Nguyên Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn nói về những vụ hành hung nhà báo

Hoàng Đan |

Nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn đã có những trao đổi xung quanh việc nhiều nhà báo, phóng viên bị hành hung, cản trở trong thời gian gần đây.

Bất an cho người dân

Vụ việc phóng viên báo Tuổi trẻ bị một số công an huyện Đông Anh (Hà Nội) hành hung khi tác nghiệp trên cầu Nhật Tân và một số vụ việc nhà báo, phóng viên bị hành hung, cản trở trong thời gian qua đang gây ra sự phẫn nộ trong dư luận xã hội.

Trao đổi với chúng tôi, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn cũng đã không giấu được sự bức xúc của mình trước các vụ việc này.

PV: Thưa ông, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra vụ việc nhà báo, phóng viên của các cơ quan báo chí trong quá trình tác nghiệp bị cản trở, hành hung, đe dọa đến tài sản, tính mạng và mới ngày hôm qua, là vụ việc của phóng viên báo Tuổi trẻ bị hành hung. Ông có đánh giá như thế nào về các sự việc này?

Ông Đỗ Quý Doãn: Có thể nói, không phải nhà báo mà công dân bình thường hoạt động trong xã hội gặp phải các sự việc, hành vi xảy ra vi phạm, coi thường pháp luật thì đều không thể chấp nhận được.

Thời gian gần đây trong hoạt động báo chí, tác nghiệp của nhà báo, phóng viên có những vấn đề, vụ việc xảy ra, đặc biệt là các hành vi cản trở, đe dọa, uy hiếp, thậm chí hành hung nhà báo, phóng viên trong khi họ đến để khai thác tài liệu, hình ảnh, thông tin phục vụ cho bài viết.

Theo tôi, dù có bất cứ biện luận, lý giải gì đi nữa mà cản trở, hành hung, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật đó là hành vi đáng phải lên án, cần phải xử lý nghiêm theo pháp luật. 

Và việc này còn gây ra sự bất an cho người dân, gây bức xúc cho dư luận xã hôi.

Về vấn đề này, tôi có một số suy nghĩ, đó là về các đối tượng hành hung, đe dọa nhà báo, phóng viên thì thường có thái độ, biểu hiện, hành vi coi thường pháp luật và cho mình quyền được ứng xử theo kiểu "xã hội đen", "luật rừng", điều đó là không thể chấp nhận.

Mặt khác, chúng ta cũng phải nhìn nhận việc tiếp cận thông tin của nhà báo nhiều chỗ, nhiều lúc vô cùng khó khăn, nhất là khi tìm hiểu các thông tin tiêu cực, không ít cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị, địa phương thường né tránh, đùn đẩy, không chịu cung cấp. 

Cho nên sau những vụ việc như vừa qua, một phần đánh giá, xử lý nghiêm những hành vi của các đối tượng vi phạm pháp luật nhưng cũng là dịp để các nhà báo, phóng viên xem, hình thành cho mình một phương thức tác nghiệp an toàn, chuyên nghiệp, hiệu quả về mặt thông tin tốt hơn.

PV: Ông có nhắc đến phương thức tác nghiệp an toàn, vậy nhà báo, phóng viên nên làm gì, ứng xử như thế nào để đảm bảo an toàn cho mình khi đến tác nghiệp ở những điểm nóng?

Ông Đỗ Quý Doãn: Đây là vấn đề rất khó, trước hết, ta phải đặt vấn đề trong môi trường mọi người cùng tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật và với môi trường như vậy thì việc tác nghiệp sẽ thuận lợi hơn nhiều. 

Nhưng rõ ràng, ở đây, đặt ra trong bối cảnh, đối tượng đã cố tình vi phạm, chà đạp, đặt mình ra ngoài pháp luật thì tôi nghĩ không phải nhà báo, phóng viên mà mọi người đều phải chấp nhận những điều hết sức tệ hại.

Bởi vì, đối tượng mình đang gặp phải nhiều khi không có nhận thức đầy đủ về pháp luật, xã hội mà như chúng ta vẫn nói là lưu manh... Do đó, nhà báo, phóng viên khi đi điều tra ở những nơi nguy hiểm cần có kỹ năng bảo vệ phương tiện, tài liệu, an toàn tính mạng cho mình.

Đây là những điều rất cần thiết và không thể nói trong một hai ngày mà nó phải được tích lũy, hướng dẫn, đào tạo, bồi dưỡng từ cơ quan báo chí, trao đổi kinh nghiệm trong anh em...

Thêm vào đó, khi mình nhận được các thông tin về những vụ việc, nơi xác định là tiềm ẩn nguy hiểm thì bản thân nhà báo không nên vào đó một mình mà nên có tổ, nhóm, tính toán các phương án đầy đủ, cụ thể.

Còn khi đã gặp phải các vụ việc bị đe dọa, cản trở, hành hung thì pháp luật của chúng ta đã có những quy định cụ thể, nghiêm cấm các hành vi đó, bảo hộ hoạt động đúng đắn của báo chí. 

Luật Báo chí năm 1999 và Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 chuẩn bị có hiệu lực vào đầu năm 2017 cũng đã có quy định rõ là nghiêm cấm các hành vi đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật. 

Vì thế, chúng ta cần bám vào các quy định đó.

Nhà báo, phóng viên gặp phải các trường hợp đó cần có văn bản tường trình, báo cáo cho cơ quan báo chí. Cơ quan báo chí cũng cần báo cáo ngay cho cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, Hội Nhà báo để có cơ sở kiến nghị, yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý.

Tại Nghị định 159 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính đã có quy định rõ những hành vi cản trở, ngăn cản báo chí sẽ bị xử phạt hành chính, chưa kể, nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự thì có thể sẽ bị xử theo Bộ luật Hình sự.

Nhưng thực tế hiện nay thì rất ít trường hợp nhà báo, cơ quan báo chí có những văn bản kiến nghị, yêu cầu theo trình tự thủ tục quy định nên việc xử phạt hành chính đối với những đối tượng cản trở hoạt động của báo chí hay xử lý ở mức cao hơn chưa được thực hiện.

Tôi cho rằng, khi chúng ta có những thông tin rõ ràng đến các cơ quan chức năng để từ đó xử lý nghiêm một số vụ thì sẽ làm gương cho các về sau, hạn chế những vụ việc có thể xảy ra.

Cần xử lý nghiêm

PV: Qua vụ việc phóng viên báo Tuổi trẻ bị cán bộ của công an huyện Đông Anh hành hung, nhiều người còn nói "đến nhà báo còn bị công an hành hung thì người dân sẽ như thế nào?", ông bình luận thế nào về điều này?

Ông Đỗ Quý Doãn: Tôi nghĩ trong xã hội, cơ quan nào cũng có mục tiêu, mục đích trong công việc, nghề nghiệp và có những điều cao quý. Tuy nhiên, trong cơ quan, đơn vị cũng có một số bộ phận, cá nhân thoái hóa về phẩm chất, tư tưởng. 

Có những người tự cho mình quyền cao hơn cả quy định của pháp luật. Điều này khiến cho người dân bất an, lòng tin suy giảm, đánh mất và các cơ quan, đơn vị có những bộ phận, cá nhân như vậy thì họ cũng coi đó là một nỗi đau.

Vì thế, khi chúng ta phát hiện những trường hợp thế thì phải xử lý nghiêm minh, công khai, rõ ràng để làm cho môi trường đó trong sạch hơn, để những "con sâu" đó không làm ảnh hưởng chung đến bộ phận khác.

PV: Ông từng giữ cương vị là Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phụ trách quản lý báo chí, với những kinh nghiệm của bản thân, theo ông chúng ta cần có những biện pháp gì để hạn chế tình trạng cản trở, hành hung nhà báo, phóng viên?

Ông Đỗ Quý Doãn: Lâu nay chúng ta đã có nhiều kiến nghị phải coi tác nghiệp của báo chí là người thi hành công vụ và người cản trở hoạt động của báo chí là cản trở người thi hành công vụ nhưng đến nay chưa có các quy định cụ thể.

Còn tôi nghĩ, điều quan trọng nhất lúc này là phải thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật hiện hành. 

Nhân việc Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 chuẩn bị có hiệu lực thì chúng ta cần tổ chức một đợt học tập, nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục sâu sắc đến mọi người, tổ chức, cơ quan và các cơ quan báo chí để hiểu, nắm rõ.

Còn hiện nay, chúng ta đã có các văn bản luật, dưới luật rất rõ ràng nên khi có những hành vi của các tổ chức, cá nhân vi phạm, cản trở hoạt động đúng pháp luật của báo chí thì cần bám vào các văn bản pháp luật để có những kiến nghị, đề nghị xử lý nghiêm túc, bảo vệ các nhà báo, phóng viên.

Và các cơ quan chức năng khi tiếp nhận thông tin cũng cần xử lý nghiêm túc, công khai những hành vi cản trở, hành hung nhà báo, phóng viên. Khi mọi người, cơ quan cùng thực hiện nghiêm túc thì chắc chắn sẽ giúp giảm các vụ việc rất đau lòng này.

Về vụ việc phóng viên báo Tuổi trẻ bị công an huyện Đông Anh hành hung trên cầu Nhật Tân, theo ông Đỗ Quý Doãn:

- Ban biên tập báo Tuổi trẻ cần có văn bản báo cáo cụ thể cho các cơ quan có trách nhiệm và kiến nghị xem xét, kết luận và xử lý.

- Thành đoàn TP Hồ Chí Minh là cơ quan chủ quản, Bộ Thông tin và Truyền thông Hội Nhà báo Việt Nam cần có văn bản gửi UBND TP Hà Nội, Bộ Công an, Công an Hà Nội... đề nghị chỉ đạo xem xét, kết luận, giải quyết vụ việc này...

Kết quả giải quyết cần thông tin công khai để mọi người biết. Điều đó sẽ tạo lòng tin cho người dân và không làm xấu đi hình ảnh của người thực thi pháp luật.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại