Thợ mỏ Pháp thời xưa nổi loạn, mang theo những lá cờ màu đỏ. Tranh: Le Petit Journal.
Vào ngày 17/7/1791, trên 50.000 người Paris tụ tập ở khu vườn lớn Champ de Mars để ký vào bản thỉnh cầu loại bỏ nhà vua Louis XVI. Cuộc tụ tập khá trật tự; tuy nhiên, Quốc hội Lập hiến đã yêu cầu Vệ quốc quân giải tán đám đông. Jean Sylvain Bailly – thị trưởng Paris khi ấy, sau đó sử dụng luật 1789 nói trên để treo cờ đỏ nhằm thông báo về tình trạng khẩn cấp. Nhưng đám đông khước từ giải tán. Xung đột xảy ra sau đó và Vệ quốc quân bắn vào đám đông, làm hơn 50 người chết và hàng trăm người bị thương.
Kể từ đó, lá cờ đỏ “nhuốm máu của các liệt sĩ” trở thành biểu tượng của người dân bị áp bức, phong trào cách mạng và cuộc đấu tranh của nhân dân lao động cho các quyền lợi của mình.
Vào thế kỷ 19, cờ đỏ trở thành một biểu tượng cách mạng. Do các nhà cách mạng của thời này đều là những người XHCN và những người theo thuyết vô chính phủ, chính họ đã gắn chính nghĩa với cờ đỏ - lá cờ này thường được kéo lên trong các cuộc nổi dậy chống chính quyền.
Là cờ đỏ với dòng chữ “Tự do hay là chết” trở thành biểu tượng của những người cộng hòa trong cuộc cách mạng Pháp 1832 và 1848. Ở Nga, lần đầu tiên lá cờ đỏ được sử dụng trong một cuộc nổi dậy là vào năm 1861 ở vùng Penza, trong các cuộc bạo động chống lại cải cách giải phóng nông dân. Vào năm 1905, cờ đỏ trở thành một trong các biểu tượng của Cách mạng ở Nga.
Quá trình cờ đỏ trở thành biểu tượng cho nước Nga Xô viết
Sau khi Đế chế Nga sụp đổ, nhà nước mới ra đời dùng một lá quốc kỳ làm từ vải đỏ hình chữ nhật không có dòng chữ hay biểu tượng gì cả. Vào ngày 8/4/1918, khi phát biểu tại một cuộc họp của phái Bolshevik trong Ủy ban Chấp hành Trung ương toàn Nga (cơ quan lập pháp và hành pháp của nước Nga Xô viết thời đó), Chủ tịch Ủy ban này là Yakov Sverdlov đề xuất “lấy ngọn cờ chiến đấu của chúng ta làm quốc kỳ”.
Đề xuất trên được nhất trí thông qua. Vào ngày 14/4/1918, một sắc lệnh về Lá cờ của Cộng hòa XHCN Xô viết Liên bang Nga đã được ký. Về mặt chính thức, màu đỏ của cờ là đại diện cho cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Xô viết, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nhằm xây dựng chù nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
Năm 1922, cờ đỏ trở thành quốc kỳ của quốc gia Liên Xô mới thành lập. Vào ngày 18/4/1924, thiết kế mới của quốc kỳ Liên Xô được thông qua: thêm biểu tượng búa liềm và ngôi sao 5 cánh.
Quốc kỳ Liên Xô. Ảnh: Arachnid.
Ý nghĩa của biểu tượng búa liềm
Biểu tượng búa liềm là biểu tượng chính của Liên Xô. Nó tượng trưng cho liên minh công nhân và nông dân.
Nghệ sĩ Eugene Kamzolkin (1885-1957) là người đầu tiên gợi ý sử dụng hình búa và liềm vắt chéo vào nhau để trang trí cho một quận của thành phố Moscow khi kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5 vào năm 1918.
Trước đó, người ta sử dụng một biểu tượng khác để thể hiện liên minh công nông – búa và cày, nhưng biểu tượng này không phổ biến. Biểu tượng búa liềm súc tích hơn, cụ thể hơn, và có tính biểu tượng hơn. Hiến pháp Liên Xô 1924 xác lập búa liềm là một phần trong biểu tượng quốc gia của Liên Xô.
Ngôi sao 5 cánh tượng trưng cho điều gì?
Ngôi sao 5 cánh trên cờ Liên Xô là một biểu tượng cho chiến thắng cuối cùng của lý tưởng cộng sản trên 5 lục địa có người sinh sống trên toàn cầu.
Ngôi sao 5 cánh lần đầu xuất hiện với tư cách một biểu tượng quân sự trong nước Nga thời Sa hoàng. Khi ấy nó được gọi là “ngôi sao Mars”, gọi nhớ về thần Mars – thần chiến tranh trong văn hóa La Mã cổ đại.
Vào ngày 1/1/1827, giới chức Nga ký ban hành luật đưa ngôi sao 5 cánh lên cầu vai của các sĩ quan và các viên tướng. Năm 1854, ngôi sao bắt đầu được sử dụng trên quai đeo vai. Sau đó, ngôi sao này với hình đại bàng 2 đầu bên trong được dùng để đánh dấu tàu hỏa và toa tàu quân sự.
Còn trong nước Nga Xô viết, ngôi sao 5 cánh là biểu tượng cho Hồng quân bảo vệ lao động thời bình (tương tự như ở La Mã cổ đại, Thần chiến tranh là người bảo vệ các nông dân).
Năm 1918, bức vẽ phù hiệu binh sĩ Hồng quân dưới hình thức một ngôi sao đỏ có hình ảnh búa và cày màu vàng ở trung tâm đã được phê chuẩn. Ngôi sao biểu tượng cho sự bảo vệ, còn búa và cày được xem như liên minh công nông. Vào thập niên 1920, ngôi sao đỏ bắt đầu được sử dụng làm biểu tượng chính thức của nhà nước. Cuối cùng vào năm 1924, ngôi sao trở thành một phần trong quốc kỳ Liên Xô và biểu tượng chính thức của Liên Xô./.