Nguy cơ xung đột từ đường đua vũ khí siêu thanh Mỹ - Nga - Trung

Minh Thu |

Nguy cơ đánh giá sai dẫn tới xung đột quân sự hoàn toàn có thể xảy ra trong quá trình Mỹ - Nga - Trung chạy đua phát triển vũ khí siêu thanh.

Giới chuyên gia an ninh cho rằng, cuộc đua phát triển các loại vũ khí siêu thanh ngày càng căng thẳng giữa Mỹ - Nga - Trung có thể gây ra những đánh giá sai và dẫn tới xung đột quân sự.

Nhận định trên được đưa ra sau khi Mỹ lên tiếng phản ứng gay gắt trước thông tin Trung Quốc đã tiến hành 2 vụ thử nghiệm vũ khí siêu thanh hồi tháng Bảy và Tám năm nay. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phủ nhận, và cho biết chỉ "thử nghiệm tàu vũ trụ thông thường để xác minh công nghệ tái sử dụng tàu vũ trụ nhằm giúp cắt giảm chi phí".

Nguy cơ xung đột từ đường đua vũ khí siêu thanh Mỹ - Nga - Trung - Ảnh 1.

Nguy cơ tiềm tàng từ cuộc đua phát triển vũ khí siêu thanh giữa Mỹ - Nga – Trung. (Ảnh: Raytheon)

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley nhấn mạnh các cuộc thử nghiệm của Trung Quốc “vô cùng đáng quan ngại” và là “khoảnh khắc Sputnik”. Cụm từ gợi nhớ tới vụ phóng vệ tinh đầu tiên của Liên Xô cũ vào năm 1957 giúp quốc gia này dẫn đầu thế giới về cuộc đua trong không gian và khiến Mỹ bị sốc.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành nhà thầu quốc phòng Raytheon là ông Gregory Hayes cũng nhấn mạnh chính phủ Mỹ “đang thụt lùi nhiều năm” so với Trung Quốc trong chương trình phát triển công nghệ siêu thanh.

Chạy đua vũ khí siêu thanh

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), Trung Quốc đã thử nghiệm tên lửa siêu thanh lần đầu tiên vào năm 2014, còn Nga tham gia cuộc đua phát triển loại vũ khí tối tân này vào năm 2016 với 2 lần phóng thử thiết bị lướt siêu thanh mang tên Avangard.

Kể từ lần thử nghiệm đầu tiên, Bắc Kinh đã nhiều lần phóng thành công DF-17, tên lửa đạn đạo tầm trung được thiết kế để phóng thiết bị lượn siêu thanh.

Mỹ đã tích cực phát triển vũ khí siêu thanh vào đầu những năm 2000 theo chương trình tấn công toàn cầu, mặc dù khoản ngân sách dành cho chương trình này chỉ có hạn, theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ.

Song những năm gần đây, cả Lầu Năm Góc và Quốc hội Mỹ đều đã đẩy mạnh phát triển và triển khai các hệ thống siêu thanh, do lo ngại trước những thành tựu mà Nga và Trung Quốc đã đạt được.

Bản đề xuất mới nhất của Lầu Năm Góc về ngân sách dành cho hoạt động nghiên cứu vũ khí siêu thanh đã tăng lên thành 3,8 tỉ USD, tăng so với mức 3,2 tỉ USD vào năm ngoái.

Nguy cơ xung đột từ đường đua vũ khí siêu thanh Mỹ - Nga - Trung - Ảnh 2.

Thiết bị lướt siêu thanh Avangard của Nga. (Ảnh minh họa)

Ông Zhao Tong, nhà nghiên cứu cấp cao về chương trình chính sách hạt nhân thuộc Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Bắc Kinh, nhận định cuộc đua vũ trang siêu thanh đã bắt đầu.

“Trung Quốc đã đầu tư lớn vào công nghệ, Mỹ lo ngại về mục đích của Trung Quốc và cảm thấy bị đe dọa. Điều này có thể khiến Mỹ tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa”, SCMP dẫn lời ông Zhao.

“Nguy cơ xuất hiện một cuộc đua vũ trang hiện là rất lớn, do các loại vũ khí siêu thanh tạo ra nhiều sự không chắc chắn và mơ hồ về công nghệ so với tên lửa đạn đạo truyền thống. Điều này sẽ làm gia tăng khả năng đánh giá sai và phản ứng quá mức trong các cuộc xung đột quân sự", ông Zhao nói thêm.

Cũng theo ông Zhao, thông tin Trung Quốc thử nghiệm vũ khí siêu thanh có thể mang đầu đạn hạt nhân, cùng với bản báo Trung Quốc hiện có khoảng 250 hầm chứa tên lửa hạt nhân dưới lòng đất đang được xây dựng nằm trong báo cáo của Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ công bố hồi tháng Bảy đã làm dấy lên mối quan ngại đối với Mỹ về việc Bắc Kinh thay đổi chiến lược hạt nhân thi hành hàng thập niên qua vốn chỉ giới hạn ở khả năng răn đe tối thiểu.

“Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã bắt đầu tái xem xét chính sách vũ khí hạt nhân của Mỹ. Nhận thấy sự đối đầu gia tăng giữa Mỹ - Trung, cùng báo cáo Trung Quốc đang mở rộng kho hạt nhân và triển khai các công nghệ mới, Mỹ hiện rất căng thẳng và lo lắng về những thay đổi trong chính sách hạt nhân của Bắc Kinh”, ông Zhao nói thêm, khả năng những quan ngại về Bắc Kinh sẽ khiến Washington phát triển một chính sách hạt nhân mới.

Trong tháng 10, Trung Quốc đưa ra tuyên bố khẳng định thi hành chính sách hạt nhân “không sử dụng đầu tiên”, và nhấn mạnh các nước sở hữu vũ khí hạt nhân nên từ bỏ chính sách ngăn chặn ưu tiên.

Nhưng theo ông Zhao, sự nhấn mạnh của Trung Quốc về năng lực phản ứng nhanh sẽ khiến các nhà lãnh đạo quân sự có ít thời gian hơn để phân tích thông tin và điều đó có thể dẫn tới sự hiểu lầm.

Ông Wu Riqiang, Giáo sư các mối quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin ở Trung Quốc, cho hay giữa lúc cuộc đua hệ thống phòng thủ đang diễn ra, Mỹ cũng đang đẩy nhanh phát triển các loại vũ khí siêu thanh.

Cũng theo ông Wu, nếu Trung Quốc phóng tên lửa siêu thanh có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân với Hệ thống vũ khí tấn công từ quỹ đạo thấp (FOBS), điều này có nghĩa là Bắc Kinh đang thực hiện sáng kiến nhằm xuyên thủng các hệ thống phòng thủ của Mỹ.

Di chuyển trong bầu khí quyển với tốc độ nhanh hơn 5 lần tốc độ âm thanh (khoảng 6.200 km/h), vũ khí siêu thanh trở thành thách thức đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện thời.

Trong khi tên lửa đạn đạo bay cao vào không gian theo hình vòng cung để đến mục tiêu, tên lửa siêu thanh bay theo quỹ đạo thấp hơn trong khí quyển và tiếp cận mục tiêu nhanh hơn. Tên lửa siêu thanh có khả năng cơ động nên rất khó để theo dõi và đánh chặn.

“Chúng ta sẽ có các loại vũ khí để thách thức đối phương, nhưng quan trọng nhất mà tôi nghĩ là tập trung vào việc làm thế nào để phát triển năng lực chống vũ khí siêu thanh. Đó là thách thức của chúng ta”, ông Hayes nói.

Còn theo ông Christopher Combs tại Đại học Texas ở San Antonio, Mỹ đang tiếp cận vấn đề theo góc độ khác so với Trung Quốc và Nga.

Các chính trị gia Mỹ cũng đang chịu áp lực tăng mức chi tiêu cho hoạt động phòng thủ tên lửa, phát hiện các vụ phóng và hệ thống siêu thanh.

“Do đó, tôi nghĩ phía Mỹ sẽ có thêm nhiều dự án trong tương lai”, ông Combs nhấn mạnh.

Ông Combs nói thêm, Nga và Trung Quốc đang tạo ra áp lực đối bằng các cuộc thử nghiệm vũ khí và hệ thống siêu thanh, cũng như mô phỏng vũ khí của họ “chắc chắn có khả năng gây ra bất ổn”.

Điều này tạo ra gánh nặng cho Mỹ để nghiên cứu và phát triển các phương tiện tối tấn nhằm ngăn chặn những mối đe dọa này, ông Combs kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại