Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh: BBC
Phía Nga cho biết, vụ pháo kích của Ukraine đã làm hư hại đường dây điện cao thế, một đường ống dẫn nước, khiến một số thiết bị ở nhà máy điện hạt nhân bị mất điện. Vụ tấn công mới nhất này đã gây ra hỏa hoạn nhưng may mắn được dập tắt nhanh chóng. Đây là lần thứ hai cuộc pháo kích của Ukraine gây ra hỏa hoạn và mất điện cục bộ tại nhà máy kể từ hôm 5/8. Nga cho rằng, việc tấn công nhằm vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia có nguy cơ gây ra một sự kiện tương tự thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Các cuộc pháo kích của lực lượng vũ trang Ukraine vào khu vực nhà máy hạt nhân rất nguy hiểm. Nó có thể gây ra những hậu quả thảm khốc đối với các vùng lãnh thổ rộng lớn, đối với toàn bộ châu Âu. Chúng tôi mong đợi các nước sử dụng ảnh hưởng của mình với giới lãnh đạo Ukraine để đảm bảo những cuộc pháo kích như vậy sẽ không tiếp diễn”.
Trong khi đó, ông Jewhenij Zymbaljuk, Đại diện thường trực của Ukraine tại các Tổ chức Quốc tế ở Vienna cáo buộc, phía Nga đã bắn tên lửa vào kho chứa nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Theo tiết lộ của phía Ukraine, hiện có 174 thùng chứa nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.
Ông Zymbaljuk cảnh báo về những hậu quả nguy hiểm có thể xảy sau các vụ tấn công: “Kết quả sau các vụ tấn công của Nga, các cảm biến giám sát bức xạ xung quanh khu vực lưu trữ hạt nhân đã bị hỏng. Vì vậy, việc phát hiện và ứng phó kịp thời trong trường hợp tình hình bức xạ xấu đi hoặc rò rỉ phóng xạ từ các thùng chứa nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng không thể thực hiện. Tôi xin nhắc lại, đây là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu. Nếu có sự cố xảy ra, hậu quả sẽ rất lớn, không chỉ đối với Ukraine mà có thể toàn bộ châu Âu”.
Ông Zymbaljuk cũng kêu gọi Nga trao lại quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân cho Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế.
Trong phản ứng mới nhất, ông Rafael Grossi, Tổng giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), một cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc cho rằng, tình hình xung quanh nhà máy Zaporizhzhia “hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát”, đồng thời đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp tới Nga và Ukraine cho phép các chuyên gia đến thăm khu phức hợp hạt nhân để ổn định tình hình và tránh để xảy ra sự cố hạt nhân.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã lên tiếng ủng hộ ý tưởng để Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế nắm quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia khi nói rằng, “bất kỳ cuộc tấn công nào vào nhà máy hạt nhân đều là hành động tự sát”.
Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia nằm trong quyền kiểm soát của Nga kể từ tháng 3, sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Tuy nhiên, nhà máy vẫn do các kỹ thuật viên Ukraine vận hành./.