Ả-rập Xê-út đã công bố thiết kế dự án đô thị đầy tham vọng mang tên The Line, thành phố chỉ có một tòa nhà, nằm trên sa mạc và sẽ trải dài 170km, là nơi ở của 9 triệu người. Đây là ý tưởng mà Thái tử Mohammed bin Salman Al Saud mới công bố về một trung tâm trong dự án siêu thành phố sa mạc Neom của ông.
Sử dụng năng lượng tái tạo
Được giới thiệu lần đầu vào năm 2017, siêu thành phố trên sa mạc Neom được cho là sẽ dành cho 9 triệu người vào năm 2045 khi Ả-rập Xê-út nỗ lực tăng dân số và trở thành một cường quốc kinh tế toàn cầu. Điểm nhấn của Neom được coi là The Line.
Dự án mà Thái tử Ả-rập Xê-út nêu ra đã liên tục khiến người ta phải sửng sốt vì những kế hoạch cho taxi bay, quản gia robot. Thành phố sẽ được cấp năng lượng sạch và hoạt động với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo.
Tại đây sẽ có các nhà máy khử muối xử lý nước từ Biển Đỏ và Mặt trời sẽ cung cấp năng lượng cho lưới điện tái tạo hoàn toàn. Ngoài ra, công nghệ tạo mưa sẽ làm mát thành phố và tưới cây trồng để cung cấp các sản phẩm tươi ngon.
Tiết lộ về cách thiết kế cho The Line, Thái tử cho biết thành phố không xe hơi, ít đường phố, không phát thải CO2 sẽ trở thành nơi đáng sống nhất hành tinh "cho đến nay".
Bên cạnh những nỗ lực khổng lồ về kỹ thuật cần thiết kế để xây dựng 2 tòa nhà chọc trời ốp kính bên ngoài, cao 55 mét chạy dọc theo chiều dài 170km trên bờ Biển Đỏ, toàn bộ thành phố được cho là sẽ sử dụng 100% năng lượng tái tạo.
The Line sẽ là thành phố thẳng đứng, trong đó các ngôi nhà, trường học và công viên được xếp chồng lên nhau theo một mô hình được gọi là "đô thị không trọng lực". Cư dân sống bên trong sẽ có mọi dịch vụ họ cần và chỉ cần 5 phút đi bộ từ nhà. Theo Thái tử, thành phố sẽ giải quyết "các cuộc khủng hoảng về khả năng sống và môi trường".
Sự thay đổi của Neom
The Line dự kiến sẽ sử dụng năng lượng tái tạo cho người dân sống bên trong.
Ả-rập Xê-út cho biết, dự án Neom sẽ bao gồm "các thị trấn và thành phố có siêu kết nối, các cảng và khu doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu, địa điểm thể thao và giải trí cùng các điểm du lịch".
Lần đầu tiên công trình trên được coi là "câu trả lời của Ả-rập Xê-út" cho Thung lũng Silicon ở Hoa Kỳ - một trung tâm về công nghệ và sự đổi mới trong tương lai. Tuy nhiên, với các kế hoạch cho The Line được công bố cùng với việc phát hành các tài liệu tiếp thị hấp dẫn, Neom đang được coi là có nhiều thứ hơn là một trung tâm công nghệ.
Cùng với The Line, dự án Neom cũng đã vạch ra kế hoạch của mình cho thành phố cảng Oxagon – nơi được tuyên bố là có cấu trúc nổi lớn nhất thế giới với dân số 90.000 người vào năm 2030 và khu nghỉ dưỡng trên núi Trojena.
Các nhà phân tích nhấn mạnh rằng, kế hoạch cho Neom đã thay đổi trong những năm qua. Trong khi đó, các kiến trúc sư và nhà kinh tế đã nêu nghi ngờ về thiết kế và xây dựng thành phố The Line đầy tham vọng như vậy.
Ông Robert Mogielnicki thuộc Viện Các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập ở Washington, Mỹ, cho biết, khái niệm về Neom đã thay đổi rất nhiều kể từ lần đầu xuất hiện nên đôi khi rất khó xác định hướng phát triển của nó.
Theo ông Torbjorn Soltvedt của Công ty tư vấn rủi ro Verisk Maplecroft (Anh), tuy Neom đang có kế hoạch xây dựng nhà máy hydro xanh lớn nhất thế giới và hưởng lợi từ năng lượng Mặt trời, năng lượng gió, tính khả thi của Neom nói chung là chưa rõ ràng do quy mô và chi phí chưa từng có của nó.
Neom là một phần của chiến lược quốc gia rộng lớn hơn, nhằm xây dựng dân số 100 triệu người ở Ả-rập Xê-út vào năm 2040. Thái tử cho biết, số dân này sẽ bao gồm gần 30 triệu người Ả-rập Xê-út và 70 triệu người nước ngoài trở lên, so với dân số hiện tại là 34 triệu người. Ông nhấn mạnh điểm chính của việc xây dựng Neom là nhằm tăng năng lực của Ả-rập Xê-út.
Chi phí khổng lồ
Công bố các thiết kế và kế hoạch cập nhật, Thái tử Mohammed bin Salman Al Saud cho biết, dự án của ông sẽ được khu vực tư nhân tài trợ một phần, với đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng dự kiến diễn ra vào năm 2024.
Dự án được cho là sẽ tiêu tốn khoảng 500 tỷ USD và giai đoạn đầu dự kiến trị giá 319 tỷ USD. Một nửa trong số đó đến từ quỹ tài sản có chủ quyền của Ả-rập Xê-út. Nguồn tài chính vẫn là một thách thức tiềm tàng, mặc dù môi trường hiện tại của giá dầu tăng cao sẽ thuận lợi hơn cho Ả-rập Xê-út so với giai đoạn trước của đại dịch Covid-19.