Bản đồ quy hoạch 1/5.000 chỉ có giá trị lịch sử?
Tại cuộc họp báo ngày 2/5, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM cho biết, Bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM) tỷ lệ 1/5.000 kèm theo Quyết định số 367/1996 của Thủ tướng là văn bản pháp lý về quy hoạch dự án này đến nay tìm chưa thấy.
Trao đổi với PV, TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho hay, ông về hưu năm 1995, đầu 1996 và tham gia Tổng Hội xây dựng Việt Nam nhưng cũng chưa từng nghe, biết về bản đồ quy hoạch chung 1/5.000 của khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh).
Tuy nhiên, qua một số thông tin, ông biết được, bản đồ tỷ lệ 1/5.000 là bản đồ quy hoạch chung của khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được lập từ năm 1996, cách đây 22 năm. Hiện nay, quy hoạch này đã được điều chỉnh vào năm 2005 và cách đây đã 13 năm.
Dù không hiểu chi tiết về bản đồ tỷ lệ 1/5.000 như thế nào nhưng ông nhìn nhận, không có bất cứ quy hoạch vùng, khu đô thị nào kéo dài, xuyên suốt tới 22 năm.
Bởi xã hội có nhiều thay đổi, thị trường biến động, do đó, quy hoạch thường xuyên phải có điều chỉnh và quy hoạch kéo dài 20 - 30, thậm chí 50 năm nhưng trong quá trình thực hiện đều phải điều chỉnh cho phù hợp.
TS Phạm Sỹ Liêm. Ảnh: H.N.
Ông Liêm cho rằng, thông thường, cứ 5 năm phải điều chỉnh quy hoạch một lần mới sát với thực tế, vì lúc đầu quy hoạch bao giờ cũng là dự báo, nếu dự báo lệch sai, quy hoạch phải điều chỉnh.
Vị chuyên gia lĩnh vực xây dựng giải thích, việc di dân để phục vụ thực hiện dự án phát triển bất động sản phải được dựa trên quy hoạch chi tiết 1/2.000 hay 1/500 chứ không phải quy hoạch chung.
Đối với dự án Thủ Thiêm cũng vậy, do đó, có thể hiểu, bản đồ tỉ lệ 1/5000 chỉ là tài liệu có giá trị lịch sử, chứ không có giá trị hiện hành, áp dụng để giải phóng mặt bằng.
"Một bản quy hoạch Thủ Thiêm đã lập cách đây 22 năm rồi, bây giờ còn vận dụng không? Hiển nhiên là không mà phải điều chỉnh cho phù hợp", TS Liêm nói.
Ông đặt vấn đề, tại sao lại cứ nêu bản đồ quy hoạch chung 1/5.000 của năm 1996 ra để hỏi, trong khi, giá trị pháp lý phải là bản đồ quy hoạch hiện hành.
Câu hỏi cần đặt ra là quy hoạch hiện hành có hợp pháp, thực hiện đầy đủ các quy định, thủ tục pháp luật không? Nếu hợp pháp, được thẩm định, duyệt có giá trị sử dụng thì không cần hỏi lịch sử.
"Tự nhiên bây giờ phải khác ngày xưa chứ làm sao lại so với ngày xưa. Việc lôi bản đồ 1/5.000 của Thủ Thiêm năm 1996 ra để nói chuyện hiện tại, tôi cho là không phù hợp", ông Liêm nói thêm.
TS Liêm nói thêm, hiện nay vấn đề đặt ra là tranh chấp, người dân bảo không nằm trong quy hoạch, các cơ quan chức năng làm không đúng...
Nhưng vì sao anh biết không phải nằm trong quy hoạch. Có thể quy hoạch ngày xưa, bản đồ 1/5.000 nói gì đi nữa nhưng quy hoạch hiện tại nếu có đầy đủ giá trị pháp lý thì phải chấp hành.
Bản đồ được cho là quy hoạch 1/5.000 khu đô thị Thủ Thiêm. Ảnh: Viết Dũng.
Lưu trữ kém gây hại cho nhân dân
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhìn nhận, việc không tìm thấy bản đồ quy hoạch 1/5.000 của khu đô thị Thủ Thiêm cho thấy công tác lưu trữ còn quá nhiều yếu kém, thiếu tính chuyên nghiệp.
Ông lấy ví dụ, với một tờ giấy khai sinh của người dân cũng phải được cơ quan chức năng lưu trữ đến suốt đời, thậm chí hết đời họ còn đây lại là bản đồ quy hoạch.
Dù chỉ mang ý nghĩa lịch sử, không có ảnh hưởng đến xây dựng, giải phóng mặt bằng hiện tại nhưng việc lưu trữ kém, làm thất lạc như với bản đồ quy hoạch 1/5.000 Thủ Thiêm, TS Liêm nhấn mạnh, sẽ "gây hại cho nhân dân".
Do đó, ông Liêm kiến nghị, chính quyền nên rà soát lại toàn bộ công tác lưu trữ tài liệu và tìm lại bằng được bản đồ 1/5.000 cũng như chấn chỉnh, xử lý nếu có xảy ra vi phạm, thiếu trách nhiệm.
Ông đề nghị, với các vấn đề liên quan đến quy hoạch hay TP Hồ Chí Minh có văn bản chỉ đạo thực hiện quy hoạch đối với Thủ Thiêm chưa đúng..., cơ quan chức năng cần kiểm tra, xác định, làm rõ, kiến nghị biện pháp xử lý phù hợp.