Nhà báo Mỹ chia sẻ cuộc sống trong những ngày lạnh hơn cả tận thế: Gói gọn trong hai chữ "đau đớn"

J,D |

Ở nền nhiệt này, trải nghiệm của con người khi ra ngoài chỉ là đau đớn thôi.

Những ngày gần đây, người dân tại khu vực Trung Tây nước Mỹ đang phải chịu ảnh hưởng bởi đợt không khí lạnh kinh khủng nhất trong 30 năm qua. Nhiệt độ tại nhiều nơi xuống đến -40 độ C, và dự báo sẽ chạm ngưỡng -50 độ trong nay mai.

Đa số chúng ta, những người đang sống ở một đất nước nhiệt đới chắc khó lòng tưởng tượng được cuộc sống sẽ ra sao ở nền nhiệt như vậy. Nhưng nếu bạn thắc mắc thì hãy đến với câu chuyện của Christopher Ingraham - phóng viên đến từ The Washington Post, về những trải nghiệm của anh tại nơi lạnh hơn cả Nam Cực trong cùng thời điểm.

Lạnh đến đau đớn

Câu chuyện của Ingraham diễn ra vào ngày 30/1/2019, thời điểm mà anh cũng chẳng biết nhiệt độ trong nhà lạnh đến mức nào. Bởi vì nhiệt kế thủy ngân chỉ -34 độ, còn nhiệt kế điện tử lại báo đến -40 độ lận.

Nhà báo Mỹ chia sẻ cuộc sống trong những ngày lạnh hơn cả tận thế: Gói gọn trong hai chữ đau đớn - Ảnh 1.

Nhưng 34 hay 40 cũng không quan trọng, bởi với Ingraham, trải nghiệm của anh với nền nhiệt này chỉ gói gọn trong 2 chữ: đau đớn.

Được biết, Ingraham chuyển đến vùng ngoại ô Minnesota từ năm 2016, và đã từng trải qua một vài mùa đông với nền nhiệt dưới 0 độ. Ở thời điểm này, anh đã tin rằng đã ở dưới 0 độ C thì mức nào cũng giống nhau thôi - ít nhất là về mặt cảm giác. Âm 10 độ là rất lạnh, âm 20 độ cũng thế, giống nhau cả thôi.

Còn lúc này, hơn ai hết anh biết rằng mình đã sai. Từ 0 xuống đến âm 40 độ là cả một trải nghiệm đầy đau đớn mà không ai muốn gặp cả. Lúc ở âm 20 độ C, mọi chuyện cũng không có gì đáng sợ. Mỗi lần ra ô tô chỉ cần đi nhanh một chút, đợi một lúc để mở cửa, rồi mở sưởi lên là sẵn sàng "ngược gió ngược dông".

Nhà báo Mỹ chia sẻ cuộc sống trong những ngày lạnh hơn cả tận thế: Gói gọn trong hai chữ đau đớn - Ảnh 2.

Trong những ngày lạnh kỷ lục, ra ngoài là rất đau đớn

Ở nền nhiệt âm 30 độ C, mọi chuyện vẫn vậy. Người dân tại Minnesota vẫn đi ra ngoài, đội mũ, đeo găng, thậm chí có người chơi trội hơn với... quần shorts.

Người ngoài nhìn vào sẽ thấy lạ, nhưng sau khi trải qua vài mùa đông rét âm độ thì đó là chuyện rất bình thường. Kinh nghiệm là nếu thời gian ra ngoài còn nhanh hơn thời gian ước tính để mặc áo, đội mũ, thì bạn có thể chạy ù ra ngoài mà mặc gì cũng được.

Tuy nhiên nếu phải tiếp xúc với không khí lạnh thì khác. Ở âm 35 độ C, bạn sẽ không cảm thấy lạnh nữa. Bạn sẽ chỉ thấy đau, cảm giác như bị bỏng - hay còn gọi là bỏng lạnh. Một thời gian sau, cảm giác bỏng nhường chỗ cho cơn đau âm ỉ, nhưng thấu vào tận xương.

Bản thân Ingraham thì chưa đủ liều lĩnh đến mức thử xem sau cơn đau ấy điều gì sẽ xảy ra, nhưng có lẽ hậu quả sẽ là rất lớn và có khả năng không thể khôi phục được nữa.

Gió tuyết - nếu có - sẽ khiến cho trải nghiệm ở nền nhiệt này còn tệ hơn thế. Ở nền nhiệt -28 độ C, gió sẽ chẳng còn cảm giác "mơn trớn" làn da của bạn, mà thay vào đó là cơn đau buốt tận óc. Khi đến -30 độ, cảm giác bỏng rát giống như có ai đó gí chiếc bàn là vào da bạn vậy. Còn ở -40 độ thì chẳng khác gì lửa đốt da.

Nhà báo Mỹ chia sẻ cuộc sống trong những ngày lạnh hơn cả tận thế: Gói gọn trong hai chữ đau đớn - Ảnh 3.

Trải nghiệm kỳ lạ ngay trong chính ngôi nhà của mình

Với người Mỹ trong thời điểm này, nhiệt độ chênh lệch giữa trong và ngoài nhà là khoảng 55 độ C, và điều này tạo nên những hiệu ứng "lạ".

Giữa đêm khuya lạnh giá, bạn sẽ nghe thấy những âm thanh như tiếng sấm rền, do vật liệu làm nên ngôi nhà co lại. Băng giá đóng đầy 2 khung cửa sổ, đóng băng cả cửa đi đến mức không thể mở ra nổi. Và khi mở được, sự chênh lệch về nhiệt độ sẽ tạo ra hiệu ứng hút hơi ẩm ra khỏi ngôi nhà, khiến ngôi nhà như đang bốc khói.

Nhìn chung nhà cửa tại Mỹ có hệ thống điều hòa nhiệt rất tốt, nên các cư dân không phải quá lo về vấn đề đóng băng nước trong các đường ống quanh nhà. Nhưng ở ngoài đường, mọi đường ống đều đông cứng, không cách nào chống chịu nền nhiệt khủng khiếp này.

Bởi vậy mà trong giai đoạn này, người Mỹ buộc phải để ống nước chạy cả ngày, tránh để đường ống đóng băng. Đây là điều được chính phủ khuyến khích, và chi phí số nước đội lên sẽ được chính phủ tài trợ.

Tham khảo: Science Alert

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại