Hơn 300 mẫu vật đa dạng được phân tích
Ngày 21/12, tàu nghiên cứu biển mang tên Viện sĩ Oparin của Viện Hàn lâm khoa học Nga đã cập cảng Nha Trang sau một tháng cùng Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN nghiên cứu chung về đa dạng sinh học và hóa sinh biển trên vùng biển nước ta.
Đây là chuyến khảo sát hỗn hợp lần thứ 5 giữa hai bên trên tàu Viện sĩ Oparin. Chuyến khảo sát lần này kéo dài từ ngày 20/11 - 21/12, tại vùng biển từ Quảng Trị đến Bình Thuận.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 22/12, PGS.TS Võ Sĩ Tuấn - Viện trưởng Viện hải dương học Nha Trang cho biết:
"Tham gia chuyến khảo sát có 15 nhà khoa học Việt Nam đến từ 6 viện chuyên ngành trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và 20 nhà khoa học đến từ 2 viện chuyên ngành thuộc FEBRAS.
Mục đích chính của chuyến tàu nghiên cứu biển này của chúng tôi là đa dạng sinh học và hóa sinh biển trên vùng biển VN.
Tàu Viện sĩ Oparin tại cảng Nha Trang.
Hiện đoàn đã thu thập được 300 mẫu vật trong đó có cả những mẫu ở biển sâu 300m-400m, đã tiến hành các phân tích về đánh giá hoạt tính của một số hoạt chất sinh học trong động vật không xương sống để phục vụ cho nghiên cứu y - sinh - dược học.
Làm các thử nghiệm sinh học về các hoạt tính của các hoạt chất trong sinh vật biển, nghiên cứu đa dạng sinh học, hoạt chất của vi sinh vật biển".
Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, tàu nghiên cứu biển Oparin có phương tiện tốt nên chúng ta có thể nghiên cứu ở các vùng biển sâu vài trăm mét, hơn nữa, tàu có các phòng thí nghiệm nên khi mẫu vật lấy được có thể đưa vào phân tích, đánh giá, xử lý, thậm chí thử nghiệm sinh học, tiến hành làm trên tàu ngay lập tức.
Đó là những điều kiện tương đối thuận lợi, mặc dù thời tiết trong đợt đi nghiên cứu lần này vô cùng xấu.
"Viện hàn lâm khoa học và công nghệ VN đã có những ký kết hợp tác với Viện Viễn đông của Liên bang Nga, sáng 22/12, cũng đã có những ký kết mới của giai đoạn tiếp theo. Trong đó, nêu rõ các thỏa thuận cho chương trình hợp tác nghiên cứu những đợt khảo sát tiếp theo.
Các nhà khoa học Nga đi cùng đoàn đều có thế mạnh riêng, rất nhiều người có kinh nghiệm và hầu hết là những người hợp tác với nhau nhiều lần rồi, nên làm việc rất thuận lợi trong phân tích
Họ đều khẳng định vùng biển Việt Nam phong phú về sinh học và cấu trúc quần xã sinh vật. Họ mong muốn hai nước có nhiều sự hợp tác cùng nhau phân tích mẫu vật, nghiên cứu chuyên đề về khoa học, giúp Việt Nam phát triển khoa học - công nghệ và hứa hẹn đào tạo cán bộ nghiên cứu về biển cho Việt Nam", ông Tuấn nhấn mạnh.
Sau khi tiến hành lấy mẫu, theo Viện trưởng Viện hải dương học, hiện nay mẫu mới được đem về, còn 6 Viện của VN, 2 viện của Nga sẽ cùng nhau phân tích mẫu vật, nghiên cứu chuyên đề và công bố tài liệu khoa học về các lĩnh vực.
Cụ thể như: Đa dạng sinh học biển, sinh thái học rạn san hô, sự tích lũy kim loại nặng trong động vật thân mềm, đặc tính quang học và chất lượng môi trường nước vùng biển miền Trung, sàng lọc các chất hoạt tính trong động vật thân mềm...
Vùng biển VN rất đa dạng và phong phú
Trong một diễn biến liên quan, chiều ngày 22/12, tại Khánh Hòa, 35 nhà khoa học của Việt Nam - Nga cũng đã thảo luận kết quả chuyến nghiên cứu vùng biển miền Trung trên tàu "Viện sĩ Oparin".
Tiến sĩ Hồ Văn Thệ - Trưởng phòng quản lý tổng hợp Viện Hải dương học cho biết, hàng trăm mẫu vật là lớp giáp xác, nhuyễn, da gai, rong biển... và sự tích lũy kim loại nặng trong động vật thân mềm tồn tại ở vùng biển sâu được các nhà khoa học lấy mẫu.
Các nhà khoa học thu thập và tìm hiểu các rạn san hô, khả năng tái tạo tự nhiên của san hô tạo rạn; sự tích lũy kim loại nặng trong động vật thân mềm và hoạt chất sinh học trong động vật không xương sống...
"Đa phần đều được khai thác, khảo sát ở độ sâu 400 m, kéo dài từ vùng biển Quảng Trị đến Bình Thuận, với những đặc tính thời tiết khác nhau, có khi rất khắc nghiệt, giông bão", tiến sĩ Thệ cho biết.
Tàu Viện sĩ Oparin cùng các nhà khoa học Nga tiến hành nghiên cứu biển Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2005, vị trí khảo sát vịnh Vân Phong và vịnh Nha Trang (Khánh Hòa). Đến 2013, tàu này cùng các nhà khoa học trở lại Việt Nam lần thứ 4, khảo sát trên vùng biển Trường Sa.
Tàu nghiên cứu biển Viện sĩ Oparin của Viện Hàn lâm khoa học Nga dài 75,5 m, trọng tải 2.441 tấn. Tàu có thể đi biển dài ngày, đủ không gian cho 36 nhà khoa học với 5 phòng thí nghiệp và 30 thủy thủ đoàn. Oparin còn được trang bị nhiều thiết bị hiện đại giúp lặn ở vùng biển, thu mẫu ở vùng biển sâu.
Một số hình ảnh về tàu và chuyến khảo sát của đoàn tại vùng biển VN (Ảnh Viện hàn lâm khoa học và công nghệ VN):