Nhà 4 miệng ăn, chồng dè sẻn đưa 4 triệu, nạt nộ kêu vợ ở nhà nội trợ mà tiêu xài phung phí: Người phụ nữ nhất định phải ra ngoài đi làm mới mong có tiếng nói!

Thu Ngân |

"Tại sao chồng thăng tiến tới tấp, con cái lớn lên từng ngày, chỉ có tôi vẫn ở nguyên một chỗ?" Điều phụ nữ sợ nhất không phải nghèo khó hay sự hy sinh, mà là không tìm được giá trị bản thân trong những năm tháng dành toàn thời gian cho gia đình.

Quả thật, có nhiều gia đình không túng thiếu gì. Một mình chồng ra ngoài, cộng thêm trợ giúp từ gia đình là đã quá thừa thãi về vật chất, nhưng nhiều phụ nữ sau một thời gian nghỉ làm việc, ở nhà làm nội trợ thì không chịu nổi, nhất quyết phải xin được một công việc để làm. Lí do đơn giản là họ cảm thấy mình không còn tiếng nói, trở thành một người không mục đích và lí tưởng nữa.

Nhà 4 miệng ăn, chồng dè sẻn đưa 4 triệu, nạt nộ kêu vợ ở nhà nội trợ mà tiêu xài phung phí: Người phụ nữ nhất định phải ra ngoài đi làm mới mong có tiếng nói! - Ảnh 1.

(1)

“Càng ngày em càng không thể chịu được tính ki bo, keo kiệt của chồng. Chỉ nghĩ tới thôi, em đã thấy rùng mình không hiểu sao ngày trước bản thân lại có thể yêu và lấy lão ấy.

Hồi yêu em cũng biết lão không thuộc mẫu đàn ông ga lăng mà sống rất thực tế. Yêu nhau 2 năm nhưng những ngày kỉ niệm như sinh nhật, hoặc valentine anh không bao giờ mua hoa tặng quà gì cho bạn gái, chỉ tới đưa đi ăn.

“Hoa những ngày này đắt lắm, cắm đôi ba ngày lại vứt thì mua làm gì cho phí tiền. Anh chẳng việc gì phải vung tiền kiểu ấy. Tốt nhất cứ đưa em đi ăn, chẳng vứt đâu đồng nào”.

Anh cũng chỉ thanh toán tiền những ngày lễ ấy thôi, còn những ngày bình thường khác thì nói thẳng cưa đôi hóa đơn với lý do:

“Anh trước giờ thích sòng phẳng, tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát như thế mới dễ sống”.

Đợt mới yêu em cũng choáng với cách hành xử của chồng. Thực tình bản thân em từng trải qua vài ba mối tình rồi. Những bạn trai trước không bao giờ chia tình phí kiểu ấy. Có điều lão này lại là người em có tình cảm sâu đậm nhất nên cứ tự dối lòng, an ủi mình rằng, đàn ông sống thực tế như thế cũng tốt. Sau này cưới nhau về không vung tiền sĩ diện hão, vợ con sẽ được nhờ.

Nhà 4 miệng ăn, chồng dè sẻn đưa 4 triệu, nạt nộ kêu vợ ở nhà nội trợ mà tiêu xài phung phí: Người phụ nữ nhất định phải ra ngoài đi làm mới mong có tiếng nói! - Ảnh 2.

Thật không ngờ sai lầm của em bắt nguồn từ đó. Cưới nhau rồi em mới thấm cái mà gọi là sống thực tế của anh chính là keo kiệt tới bủn xỉn. Em sinh bé đầu lòng xong, chồng bắt nghỉ việc ở nhà chăm con. Anh ấy nói cần vợ vun vén việc cửa nhà nhưng đó chỉ là cái cớ, còn lý do chủ yếu là chồng em rất ghen. Anh không muốn vợ ra ngoài tiếp xúc với người khác giới.

Biết tính chồng và cũng thương con, em chấp nhận nghỉ việc. Lão ấy muốn vợ ở nhà song lại tiếc tiền, mỗi tháng chỉ đưa cho vợ có đúng 4 triệu để chi tiêu sinh hoạt cho gia đình 4 người là vợ chồng, con bé và mẹ đẻ anh. Trong đó nguyên sữa bỉm của con 1 tháng đã hết 1 triệu. Nói thì anh bảo:

“Ăn tiêu đủ hay không phụ thuộc vào sự khéo léo của người phụ nữ trong gia đình”.

Nói nhiều vợ chồng thêm to tiếng cãi vã nên em cũng đành nhẫn nhịn. Nhiều khi thiếu lại đành xoay chỗ này, mượn chỗ kia đập vào, có lúc bí quá chạy về xin bố mẹ đẻ. Đấy là chưa kể nhiều lúc ông bà ngoại thương con gái cũng chu cấp viện trợ thêm cho bao nhiêu thức ăn, gạo cũng một tháng chuyển sang cả yến. Chồng em không biết đấy là đâu, có hôm ngồi vào mâm cơm thấy mọi thứ chỉn chu đầy đủ lại vênh mặt tự đắc:

“Đấy, em cứ ngoạc miệng kêu chồng đưa ngần ấy tiền bị thiếu. Anh thấy có thiếu đâu, cuộc sống vẫn đâu vào đấy cả”.

Em bực đưa cho anh xem sổ ghi chép chi tiêu hàng ngày cũng như phần ông bà ngoại cho thêm. Không có bố mẹ giúp, 4 triệu 1 tháng không thể đủ thì lão ấy cãi cùn:

“Tôi không biết ai cho, cứ biết một tháng đưa ngần ấy tiền thì liệu tiêu cho đủ. Nếu tiêu âm thì cô phải xin thêm bố mẹ cô cũng là lẽ thường. Họ không biết dạy con cách xoay xở thì phải chịu trách nhiệm là đúng”.

Nhà 4 miệng ăn, chồng dè sẻn đưa 4 triệu, nạt nộ kêu vợ ở nhà nội trợ mà tiêu xài phung phí: Người phụ nữ nhất định phải ra ngoài đi làm mới mong có tiếng nói! - Ảnh 3.

Đợt này lão còn đòi vợ đẻ thêm đứa nữa. Em bực bảo:

“Một tháng đưa vợ có 4 triệu, anh còn kêu tôi tiêu hoang. Giờ đẻ đứa nữa lấy gì mà sống?”.

Lão tự đắc trả lời rằng:

“Nếu em đẻ thêm, mỗi tháng anh sẽ đưa thêm 2 triệu nữa, thế là xông xênh thoải mái chứ gì”.

Ôi, nghe tới đây em nản hẳn nên đáp lời:

“Khỏi, anh giữ 2 triệu đó mà ăn cho sướng thân anh. Sang năm con lớn tôi gửi đi trẻ để quay lại đi làm chứ không thể ngồi đợi tiền anh nhỏ giọt”.

Lão tức vợ lắm nhưng em tuyên bố rõ ràng và sẽ làm như thế nếu lão không sửa cái kiểu ki bo ấy.”

(2)

Có một câu chuyện của cô Phan chia sẻ ở Chiết Giang, Trung Quốc: sau 8 năm chung sống và 2 năm ở nhà làm nội trợ, khoảng cách của cô và chồng ngày càng lớn.

Khi kết hôn, cô có bằng thạc sỹ và chồng là cử nhân, cả hai đều có thu nhập năm 200.000 tệ (760 triệu đồng). Sinh đứa con đầu, sau nghỉ thai sản, lương cô vẫn vậy, trong khi chồng đã tăng gấp đôi. Sinh đứa con thứ hai, cả hai đều nghỉ việc, chỉ khác Phan phải ở nhà làm nội trợ toàn thời gian, còn chồng có công việc tốt hơn.

Người ta thì khen, cô Phan giỏi chọn chồng. Nhưng thẳm sâu trong người phụ nữ này cảm thấy cuộc sống mình đang sống quá vô nghĩa.

Cuối cùng, mặc dù công việc nội trợ đã đủ nặng nhọc, nhưng Phan vẫn cố gắng kiếm chác thông qua một công việc làm thêm để rồi cô đưa ra lời khuyên cho giới đàn bà: "Để không thấy bản thân mất giá trị, tôi đã tìm công việc mới dù đó chỉ là việc nhỏ, lương không cao. Nhưng tôi mong truyền cảm hứng cho phụ nữ cùng hoàn cảnh. Một khi có thu nhập riêng, bạn sẽ ngay lập tức kiểm soát được cuộc sống của mình".

Sau khi xem video, nhiều người nhận mình giống Phan. "Điều phụ nữ sợ nhất không phải nghèo khó hay sự hy sinh, mà là không tìm được giá trị bản thân trong những năm tháng dành toàn thời gian cho gia đình. Bởi tất cả những ước mơ nghề nghiệp trước đó, đều phải dừng bước khi có con", một người để lại bình luận.

Nhà 4 miệng ăn, chồng dè sẻn đưa 4 triệu, nạt nộ kêu vợ ở nhà nội trợ mà tiêu xài phung phí: Người phụ nữ nhất định phải ra ngoài đi làm mới mong có tiếng nói! - Ảnh 4.

Đối với cánh đàn ông, tại sao họ lại cứ thắc mắc đàn bà con gái đẻ xong một đứa sao lại bị trầm cảm, hay cáu gắt, buồn phiền như vậy, còn đâu tính cách thời xuân xanh. Điều làm nên sự tồi tệ chính là việc người phụ nữ phải đối mặt với những sự coi thường của xã hội, của gia đình, của người chồng và thậm chí là chính bản thân mù quáng mà tự hạ thấp bản thân mình. Ai cũng nghĩ người phụ nữ ở nhà nội trợ là thảnh thang, không cần suy nghĩ. "Chồng thăng tiến tới tấp, con cái lớn lên từng ngày, chỉ có tôi vẫn ở nguyên một chỗ". Sự thật là trong thời đại ngày nay, nếu ngừng học hỏi, ngừng công việc vài năm thôi, đã có thể tụt hậu tới mức không ngờ tới.

Rồi cứ như vậy, đàn bà dần bị cho ra rìa trong những cuộc hội thoại, vì người ta nghĩ bạn không hiểu được đâu. Đàn bà bị căn bếp, quanh quẩn việc dọn nhà, chợ búa, con cái... mài mòn đi sự nhạy bén và tầm nhìn trong cuộc sống. Và một khi một con người không còn thiết tha với mục tiêu sống nữa thì quanh quẩn trong họ chỉ có mấy câu "Tôi là ai, tôi có thể làm gì, giá trị của tôi ở đâu..." và kết cục của những lần nghĩ quẩn này thì thật đáng sợ.

Có một câu hỏi trên mạng xã hội hỏi đáp lớn nhất Trung Quốc, Zhihu: Tại sao số đông người bán hàng online ở nước này đều là nội trợ toàn thời gian?

"Nhiều người làm việc này không phải vì kinh tế mà họ tìm kiếm chút tự tin khi đối diện với chồng và thế giới bên ngoài. Họ kiếm tiền để tự chủ cuộc đời mình, để sống không phải nhìn sắc mặt người khác", câu trả lời nhận được nhiều sự tán đồng nhất.

Tất nhiên, mỗi giai đoạn của cuộc đời đều có những ưu tiên riêng, những niềm vui và những sự đánh đổi riêng. Tuy nhiên, đằng sau ý thức hy sinh đó, quan trọng là người mẹ không được từ bỏ chính mình, sẵn sàng quay lại làm việc bất cứ lúc nào. Chồng bạn rồi thì công việc cũng sẽ ổn, con bạn rồi cũng sẽ lớn, nhưng rồi sau khi miệt mài vùi mặt cống hiến cho gia đình mà không màng đến những sở thích bản thân của mình nữa. Vậy thì bạn sẽ còn gì? Chắc chắn dù sớm hay muộn, đàn bà cũng phải ngộ ra: Hi sinh bản thân để quanh quẩn trong xó bếp, để vì người khác và không còn tự do tài chính là sai lầm lớn nhất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại