Nhà báo Đức: Ông Trump chớ chủ quan, phía sau Triều Tiên vẫn sừng sững bóng dáng Bắc Kinh

Hồng Anh |

Nhà báo Đức Frank Sieren cho biết, dù Trung Quốc trông có vẻ như bị "ra rìa" tại bán đảo Triều Tiên, nhưng nước này vẫn có ảnh hưởng rất lớn đối với cả 2 nước Hàn-Triều.

Đối với những người Triều TiênHàn Quốc, sự kiện lịch sử tuần trước trên bán đảo Triều Tiên cũng hệt như bừng tỉnh sau cơn ác mộng.

Ngày 27/4, không khí mùa xuân đã lan tỏa từ Khu vực An ninh Chung được canh gác nghiêm ngặt tại Bàn Môn Điếm trên khắp bán đảo, lần đầu tiên mở ra cánh cửa hy vọng và cơ hội hòa bình nơi đây.

Trong ngày lịch sử ấy, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un - người được cho là khó đoán, khó lường - lại có vẻ rất đỗi bình thường với những cử chỉ lịch thiệp, nụ cười tươi, và thậm chí còn bông đùa với người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in về những điều bình dị như món mỳ lạnh hay vấn đề lớn hơn như chuyện thử nghiệm vũ khí hạt nhân.

Tại Hàn Quốc, người dân theo dõi sự kiện Thượng đỉnh liên Triều sát sao và hứng khởi hệt như cách người ta xem các trận bóng đá kịch tính. Họ vẫn giữ nỗi lo sợ bị tấn công hạt nhân như thời Chiến tranh Lạnh ở châu Âu.

Tuy nhiên, dường như sau ngày thượng đỉnh, những người dân trên bán đảo Triều Tiên giờ đây đã có thể thở phào nhẹ nhõm hơn một chút. Lãnh đạo hai nước, đặc biệt là ông Kim Jong-un đã tuyên bố "một kỷ nguyên hòa bình mới bắt đầu". Liền sau đó, ông Kim tiếp tục tuyên bố sẽ đóng cửa khu vực thử nghiệm hạt nhân trong thời gian tới.

Tại hội nghị, hai ông Kim-Moon đã đặt ra mục tiêu sẽ kí hiệp ước hòa bình để chấm dứt tình trạng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, và xác lập hòa bình vĩnh viễn tại đây.

Tuy nhiên, sắp tới ông Kim sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump, và trước thềm sự kiện, nhiều người đã đặt ra những câu hỏi và hoài nghi về số phận của bán đảo Triều Tiên, cùng với đó là thắc mắc về những động thái tiếp theo của hai cường quốc có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực, đó là Mỹ và Trung Quốc.

Ông Trump có phải là nhà môi giới quyền lực tại bán đảo Triều Tiên không?

Tổng thống Trump, người khiến căng thẳng và xung đột giữa hai miền bán đảo Triều Tiên leo thang trong những tháng gần đây với các lệnh trừng phạt hà khắc và những cuộc khẩu chiến 'tóe lửa' với lãnh đạo Triều Tiên, đột nhiên lại tự cho mình là một nhà hòa giải, nhà môi giới quyền lực tại bán đảo Triều Tiên.

Ngay khi cuộc thượng đỉnh thành công tốt đẹp, ông Trump đã đăng dòng trạng thái trên Twitter cá nhân kêu gọi người dân Mỹ nên cảm thấy "vô cùng tự hào trước những điều dang diễn ra tại Hàn Quốc".

Vị Tổng thống Mỹ cũng không quên nhắc đến công lao của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người được ông gọi là "bạn tốt", vì đã 'giúp' Mỹ đưa Triều Tiên tới bàn đàm phán.

Như vậy, ông Trump đã phân vai các bên tham gia rất rõ ràng: Chính ông này là người thực hiện, còn ông Tập là người giúp đỡ, nên chắc chắn ông Tập chỉ là vai phụ tại bàn đàm phán. Washington cũng dự định dàn xếp như vậy khi hai ông Kim - Trump gặp nhau cuối tháng 5 hay đầu tháng 6 tới.

Nếu nhìn từ bên ngoài, Bắc Kinh dường như đã bị cho "ra rìa" trong những tiến triển rất nhanh chóng và (có vẻ) tích cực trên bán đảo Triều Tiên. Trong Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm cũng chỉ nhắc đến "đối thoại ba bên với Trung Quốc hoặc đối thoại bốn bên có cả Trung Quốc".

Tiếp đó, trong tuyên bố mời các chuyên gia nước ngoài đến thanh sát các cơ sở thử nghiệm hạt nhân Triều Tiên của ông Kim Jong-un cũng không nhắc đến Trung Quốc. Có vẻ như đất nước từng mất hơn 15 vạn chí nguyện quân trong cuộc chiến tranh ủy nhiệm với Mỹ trên bán đảo Triều Tiên 65 năm trước đã bị ông Kim đẩy xuống vị trí ưu tiên số hai.

Trung Quốc vẫn là đối tác quan trọng của Triều Tiên, và cả Hàn Quốc

Tuy nhiên, không ai chắc chắn rằng Trung Quốc có thực sự bị cho "ra rìa" hay không. Ngày 2/5 vừa qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã thực hiện chuyến thăm Bình Nhưỡng nhằm tái khẳng định mối quan hệ của nước này và Triều Tiên.

Hơn nữa, hầu hết những thông tin về kế hoạch của Triều Tiên đều do Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hoặc các quan chức Hàn Quốc thông báo thay cho Triều Tiên. Do đó, sau khi "cởi mở" bất ngờ với Hàn Quốc, ông Kim sẽ tăng cường quan hệ với ông Tập.

Nhà báo Đức: Ông Trump chớ chủ quan, phía sau Triều Tiên vẫn sừng sững bóng dáng Bắc Kinh - Ảnh 2.

Ảnh: KCNA.

Chuyến thăm "không chính thức" đến Bắc Kinh của ông Kim là một minh chứng cho giả thuyết này. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Kim kể từ khi ông nắm quyền lãnh đạo đất nước. Nhiều ý kiến cho rằng hai ông Tập - Kim đã trao đổi về hai cuộc thượng đỉnh liên Triều và Mỹ-Triều trong cuộc gặp này.

Ông Kim vẫn cần Trung Quốc, bởi Bắc Kinh là đối tác kinh tế và chính trị quan trọng của Bình Nhưỡng. Trong bối cảnh hiện nay, Hàn Quốc cũng cần Trung Quốc hơn Mỹ. Bắc Kinh cũng là đối tác quan trọng nhất của Seoul, và sự bảo vệ quân sự của Mỹ hiện nay đối với Hàn Quốc sẽ không còn quan trọng nếu Triều Tiên không còn là mối đe dọa lớn như trước.

Bộ Quốc phòng Mỹ đã hiểu rõ điều này ngay từ đầu, nhưng có vẻ ông Trump thì chưa. Việc Mỹ hiện diện quân sự tại Hàn Quốc còn là vấn đề kinh phí. Hiện nay Seoul đang chi trả một nửa chi phí duy trì quân đội Mỹ, nhưng Mỹ đang đòi Hàn Quốc chi trả nhiều hơn.

Lợi ích kinh tế của Bắc Kinh tại Triều Tiên

Trung Quốc cũng rất quan tâm đến các nguồn tài nguyên của Triều Tiên, bao gồm than, vàng, bạc và các loại kim loại hiếm chưa được khai thác. Chắc chắn họ sẽ không muốn để lọt những "kho báu" này vào tay kẻ khác.

Đây cũng là một trong những lí do Ngoại trưởng Vương Nghị tới thăm Triều Tiên. Rất có thể ông Vương đã đưa ra những lời khuyên về chính sách đối ngoại cho ông Kim, và đảm bảo tiến trình sẽ diễn ra suôn sẻ dù ông Trump có khó đoán định đến mấy. Nhiều nguồn tin còn cho biết ông Tập dự định sẽ đến thăm Bình Nhưỡng trong tháng 6 tới, theo lời mời của chính ông Kim.

Ông Kim chắc chắn sẽ hành động khôn khéo và không đưa ra những quyết định hấp tấp. Tuy nhiên cuộc chiến ngoại giao giữa hai nước Mỹ-Trung tại Triều Tiên nhất định sẽ còn kéo dài.

* Bài viết thể hiện góc nhìn của ông Frank Sieren, một nhà báo người Đức đã sinh sống và làm việc tại Bắc Kinh hơn 20 năm.

Lãnh đạo hai nước Hàn-Triều đưa ra tuyên bố chung sau phiên họp chiều ngày 27/4

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại