Liên Xô từng cố gắng che giấu quy mô của thảm họa Chernobyl như thế nào?

Lê Ngọc |

Thảm họa Chernobyl là vụ tai nạn lớn nhất trong lịch sử năng lượng hạt nhân, cả về số người thiệt mạng, thiệt hại về kinh tế và hậu quả của nó, đã được giới chức Liên Xô cố tình che giấu.

Vụ tai nạn kinh hoàng

Ngày 26/4/1986, một vụ đã xảy ta tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl (Liên Xô), phá hủy hoàn toàn lò phản ứng của tổ máy điện thứ tư và một lượng lớn chất phóng xạ đã được thải ra môi trường. 

Đây là vụ tai nạn lớn nhất trong lịch sử năng lượng hạt nhân cả về số người thiệt mạng, thiệt hại về kinh tế và hậu quả của nó. 

Trước khi vụ tai nạn xảy ra, lò phản ứng của tổ máy thứ tư chứa 180 - 190 tấn nhiên liệu hạt nhân (uranium dioxide). Theo các ước tính hiện được coi là đáng tin cậy nhất, từ 5-30% khối lượng này được cho đã bị thất thoát vào không khí.

Tranh cãi về con số thực, một số nhà nghiên cứu viện dẫn các bức ảnh và quan sát của nhân chứng cho thấy, lò phản ứng thực tế trống rỗng. 

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng khối lượng 180 tấn uranium dioxide chỉ là một phần không đáng kể của thể tích lò phản ứng, chủ yếu chứa đầy than chì. Ngoài nhiên liệu, lõi tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn còn chứa các sản phẩm phân hạch và các đồng vị phóng xạ khác nhau được tích lũy trong quá trình hoạt động của lò phản ứng.

Hầu hết chúng vẫn ở bên trong lò phản ứng, nhưng các chất dễ bay hơi nhất đã được giải phóng vào khí quyển, bao gồm: 100% khí trơ (krypton và xenon) có trong lò phản ứng; từ 50-60% Iod ở dạng khí và son khí; đến 60% Tellurium và tới 40% Cesium ở dạng son khí. 

Theo NCEAR và IAEA, tổng hoạt độ phóng xạ, bao gồm cả khí phóng xạ trơ, lên tới 14⋅1018 Bq (xấp xỉ 38⋅107 Ci; để so sánh: trong vụ nổ đầu đạn hạt nhân có công suất 1 Mt, ≈ 1,5⋅105 Ci stronti-90 và 1⋅105 cesium-137).

Có nhiều giả thuyết về nguyên nhân của vụ nổ, dựa nhiều vào phỏng đoán hơn là dựa trên dữ kiện và hiện kết quả tranh cãi vẫn chưa ngã ngũ... Chỉ có một ý tưởng chung về kịch bản tai nạn là thảm kịch xảy ra do sự gia tăng công suất không kiểm soát được của lò phản ứng, vụ nổ xảy ra có thể gồm nổ hóa chất, nổ hơi, nổ hạt nhân, và thậm chí cả do động đất cục bộ… Trong những ngày đầu tiên sau khi vụ tai nạn xảy ra, dân cư của khu vực 10 km, và trong những ngày tiếp theo, và các khu định cư khác của khu vực 30 km đã được sơ tán.

Hậu quả nặng nề

Không giống như các vụ đánh bom ở Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) trong Thế chiến II, vụ nổ giống như một "quả bom bẩn" rất mạnh - tác nhân gây thiệt hại chính là ô nhiễm phóng xạ. 

Đám mây từ lò phản ứng đang cháy mang theo nhiều chất phóng xạ khác nhau, chủ yếu là hạt nhân phóng xạ Iod và Caesium, trên hầu hết châu Âu. Bụi phóng xạ hoạt độ cao được ghi nhận ở các vùng lãnh thổ thuộc Belarus, Nga và Ukraine. 

Toàn bộ hơn 115.000 người đã được sơ tán khỏi khu vực cấm 30 km xung quanh nhà máy điện hạt nhân, hơn 600.000 người đã được huy động để khắc phục hậu quả.

Trong ba tháng đầu tiên sau vụ nổ, có 31 người chết, 19 người khác chết từ năm 1987 đến năm 2004 có thể do hậu quả trực tiếp; 34 người trong số những người tham gia khắc phục sự cố bị bệnh bức xạ cấp tính ở mức độ khác nhau. 

Khoảng 5 triệu ha đất nông nghiệp và một khu vực bán kính 30 km được tạo ra xung quanh nhà máy điện hạt nhân đã bị hủy canh tác, hàng trăm khu định cư nhỏ cùng phương tiện giao thông cơ giới và ô tô cá nhân... đã bị phá hủy và chôn vùi. Người ta đã phải quyết định từ bỏ trạm radar Duga số 1, một trong những thành tố chính của hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Liên Xô.

Các chất phóng xạ lan truyền dưới dạng sol khí, dần dần lắng đọng trên mặt đất; hơn 200.000 km2 vuông đã bị ô nhiễm rất không đồng đều, tùy thuộc vào hướng gió trong những ngày đầu tiên sau vụ tai nạn. 

Các khu vực gần nhà máy điện hạt nhân Chernobyl bị thiệt hại nặng nề nhất là khu vực phía bắc các vùng Kiev và Zhitomir của Ukraine, vùng Gomel của Belarus và vùng Bryansk của Nga. 

Bức xạ thậm chí còn chạm đến một số khu vực cách xa nơi xảy ra tai nạn, ví dụ như Leningrad, Mordovia và Chuvashia.

Phần lớn Stronti và Plutonium rơi trong vòng 100 km vì chúng chủ yếu chứa trong các hạt lớn hơn; Iod và Cesium lan tỏa trên một khu vực rộng lớn hơn.

Đối với con người, trong những tuần đầu tiên sau tai nạn, nguy hiểm nhất là Iod phóng xạ, có chu kỳ bán rã 8 ngày và Tellurium. Hiện tại (và trong những thập kỷ tới), nguy hiểm nhất là các đồng vị của Stronti và Cesium với chu kỳ bán rã khoảng 30 năm. 

Nồng độ Cesium-137 cao nhất được tìm thấy trong lớp bề mặt của đất, từ đó xâm nhập vào thực vật và nấm; động vật cũng tiếp xúc với ô nhiễm, bao gồm cả côn trùng ăn chúng. 

Các đồng vị phóng xạ của Plutonium và Americium có thể tồn tại trong đất hàng trăm, và có thể hàng nghìn năm, nhưng số lượng của chúng rất ít.

Trong các khu vực nông nghiệp trong những tháng đầu tiên, các chất phóng xạ lắng đọng trên lá cây và trên cỏ, do đó động vật ăn cỏ tiếp xúc với ô nhiễm. Sau đó, các chất phóng xạ cùng với mưa hoặc lá rụng, đi vào đất, và xâm nhập vào các cây nông nghiệp, chủ yếu thông qua hệ thống rễ; rừng đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. 

Do Caesium liên tục được tái chế trong hệ sinh thái rừng mà không được loại bỏ, nên mức độ ô nhiễm của các sản phẩm rừng như nấm, quả mọng và thú rừng vẫn nguy hiểm.

Mức độ ô nhiễm của các sông và hầu hết các hồ hiện đang ở mức thấp, nhưng ở một số hồ tù, do đó nồng độ Cesium trong nước và cá trong những thập kỷ tới có thể gây nguy hiểm. Ô nhiễm không chỉ giới hạn trong một khu vực 30 km - mức độ tăng Cesium-137 đã được phát hiện trong thịt và tuần lộc ở các vùng Bắc Cực của Nga, Na Uy, Phần Lan và Thụy Điển.  Các quan sát đã chỉ ra rằng số lượng đột biến ở thực vật và động vật đã tăng lên, tuy không đáng kể.

Ngành công nghiệp điện hạt nhân thế giới đã phải hứng chịu một đòn giáng nặng nề do hậu quả của vụ tai nạn này. Từ năm 1986-2002, không có một nhà máy điện hạt nhân mới nào được xây dựng tại các nước Bắc Mỹ và Tây Âu, do cả áp lực của dư luận và thực tế là phí bảo hiểm đã tăng lên đáng kể và lợi nhuận của năng lượng hạt nhân đã giảm đi. 

Ở Liên Xô, việc xây dựng và thiết kế 10 nhà máy điện hạt nhân mới đã bị hủy bỏ hoặc dừng lại, việc xây dựng hàng chục tổ máy điện mới tại các nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động ở các khu vực và nước cộng hòa đã bị đóng băng.

Chính quyền cố tình che giấu?

Cả ngày 26/4 và ngày 27/4 người dân trong khu vực không được cảnh báo về mối nguy hiểm hiện hữu và không có bất kỳ khuyến nghị nào về các biện pháp nhằm giảm tác động của ô nhiễm phóng xạ được đưa ra.

Thông điệp đầu tiên về tai nạn Chernobyl xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Liên Xô ngày 27/4, 36 giờ sau khi thảm họa xảy ra. 

Phát thanh viên của Đài phát thanh Pripyat thông báo về việc thu thập và sơ tán tạm thời cư dân của thành phố. Sau khi đánh giá quy mô ô nhiễm phóng xạ, việc sơ tán bắt buộc cư dân khỏi thành phố Pripyat, được thực hiện vào ngày 27/4.

Nhiều người đã phải sơ tán trong bộ đồn ngủ, bị cấm mang theo đồ đạc, vật nuôi, đồ chơi trẻ em và những thứ tương tự. Để không làm người dân hoảng loạn, người ta thông báo rằng những người sơ tán sẽ trở về nhà sau ba ngày. 

Ngày 28/4, TASS đưa tin: “Một vụ tai nạn đã xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl; một trong những lò phản ứng hạt nhân bị hư hỏng. Các biện pháp đang được thực hiện để loại bỏ hậu quả của vụ tai nạn; một ủy ban của chính phủ đã được thành lập để hỗ trợ cho các nạn nhân”.

Trong khi nhiều phương tiện truyền thông nước ngoài nói về mối đe dọa đối với cuộc sống con người và bản đồ các luồng không khí ở Trung và Đông Âu được chiếu trên màn hình TV, các cuộc diễu hành và lễ hội dành riêng cho ngày 1/5 đã được tổ chức tại Kiev và các thành phố khác của Ukraine và Belarus. 

Cuộc diễu hành ở Kiev được tổ chức theo chỉ thị của đích thân Tổng Bí thư Gorbachev, nhằm ngăn chặn sự hoảng loạn trong dân chúng và không để lộ bức tranh toàn cảnh về những gì đang xảy ra.

Số liệu thống kê đáng ngờ

Chỉ hơn 1 tuần sau thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, cụ thể là ngày 4/5/1986, 1.882 người bị thương phải vào bệnh viện, theo cuốn "Những nghịch lý của Perestroika: Cơ hội bị bỏ lỡ của Liên Xô" của A.V. Shubin. Ngày hôm sau, theo ấn phẩm "Chernobyl 20 năm trôi qua" của Chris Busby và Alexey Yablokov, tổng số bệnh nhân lên tới 2.757 người, một ngày sau, 3.454 người đã đến các cơ sở y tế để điều trị.

Tuy nhiên, theo tài liệu ngày 13/5/1986, số người nhập viện giảm bất ngờ, số người tìm đến y tế nhưng được xuất viện sớm, ngược lại bắt đầu tăng nhanh. Vì vậy, Alla Yaroshinskaya - tác giả của cuốn sách “Chernobyl. Lời nói dối lớn” - khi đề cập đến các báo cáo của ủy ban khắc phục hậu quả viết rằng, vào ngày 14/5/1986, chỉ có 1.059 nạn nhân nằm trên giường bệnh, trong khi 1.200 người đã được đưa về nhà. 

Lý do “hồi phục” nhanh chóng của họ được tiết lộ theo văn bản số 9 ngày 8/5/1986, được đóng dấu “Mật”.

Trong cuốn sách "Vụ CPSU tại Tòa án Hiến pháp”, luật sư Felix Rudinsky cho biết, các tiêu chuẩn mới về an toàn đã vượt quá các thông số trước đó 10 lần. Đáng chú ý là có trường hợp các chỉ tiêu đã được Bộ Y tế phê duyệt cho phép tăng gấp 50 lần. Ngoài ra, khi xác định các tiêu chuẩn mới về mức độ phơi nhiễm của người dân với bức xạ phóng xạ, không có lưu ý nào đối với phụ nữ mang thai hoặc trẻ em.

Theo Alla Yaroshinskaya và nhiều nhà nghiên cứu khác, việc thay đổi mức ngưỡng phơi nhiễm phóng xạ là do các nhà chức trách muốn che giấu quy mô của thảm kịch Chernobyl. 

Các nhà chức trách thực sự đã làm hết sức mình để tránh lan truyền thông tin về số lượng nạn nhân thực sự và các dữ kiện khác liên quan đến vụ tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân. Và chính xác là kết quả của sự im lặng của các nhà chức trách liên quan, người dân Kiev không biết gì về thảm kịch, đã cùng con cái của họ tham gia cuộc diễu hành 1/5./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại