Hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Triều Tiên dự kiến tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới. Trong khi nhiều người coi cuộc gặp này là một “quãng nghỉ được chào đón” sau những căng thẳng leo thang, thì nhiều người lại đang đánh cược rằng liệu nó có mang lại bất cứ tiến triển nào về việc hạn chế năng lực hạt nhân của Triều Tiên hay không.
Yếu tố chân thành?
Có thể thấy sự “chân thành” muốn đàm phán của ông Kim Jong-un qua việc ông “gửi lời mời đàm phán” tới Tổng thống Mỹ Donald Trump thông qua các đặc phái viên của Hàn Quốc.
Các nhà phân tích cho rằng, Triều Tiên đã đạt được tiến bộ đáng kể về vũ khí hạt nhân, làm chủ công nghệ tên lửa liên lục địa. Vì thế ông Kim Jong-un muốn tìm kiếm một mục tiêu khác. Bên cạnh đó, ông cũng muốn các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên được dỡ bỏ để Bình Nhưỡng đảm bảo được mục tiêu phát triển kinh tế.
Một lý do khác là ông Kim Jong-un đang tìm cách để Triều Tiên được công nhận là cường quốc hạt nhân. Cuộc gặp với Tổng thống Mỹ là cơ hội để ông làm điều đó.
Vậy nếu tính tới những nhượng bộ mà ông Kim Jong-un đã đưa ra, liệu Washington có thể cho Bình Nhưỡng một sự đảm bảo nào đó? Theo ông Thống Chiêu (Tong Zhao), nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm chính sách toàn cầu ở Bắc Kinh, điều này sẽ phụ thuộc vào việc hai bên “thử thách lẫn nhau”.
Ví dụ, điều mà Mỹ tìm kiếm hàng chục năm qua là sự thay đổi chế độ ở Triều Tiên, còn điều mà ông Kim Jong-un muốn là đảm bảo Mỹ sẽ từ bỏ ý tưởng thay đổi chế độ ở Triều Tiên. Khi đó câu hỏi sẽ đặt ra là hai bên sẽ vượt qua những thử thách này như thế nào.
Điểm chung có làm nên sự hòa hợp?
Theo các nhà quan sát, có một điểm chung rất thú vị giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đó chính là sự kỳ quặc và khó đoán.
Cả ông Donald Trump và ông Kim Jong-un đều bị cộng đồng quốc tế “ghét” và họ muốn thể hiện rằng, sự kỳ quặc đó khiến họ có thể làm điều gì đó mà không ai làm được trước đây.
Đó cũng là lý do ông Trump tỏ ra hào hứng với cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Ông muốn cho người Mỹ thấy rằng, ông có thể làm được điều mà chưa người tiền nhiệm nào có thể làm.
Tuy nhiên, chính sự kỳ quặc đó lại khiến người ta khó có thể đoán định được liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể đi đến một thỏa thuận “chiều lòng người” hay không.
Nếu thất bại?
Cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều dự kiến sẽ khá phức tạp bởi thực tế rằng, Washington và Bình Nhưỡng có những cách hiểu khác nhau về thế nào là phi hạt nhân hóa.
Các nhà chiến lược cảnh báo, nếu cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không mang lại bất cứ thỏa thuận nào về chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, thì nó có thể sẽ khiến Mỹ càng mong muốn hành động quân sự.
“Nếu cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều không đi đến thỏa thuận nào, nguy cơ chiến tranh sẽ gia tăng và vượt quá những mức độ đã từng có trước đây, vì đó sẽ lại là một thất bại ngoại giao khác”, ông Alison Evans, phó phụ trách Bộ phận rủi ro các quốc gia châu Á Thái Bình Dương tại HIS Markit nhận định.
Trong một bài viết trên Nikkei Asian Review, ông Bruce Jones, Phó chủ tịch đồng thời là Giám đốc Chương trình chính sách ngoại giao tại viện Brookings cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh được xem là phép thử cho ngoại giao, vì thế “khi thất bại, nó sẽ không chỉ là tiến trình hòa bình cụ thể thất bại, mà còn là chiến lược ngoại giao thất bại”. Một khi hai bên đều cho rằng, sự ổn định chính trị là điều không thể đạt được, “thì rất logic, giải pháp quân sự sẽ gia tăng một cách rõ nét”.
Cố vấn An ninh Quốc gia mới của Mỹ, John Bolton, là người có quan điểm cực kỳ cứng rắn. Ông là người đã từng kêu gọi các cuộc tấn công phủ đầu đối với Triều Tiên. Nếu Thượng đỉnh Mỹ-Triều thất bại, nguy cơ xung đột quân sự sẽ còn cao hơn dưới con mắt của ông Bolton.
Trong một phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đầu tháng này, ông Victor Cha, một giáo sư Đại học Georgetown và cố vấn cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược nói rằng “Nếu thượng đỉnh thất bại, nó có thể thực sự mang chúng ta tới gần chiến tranh hơn, vì khi đó chúng ta sẽ cảm thấy mệt mỏi với tất cả những lựa chọn ngoại giao”.
Theo ông, dù đang rất mong muốn về giải pháp ngoại giao với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, nhưng “Mỹ lại đang nói nhiều hơn về các vụ tấn công quân sự hơn bao giờ hết”. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump “đang sử dụng hầu hết thời gian để nghiên cứu lựa chọn gây áp lực và lựa chọn quân sự” hơn là xem xét cái giá họ sẵn sàng trả là gì để ông Kim Jong-un từ bỏ vũ khí hạt nhân”./.