Tháng 7/2016, ANA Holdings Inc hoàn tất thương vụ mua gần 9% cổ phần của Vietnam Airlines với mức giá 100 triệu USD, đánh dấu sự tham gia của một trong những tập đoàn hàng không lớn nhất Nhật Bản vào thị trường Việt Nam. Và chỉ gần 2 tháng sau, với sự xuất hiện của Vanilla Air, ANA Holdings Inc và hàng không Nhật đã có bước xâm nhập mạnh mẽ hơn nhiều.
Vanilla Air thực tế là hãng hàng không giá rẻ còn rất non trẻ của Nhật Bản. Đơn vị này mới được thành lập từ tháng 11/2013, với 100% vốn rót từ ANA Holdings Inc.
Là hãng bay giá rẻ đầu tiên của Nhật đặt trụ sở chính ở sân bay quốc tế Narita, Nhật Bản, Vanilla Air thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên vào ngày 20/12/2013, trên hành trình nối giữa Narita tới Okinawa và Đài Bắc.
Trong những năm đầu hoạt động, Vanilla Air phải đối mặt với tình trạng thiếu phi công và lỗ ròng. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính kết thúc vào tháng 5/2016, hãng đã có lãi nhờ chi phí nhiên liệu bay hiện ở mức thấp và sự gia tăng đột biến khách du lịch tới Nhật Bản.
Theo kế hoạch, Vanilla Air sẽ sớm đặt một chi nhánh tại Đài Bắc, trạm khai thác chính của hãng trong các hành trình quốc tế.
Ngày 15/9, chuyến bay đầu tiên của Vanilla Air khởi hành từ TP HCM đi Tokyo, Nhật Bản, quá cảnh tại Đài Bắc đã hoàn tất. Phó giám đốc của hãng là bà Mio Yamamuro khẳng định Vietjet Air sẽ là đối thủ mà Vanilla Air nhắm tới khi khai thác thị trường Việt Nam.
Điều đặc biệt với cả Vanilla Air và Vietjet Air là hai hãng hàng không này từng suýt ra đời với những cái tên khác, đồng thời có thể chung một nhà nếu duy trì được mối quan hệ với cổ đông chiến lược ban đầu là ông lớn giá rẻ châu Á - AirAsia.
Trước đó, kế hoạch ra mắt Vanilla Air từng được cả AirAsia và ANA Holding phối hợp thực hiện, với tên gọi dự kiến là AirAsia Japan. Tuy nhiên, thỏa thuận không được thực hiện do những khác biệt của thị trường Nhật Bản trong mắt các nhà phát triển Malaysia. Tháng 6/2013, AirAsia hủy kế hoạch, và ANA cho ra đời hãng hàng không giá rẻ của riêng mình.
Trong khi đó, tháng 2/2010, với việc mua 30% cổ phần của Vietjet Air (khi đó có tên là Viet Air), AirAsia muốn đổi tên hãng bay thành Vietjet AirAsia. Tuy nhiên, do không được cấp phép cái tên này, AirAsia quyết định rút ra khỏi liên doanh với Sovico Holdings vào tháng 10/2011.
Sovico Holding sau đó đổi tên hãng bay thành Vietjet Air, và chính thức khai thác thương mại vào tháng 12/2011.