiết tấu cuộc sống riêng. Những người tìm tới tôi ở độ tuổi 20 thường nói với tôi rằng: "Tôi sẽ bước sang tuổi 30 sau [X] năm nữa và tôi vẫn không có một sự nghiệp thành công". Vì một vài lý do, chúng ta đã ấn định "30" là độ tuổi mà chúng ta phải có công việc mơ ước của mình, nếu không, chúng ta sẽ cảm thấy như thể mình đã thất bại trong suốt chặng đường.

Đây là lời khuyên của tôi: Đừng lãng phí thời gian để ám ảnh về vị trí mà bạn nghĩ mình nên đạt được trong sự nghiệp của mình. Bằng cách sống chậm lại và đón nhận cuộc hành trình của mình, bạn sẽ chiêm nghiệm được nhiều điều về bản thân và điều bạn thực sự muốn làm với cuộc đời mình.

5. Không sợ hãi và nắm bắt cơ hội

Sau khi nhận ra rằng Hollywood không dành cho mình, tôi đã cân nhắc các lựa chọn khác. Ba và chị gái tôi đều là luật sư, vì vậy tôi đã thử làm một vài cuộc tư vấn thử - điều mà tôi không thích thú lắm.

Trong sâu thẳm, tôi thực sự muốn trở thành một nhà trị liệu. Tôi thường nghĩ về việc bắt đầu nó, nhưng cứ viện lý do để không thực hiện - tất cả chỉ vì tôi không có đủ niềm tin vào khả năng của mình. (Tất nhiên, cuối cùng tôi đã vượt qua sự bất an của mình và thực hiện một bước nhảy vọt. Tôi rất vui vì đã làm được điều đó, nhưng tôi ước mình làm điều đó sớm hơn).

Hiện tại, khi một bệnh nhân của tôi đang cảm thấy không chắc chắn về điều gì đó, tôi khuyến khích họ chấp nhận rủi ro. Tôi luôn nói với họ rằng ngay cả khi họ thất bại, họ cũng sẽ thất bại trên nền tảng biết được rằng mình không hề ngại thử thách.

6. Chăm sóc cơ thể

Sức khỏe mang lại một loại tự do và hạnh phúc mà rất ít người nhận ra cho đến khi họ không còn nó nữa. Khi bạn còn trẻ, thật dễ dàng để coi sức khỏe là một điều hiển nhiên.

Mãi cho đến khi tôi ngoài 30 tuổi, khi bố tôi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, tôi mới bắt đầu có những thay đổi lớn trong lối sống của mình. Nhưng tôi hối hận vì đã phải chứng kiến ​​người thân trong gia đình đau khổ ra sao rồi mới nhận ra và bắt đầu tập trung vào sức khỏe của bản thân.

Rất nhiều người hay nói, "Tôi không có thời gian để đến phòng tập thể dục" hoặc "Tôi muốn ăn những gì tôi muốn ăn, chết sớm thì đã sao!"

Nhưng hãy hỏi bất kỳ bác sĩ nào và họ sẽ nói với bạn: "Vấn đề không phải là chết sớm hay muộn, vấn đề là bạn có muốn mắc kẹt với một căn bệnh mãn tính và phải chịu đựng trong 10 hay 15 năm với một đống những thuốc thang mỗi ngày cố gắng giữ cho bạn sống hay không!"

Nhà trị liệu 46 tuổi nghiền ngẫm: ‘7 điều tôi hối tiếc vì đã không làm ở độ tuổi 20 và 30 để giàu có, khỏe mạnh, thông thái hơn’ - Ảnh 3.

7. Bớt quan tâm đến những gì người khác nghĩ lại

Khi tôi mới bắt đầu làm cố vấn tại một trung tâm phục hồi chức năng, nhiều bệnh nhân của tôi không thích tôi, họ tức giận với tôi vì đã thực thi các quy tắc và vì đã thách thức họ.

Nhưng sự tức giận của họ rất ít liên quan đến tôi. Còn tôi lại là người duy nhất đứng trước họ, vì vậy tôi sẽ nhận được cơn thịnh nộ trong sự thất vọng của họ.

Bạn chỉ có thể kiểm soát những thứ bạn tạo ra, những gì bạn nói, cách bạn cảm thấy và những gì bạn nghĩ. Bạn không thể kiểm soát cách người khác nhìn nhận tất cả những thứ đó.

Ví dụ với bài viết này, tôi kiểm soát được mức độ trung thực của mình khi chia sẻ một phần của cuộc sống của mình với bạn. Nhưng tôi không thể kiểm soát việc bạn thấy nó hữu ích hay không. Công việc của tôi là cho bạn thấy và là chính mình nhất có thể. Phần còn lại ngoài tầm tay của tôi.

Tác giả của bài viết là Tess Brigham, một nhà trị liệu tâm lý và là huấn luyện viên cuộc sống chuyên nghiệp tại San Francisco. Cô có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này và chủ yếu làm việc với thế hệ millennials và cha mẹ của họ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại