Vào tháng 7, khi giá xăng ở Mỹ vượt mốc 5 USD /gallon, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến Jeddah gặp Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman, với hy vọng sẽ thuyết phục được OPEC tăng sản lượng dầu thô.
Đây là nỗ lực của ông Biden nhằm kiềm chế giá dầu và lạm phát ở Mỹ, trong bối cảnh đợt bầu cử giữa kỳ đang đến gần.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt chân đến Jeddah hồi tháng 7. Chào đón ông dưới chân máy bay là thị trưởng Mecca và đại sứ Saudi Arabia tại Mỹ. (Ảnh: New York Times)
Nỗ lực bất thành của ông Biden
Chuyến công du này được coi là một bước xuống nước của tổng thống Mỹ, vì kể từ khi vận động tranh cử cho đến khi nhậm chức, ông Biden đã có vài lần chỉ trích quốc gia Vùng Vịnh, đặc biệt là về vụ sát hại nhà báo Jamal Khassogi, theo Financial Times.
Ngày hôm đó ở Jeddah, ông Biden đến sân bay và chỉ được đón tiếp bởi hai quan chức cấp thấp là thị trưởng Mecca và đại sứ Ả-rập Xê-út ở Mỹ.
Đây là điều trái ngược hoàn toàn với khung cảnh vào năm 2017, khi ông Trump chọn Ả-rập Xê-út cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên, và được đón tiếp nồng hậu bởi Vua Salman và Thái tử Mohammed tại sân bay.
Trước chuyến đi của ông Biden, Nhà Trắng nói rằng do lo ngại liên quan đến COVID-19, tổng thống Mỹ sẽ cụng tay những người ông gặp thay vì một cái bắt tay.
Điều này được hiểu rộng rãi là một nỗ lực về mặt PR nhằm tránh xuất hiện cảnh tượng ông Biden bắt tay thái tử Ả-rập Xê-út, người được tình báo Mỹ kết luận đã phê duyệt kế hoạch thủ tiêu nhà báo Khassogi.
Ông Fred Ryan, nhà xuất bản của tờ Washington Post - nơi nhà báo Khassogi từng cộng tác - cho rằng cái cụng tay của ông Biden với Thái tử Mohammed bin Salman là điều "đáng buồn". Bà Hatice Cengiz, hôn phu của nhà báo Khassogi, cũng lên Twitter chỉ trích hành động của tổng thống Mỹ.
Những chỉ trích này có thể đã là cái giá mà ông Biden chấp nhận, nếu như OPEC chịu tăng sản lượng. Thế nhưng, sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ, Ả-rập Xê-út chỉ tăng sản lượng thêm 236.000 thùng dầu mỗi ngày, mức tăng rất nhỏ so với sản lượng hơn 10 triệu thùng mỗi ngày của nước này.
Có nhiều lý do để tin rằng Ả-rập Xê-út và vị Thái tử Mohammed bin Salman đầy quyền lực sẽ ngày càng trở thành vấn đề nan giải cho chương trình nghị sự của Tổng thống Biden.
Thứ nhất là về mặt tài chính, một trong những thách thức của ông Biden là đảm bảo rằng xu hướng đi xuống của giá dầu thế giới trong những tuần gần đây sẽ không đảo chiều. Nếu giá dầu thấp, ông Biden sẽ đạt được cả hai mục tiêu quan trọng.
Giá dầu thấp không chỉ giúp kiềm chế lạm phát ở Mỹ, giúp phe Dân chủ ghi điểm với cử tri trong kỳ bầu cử giữa kỳ, mà nó còn giúp giảm bớt thu nhập từ bán dầu khí của Nga, ngăn Moskva có thêm tiền để trang trải cho cuộc chiến ở Ukraine.
Nga và Saudi Arabia có những lợi ích tương đồng vì đây là hai quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. (Ảnh: Reuters)
Thế nhưng, việc giá dầu giảm trong thời gian qua không phải do OPEC gia tăng sản lượng, mà đơn thuần là vì triển vọng kinh tế không mấy sáng sủa ở Trung Quốc. Mặc dù là đồng minh của Mỹ, lợi ích trên thị trường dầu mỏ của Ả-rập Xê-út lại tương đồng hơn với Nga, vì họ là hai nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Khi Nga bắt đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine hồi đầu năm nay, Kingdom Holding Company, một công ty đa ngành thuộc sở hữu nhà nước của Ả-rập Xê-út đã âm thầm đầu tư 600 triệu USD vào ba công ty năng lượng lớn nhất của Nga.
Và vào mùa hè, khi Mỹ và châu Âu gia tăng các biện pháp trừng phạt và giảm nhập khẩu dầu từ Nga, Ả-rập Xê-út lại tăng gấp đôi lượng nhiên liệu thô mà họ mua từ Nga cho các nhà máy điện của mình, giải phóng lượng dầu thô trong nước cho xuất khẩu.
Những tính toán của Thái tử Ả-rập Xê-út
Có lẽ chính vì vậy nên hồi đầu tháng này, Nga và Ả-rập Xê-út đã thống nhất giảm sản lượng dầu của nhóm "OPEC plus", bớt đi 100.000 thùng dầu mỗi ngày. Đây được coi là nỗ lực để giữ giá dầu ở quanh mốc 100 USD /thùng, giúp cả hai nước có thêm lợi nhuận từ xuất khẩu dầu mỏ.
Rất có thể động lực của Ả-rập Xê-út đằng quyết định này chỉ là vì vấn đề tài chính, nhưng về mặt địa chính trị, điều này đi ngược lại những tham vọng của Washington.
Vấn đề thứ hai đó là thái độ của Thái tử Mohammed bin Salman với những chỉ trích của Tổng thống Joe Biden. Quan điểm của ông Biden tương phản hoàn toàn với người tiền nhiệm Donald Trump. Trong khi ông Biden chia thế giới thành các chế độ chuyên quyền hay dân chủ, ông Trump lại có xu hướng thích những nhà lãnh đạo độc đoán.
Bên cạnh việc hối thúc OPEC tăng sản lượng, chuyến đi tới Jeddah của ông Biden hồi tháng 7 cũng là để trao đổi với Ả-rập Xê-út về những vấn đề mà Washington quan tâm, trong đó có Iran, Israel, cuộc chiến ở Yemen và cả chủ đề nhân quyền.
Thế nhưng, ngay sau chuyến thăm của tổng thống Mỹ, chính quyền Ả-rập Xê-út đã phạt tù hai phụ nữ vì tội đăng những quan điểm bất đồng chính kiến trên mạng xã hội Twitter. Mức phạt đối với hai phụ nữ này - 45 năm tù và 35 năm tù - được cho là quá cực đoan, và được hiểu là thông điệp của Riyadh rằng những giá trị mà ông Biden rao giảng sẽ không được đón nhận ở Ả-rập Xê-út.
Và cuối cùng đó là mối quan hệ của Thái tử Mohammed bin Salman với gia đình Trump. Jared Kushner, con rể của cựu tổng thống, từng tiết lộ rằng mình và thái tử Saudi thường xuyên nhắn tin bằng ứng dụng WhatsApp. Nhưng sự thật cho thấy quan hệ của họ khăng khít hơn nhiều.
Năm ngoái, quỹ đầu tư quốc gia của Ả-rập Xê-út đã rót vốn 2 tỷ USD vào quỹ đầu tư tư nhân của Jared Kushner, mặc dù kinh nghiệm duy nhất của con rể ông Trump chỉ là kinh doanh bất động sản của gia đình.
Một hội đồng xét duyệt của Ả-rập Xê-út đánh giá công ty của Jared Kushner "không đạt yêu cầu về mọi mặt". Nhưng người đưa ra quyết định cuối cùng là Thái tử Mohammed. Hành động này đã cứu sống quỹ đầu tư của con rể ông Trump, vì giờ đây phần lớn số tiền mà quỹ này sở hữu đến từ Ả-rập Xê-út.
Đối với thái tử Saudi, 2 tỷ USD là con số không lớn để đặt cược vào khả năng ông Trump quay lại Nhà Trắng vào năm 2024.
Cái cụng tay gây chú ý giữa Tổng thống Joe Biden và Thái tử Mohammed bin Salman. (Ảnh: Reuters)
Còn đối với Tổng thống Biden, ông khó có thể làm gì nhiều để thay đổi những tính toán của vị thái tử quyền lực. Tham vọng về năng lượng xanh của phương Tây cũng có nghĩa là lợi nhuận từ dầu của Ả-rập Xê-út sẽ bị đe dọa, một sự quan ngại mà Riyadh đang chia sẻ với Moskva.
Hầu hết dự báo đều cho rằng nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch sẽ giảm dần trong thập kỷ tới. Không có gì ngạc nhiên khi Ả-rập Xê-út và các nước xuất khẩu dầu khác muốn tối đa hóa lợi nhuận với mặt hàng này khi họ còn có thể. Họ không thiếu khách hàng, đứng đầu là Trung Quốc.
Khi Chủ tịch Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp nhà nước tới Ả-rập Xê-út vào cuối năm nay, rất có thể nhà lãnh đạo Trung Quốc và Thái tử Mohammed bin Salman sẽ trao cho nhau những cái bắt tay nồng ấm.