Nói đến việc tiết kiệm tiền, người Trung Quốc luôn được xếp vào top đầu.
Dân số hiện tại của Trung Quốc đã vượt quá 1,4 tỷ người. Theo Sohu, thống kê của ngân hàng vào năm 2020 cho biết, tiền gửi bình quân đầu người của Trung Quốc là khoảng hơn 234 triệu đồng/người.
Sở thích và thói quen tiết kiệm tiền tại Trung Quốc
Vào năm 2020, thu nhập khả dụng bình quân đầu người của Trung Quốc đã vượt quá 100 triệu đồng/năm. Với đà tăng trưởng của thu nhập người dân, xã hội ngày càng có nhiều cá nhân, gia đình khá giả với tiền bạc rủng rỉnh, góp phần kích thích nhu cầu tiêu dùng.
Một số thành phố hạng nhất ở Trung Quốc hiện đã đạt đến trình độ của các nước phát triển vừa phải và sự giàu có của người dân có thể sánh ngang với mức độ giàu có ở một số nước châu Âu. Ngoài ra, mức tiêu dùng hiện nay của Trung Quốc cũng không kém gì các nước phát triển.
Tuy vậy, người Trung Quốc cũng rất giỏi tiết kiệm. Thói quen này được hình thành từ những thời đại trước, thế hệ ông cha đã luôn dạy cho con cháu sau này việc lên kế hoạch cho tương lai nên không thể bỏ qua tầm quan trọng của việc tích lũy tiền bạc.
Phương thức tiết kiệm cũng có sự khác biệt. Thế hệ cũ ở Trung Quốc thích tiết kiệm đủ tiền cho những mục đích lớn trước khi làm những việc mình muốn, chẳng hạn như để mua nhà, họ sẽ hạn chế việc tận hưởng cuộc sống.
Quan điểm này khác với cách chi tiêu của con người ở các nước phương Tây, khi mà họ sẵn sàng tiêu tiền để tận hưởng cuộc sống hôm nay và chỉ dành ra một phần nhỏ trong thu nhập để lập kế hoạch dự phòng. Theo đa số nguyên tắc tiết kiệm của người phương Tây, tỷ lệ thu nhập được trích cho việc tiết kiệm và dự phòng thường chỉ dao động trong khoảng 20%, tối đa lên tới 30%.
Trong khi nhiều người phương Đông sẵn sàng tiết kiệm tới 60 - 70% dù cả tháng phải ăn tiêu dè sẻn. Khi có đồng tiền rảnh rỗi, nhiều người chọn gửi vào ngân hàng lấy lãi. Nguyên nhân chủ yếu là do mọi người thường nghĩ rằng, ngân hàng là tổ chức tài chính đáng tin cậy nhất, ngoài ra, các ngân hàng cũng tung ra nhiều sản phẩm tài chính rủi ro thấp và trung bình. Khi đồng tiền không được sử dụng đến có thể sinh lãi ở mức nhất định, vừa an toàn, vừa ổn định, nhiều người lựa chọn phương thức này cũng không quá ngạc nhiên.
Nhiều người sống tối giản hết mức để tiết kiệm được nhiều hơn. Ảnh: The New York Times
Giá trị các tài khoản tiền gửi ở quốc gia này lớn thế nào?
Tỷ lệ tiết kiệm của Trung Quốc đã duy trì ở mức cao trong một thời gian dài. Theo số liệu do ngân hàng trung ương của đất nước này công bố, tính đến cuối năm 2020, tổng tiền gửi của người dân Trung Quốc đạt 328 triệu tỷ đồng. Nếu tính với tổng dân số 1,4 tỷ người thì tiền gửi bình quân đầu người là khoảng hơn 200 triệu đồng/người.
Theo báo cáo, khoảng 5% người dân Trung Quốc có số tiền gửi trung bình lên tới trên 1,6 tỷ đồng, thậm chí có người gửi tiền vào ngân hàng còn nhiều hơn thế.
Đây mới chỉ là một khía cạnh trong cách tích lũy tài sản của người dân quốc gia này. Rất nhiều người khác ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến có xu hướng thay vì sở hữu tài khoản gửi tiết kiệm khổng lồ thì lại đứng tên không ít bất động sản trị giá hàng tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tích lũy tài sản bằng vàng cũng là một trong những lựa chọn hàng đầu của người Trung Quốc. Họ tin rằng, đây là kim loại quý chịu ít tác động từ lạm phát, có tính ổn định và an toàn hơn so với dự trữ tiền mặt. Chúng cũng có tác dụng trong đời sống hàng ngày, ví dụ như dùng trong lễ cưới, lễ đính hôn...
Hậu Covid-19, mọi người càng tiêu xài ít hơn
Thời kỳ hậu phong tỏa, thị trường Trung Quốc đang phải đối mặt với nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh do các hộ gia đình, các cá nhân đang chịu nhiều áp lực về giảm thu nhập, tăng tỷ lệ thất nghiệp và tình hình suy thoái kinh tế trong nước. Tầm quan trọng của việc tiết kiệm tiền bạc càng gia tăng trong mắt mọi người.
Trước đó, những người tiêu dùng Trung Quốc được cho là đại diện cho 4.900 tỷ USD hoạt động kinh tế mỗi năm. Apple hay General Electric từng trở nên thịnh vượng hơn bao giờ hết khi nhu cầu mua sắm các sản phẩm ô tô, iPhone của quốc gia này tăng chóng mặt.
Nhưng thời gian gần đây, họ đang dần chi tiêu thận trọng hơn. Xu hướng mua ôtô, điện thoại thông minh và các thiết bị tiêu dùng đang giảm đáng kể.
Nhà phân tích người tiêu dùng tại Gavekal Dragonomics đưa ra nhận định khá tiêu cực về khả năng phục hồi của thị trường này trong tương lai: “Tin xấu là tất cả chỉ số phản ánh chi tiêu của người tiêu dùng đang giảm dần và xu hướng cơ bản có lẽ sẽ tệ hơn".
Có thể thấy rằng, khi mà kinh tế chậm lại, chi phí sinh hoạt đang tăng lên thì việc quản lý thu chi, kiểm soát tình hình tài chính cá nhân của mọi người, ở mọi độ tuổi, mọi thành phần trong xã hội ngày càng chặt chẽ hơn.
*Theo Sohu