Trong văn bản của Vinachem gửi lên các Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và đầu tư đã báo cáo về tình hình đàm phán với nhà thầu Trung Quốc khi triển khai xây dựng dự án.
Theo đó, Vinachem cho biết mặc dù đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2012, nhưng đến nay dự án vẫn chưa quyết toán được gói thầu EPV, dẫn tới chưa quyết toán dự án hoàn thành.
Từ đầu năm 2014 đến nay, Vinachem và Nhà thầu HQC đã tiến hành đàm phán 11 đợt để giải quyết các tồn tại của Hợp đồng EPC và bồi thường thiệt hại của nhà thầu do không đạt yêu cầu trong hợp đồng EPC.
Đến nay, về cơ bản phương án giải quyết các tồn tại của dự án đã được hai bên đề xuất, nhưng hiện nhà thầu vẫn chưa gửi báo cáo cuối cùng theo thời hạn đã được hai bên cam kết.
Trong đó, một số tồn tại vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, theo Vinachem đó là: thời gian chậm tiến độ thực hiện hợp đồng; các thay đổi trong quá trình thi công liên quan đến thay đổi kết cấu, vật liệu cấu kiện sử dụng trong thi công, thiết bị dự án, hồ sơ thiết bị…
Khi thực hiện dự án này, Vinachem đã đầu tư tới 667 triệu USD (tương đương 10.673 tỉ đồng tại thời điểm xây dưng), bên cạnh khoản vay từ Trung Quốc lên tới 250 triệu USD. Theo đó, đơn vị tổng thầu dự án chính là Tập đoàn China Huanqiu Contracting & Enginneer của Trung Quốc.
Báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh, Vinachem cũng cho biết 6 tháng đầu năm tình hình sản xuất kinh doanh toàn Tập đoàn gặp khó khăn. Cụ thể, doanh thu của toàn tập đoàn là 21.727 tỷ đồng, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2015.
Nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 849 tỷ đồng. Riêng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 208,9 triệu USD, bằng 33,8% kế hoạch năm, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2015.
Nguyên nhân được Vinachem chỉ ra, là do nguồn cung dồi dào, nhu cầu thấp dẫn tới giá phân bón liên tục giảm, điển hình là Ure và DAP với mức giá trung bình thấp hơn cùng kỳ năm 2015 và tiếp tục có xu hướng giảm.
Theo đó, giá phân ure bình quân đã giảm từ 15 – 16%, giá các loại phân bón khác như DAP giảm từ 17 – 18%; supe Lân giảm 7%...
Do chịu tác động của sản lượng tiêu thụ và giá bán giảm làm chỉ tiêu doanh thu, giá trị sản xuất công nghiệp cũng như lợi nhuận giảm, nên số đơn vị lỗ với số lỗ tăng so với cùng kỳ năm 2015.
Trong đó, ba đơn vị có doanh thu giảm mạnh như Công ty CP DAP – Vinachem (50,8%); Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình (51,8%); Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (18,6%); các đơn vị còn lại giảm từ 0,9%-24%.
Tập đoàn Hóa chất dự báo, trong năm 2016 doanh thu toàn Tập đoàn đạt 42.595 tỷ đồng, giảm 9,4% so với kế hoạch; lợi nhuận giảm 806 tỷ đồng; nộp ngân sách là 1.991 tỷ đồng và thu nhập bình quân là 8 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2017 Vinachem đặt ra mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp là 43.603 tỷ đồng, tăng 5,6%; doanh thu đạt 44.956 tỷ đồng, tăng 5,6%; lợi nhuận 107 tỷ đồng và nộp ngân sách 1.683 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 615 triệu USD; giá trị đầu tư toàn Tập đoàn là 4.669 tỷ đồng.
Để đạt mục tiêu, Vinachem đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ xem xét cho Tập đoàn được bổ sung vốn điều lệ từ nguồn Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN trung ương nhằm cung cấp đủ vốn điều lệ cho Tập đoàn.
Đồng thời, có những kiến nghị trong việc giải quyết khó khăn cho các nhà máy đạm Ninh Bình và đạm Hà Bắc đối với những khoản vay, giảm lãi suất...