Người trẻ dựng thư viện... làng

Hạnh Đỗ |

Nhân một lần xin địa chỉ những nơi cần tặng sách từ hội khuyến đọc, tôi phát hiện ra sách đã hiện hữu ở nhiều làng quê dưới dạng những thư viện miễn phí. Hầu hết những người sang lập và vận hành các thư viện này đều là “người làng”. Họ rất trẻ.

Học tiếng Anh miễn phí ở thư viện Dương Liễu

Học tiếng Anh miễn phí ở thư viện Dương Liễu

Miễn phí đọc đủ thứ, học đủ thứ

Trong cộng đồng đọc, thư viện Dương Liễu (thôn Thống Nhất, xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội) rất nổi tiếng. Thứ nhất vì nó xuất hiện sớm (năm 2013), gần như là một trong những thư viện miễn phí đầu tiên được giới thiệu rộng rãi. 

Thứ nữa, vì nó vận hành khá hiệu quả: trẻ em, học sinh, sinh viên, tình nguyện viên đều thích nơi này, bởi ngoài sách, Dương Liễu còn cung cấp rất nhiều khóa học kỹ năng miễn phí khác.

Anh Phùng Bá Hưng – đồng sáng lập và quản lý thư viện Dương Liễu cho biết: thư viện được vận hành bởi 80 tình nguyện viên chia ra các ban và nhóm dự án, trong đó 90% tình nguyện viên là người sống trong xã Dương Liễu. Hiện thư viện có khoảng 7.000 đầu sách, không chỉ phục vụ cho xã Dương Liễu mà cả dân ở các xã, thị trấn lân cận.

Anh Hưng cũng cho biết, ban đầu, khi có ý định thành lập thư viện miễn phí: “tôi và các bạn chỉ muốn có một nơi cho bọn trẻ con đọc sách, hạn chế thời gian chơi điện tử. Barack Obama từng nói: “Vào khoảnh khắc chúng ta thuyết phục đứa trẻ, bất cứ đứa trẻ nào, bước qua bậc thềm ấy, bậc thềm màu nhiệm dẫn vào thư viện, ta thay đổi cuộc sống của nó mãi mãi, theo cách tốt đẹp hơn”.

Thời gian đầu, thư viện chỉ đơn thuần là địa điểm cho mọi người đọc, mượn sách miễn phí. Về sau, Dương Liễu có thêm rất nhiều khóa học kỹ năng, trong đó những lớp tiếng Anh giao tiếp với tình nguyện viên nước ngoài được chào đón hơn cả. 

Học sinh, sinh viên thích mô hình này vì nó “khác hẳn với việc học trên lớp” và khiến cho khả năng giao tiếp của họ cải thiện rõ rệt. Những năm trước, thư viện Dương Liễu đã thu hút được một lượng tình nguyện viên ổn định thường xuyên đến xã dạy học miễn phí. Lớp học được đặt nhờ ở trường cấp hai.

Thời gian dịch bệnh, các lớp học trực tiếp không thể mở cửa, các tình nguyện viên lại kết nối được với Bailey, một sinh viên năm cuối của trường ĐH Susquehanna (My) để tổ chức những lớp giao tiếp trực tuyến với người bản địa.

Tính đến thời điểm hiện tại, theo thống kê của nhóm khuyến đọc, đã có khoảng gần 50 thư viện tư nhân được mở rải rác tại các làng, xã, nhiều nhất là miền Bắc. 

Mới đây nhất, ngày 6/3, một thư viện mới tinh do anh Lê Tiến Tài khởi xướng đã được khai trương ở Nhà Văn hóa thôn Nội - xã Châu Can- huyện Phú Xuyên – TP Hà Nội. Kinh phí mở thư viện (khoảng hơn 80 triệu đồng) do chính anh Tài và những người bạn tự đóng góp.

Anh Tài cho biết: “Bản thân tôi là người thích đọc sách, thấy trẻ em ở nông thôn ít có điều kiện tiếp cận với sách nên tôi và các bạn quyết định tiết kiệm một khoản tiền mở thư viện ở quê cho dân toàn xã đọc miễn phí. 

Ban đầu nhiều người cũng hỏi tôi mở thư viện ra với mục đích gì, có âm mưu gì đằng sau không, thế cho đọc không thu tiền, cho mượn sách về cũng không lấy tiền, mà cho mượn về rồi người ta không đem trả thất thoát thì sao? Tôi bảo không sao cả, bởi đã quyết tâm xây thư viện miễn phí thì không tính toán nữa. Chỉ mong mọi người ủng hộ và lan truyền văn hóa đọc tới nhiều người, nhất là thế hệ trẻ”.

Hiện, thư viện được đặt ở Nhà văn hóa xã - vốn bỏ không gần chục năm. Với số lượng sách phong phú và không gian được chỉnh trang bắt mắt nên chỉ mới mở cửa mấy ngày, trẻ em đã bắt đầu tìm đến đọc và mượn sách.

Người trẻ dựng thư viện... làng  - Ảnh 1.

Độc giả đọc sách miễn phí ở các thư viện làng


Kinh nghiệm thu hút người đọc

Một tình nguyện viên ở tổ chức Không gian đọc cho biết, trong việc thu hút bạn đọc và phát triển cộng đồng đọc ít người bì kịp chàng trai khuyết tật Đỗ Hà Cừ, sinh năm 1984. Hà Cừ bị khuyết tật vận động bẩm sinh, anh không thể đi học như những trẻ em bình thường khác. 

Chàng trai phải gắn cuộc sống của mình vào cái xe lăn ấy biết đọc, biết viết, sử dụng máy tính, điện thoại đều là nhờ vào đọc sách và sự dạy dỗ kiên trì, tận tâm của gia đình. Bởi không thể đi lại, giao tiếp bình thường, Hà Cừ có tình yêu đặc biệt tha thiết với sách. “Đọc sách tôi được đi vào thế giới diệu kỳ mà ở đời thực tôi không làm được”, anh nói một cách khó khăn.

Năm 2015, Hà Cừ nhận sự trợ giúp của tổ chức Không gian đọc đã xây dựng tủ sách Hy Vọng ở tại số nhà 39, đường số 33, tổ 19, phường Trần Lãm, Thái Bình thu hút rất nhiều bạn đọc ở khắp mọi nơi, đặc biệt là những người khuyết tật. 

Chẳng có gì thuyết phục người ta tin vào sự kỳ diệu của sách hơn là một câu chuyện người thật việc thật của chàng trai tưởng như đã bị số phận đóng sập cửa trước mặt. Ba năm sau, Hà Cừ đã cùng các tình nguyện viên mở thêm 22 tủ sách, trong đó có 16 tủ là do người khuyết tật quản lý. Có công việc, có sách, Hà Cừ tự tin hơn, anh thậm chí không ngại livestreams kêu gọi mọi người đọc sách, chia sẻ cảm nhận về sách thu hút hàng nghìn độc giả quan tâm.

Anh Phùng Bá Hưng chia sẻ: một năm đầu tiên khi thành lập thư viện Dương Liễu độc giả rất ít. Để nghĩ cách lôi kéo lũ trẻ, anh nghĩ cách tổ chức các hoạt động ngoại khóa như thi làm nhà phát minh, chế tạo đồ dùng từ các đồ bỏ đi, rồi các hoạt động liên quan đến thể thao như dạy cờ vua, cá ngựa... 

Dần dần, các hoạt động này càng được mở rộng, khách đến thư viện đều và đông hơn, ban tổ chức còn có thể làm lịch bán gây quỹ để có vốn hoạt đông. Năm ngoái, sau thành công của mùa 1, thư viện đã tiếp tục cùng các nhà hảo tâm tổ chức dạy miễn phí cho 25 học sinh (lớp 7, lớp 8) chưa có nhiều điều kiện học tập trong xã.

Anh Lê Tiến Tài lại chọn cách đầu tư thật nhiều đầu sách bắt mắt và truyện tranh để trước mắt “dụ” trẻ em cầm sách. Theo giải thích của đội ngũ tư vấn chọn sách: chỉ cần nảy sinh cảm tình với sách và được khuyến khích, dần dần trẻ em sẽ hình thành thói quen đọc và được sách dẫn dắt lên những trình độ cao hơn “giống như chơi game”.

Một ví dụ thú vị nữa về việc thu hút bạn đọc là của một cậu bé 8 tuổi tên Vũ Long. Long được bố mẹ thành lập cho một tủ sách ở xóm Ông Khiêu, trại Mai Trung, xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Nơi đây cho mượn và đọc sách hoàn toàn miễn phí. 

Bản thân Long đọc xong mỗi cuốn sách thì đều ghi clip để “thuyết phục” các bạn khác. Từ ngày có tủ sách, bản thân Long đã xây dựng được cả một cộng đồng nhỏ cùng đọc sách, vẽ tranh và học tiếng Anh.

Người trẻ dựng thư viện... làng  - Ảnh 2.

Thời gian phục vụ ở một thư viện tư nhân


Thư viện truyền cảm hứng

Nguyễn Hà An (sinh viên ĐH Thủy Lợi) chia sẻ: được tiếp xúc với mô hình của thư viện Dương Liễu khi còn học cấp ba, lên đại học tôi cũng nghĩ đến việc lập một tủ sách để bạn bè cùng nhau đọc. Nhưng vì đang là sinh viên, kinh tế có hạn, lại cũng không quen biết các nhà hảo tâm để xin sách, tôi bàn với các bạn cùng phòng, ai có sách gì góp nấy, rồi đăng facebook đề nghị bạn cùng trường chơi trò “đổi sách”. 

Ban đầu chỉ có mấy chúng tôi vui với nhau, dần dần mọi người biết đến nhiều hơn và thấy thích thú với cách làm này. Có ngày trên fanpage chúng tôi nhận đến gần 50 “giao dịch” trao đổi sách. Nhờ thế, số lượng sách mỗi người có thể đọc nhiều lên mà giá trị của một cuốn sách cũng được kéo dài do số lần sử dụng nhiều hơn.

Người trẻ dựng thư viện... làng  - Ảnh 3.

Anh xe ôm nghiền sách Đinh Văn Dũng giờ cũng cho người đọc mượn sách miễn phí


Một nhân vật của tôi, anh xe ôm Đinh Văn Dũng ở Bình Định có thâm niên đọc sách “cọp” của các nhà sách hơn 10 năm, trong cái túi vải bạt cũ treo bên hông xe máy của anh lúc nào cũng có mấy cuốn sách. 

Khi chờ khách, anh lôi sách ra đọc, mỗi ngày trung bình thời gian đọc của anh Dũng là 2-3 tiếng. Tiền kiếm được anh đều trích ra một khoản đều đặn để mua sách, lâu ngày tích tiểu thành đại, anh có một tủ sách cá nhân khá lớn. Chuyện đã kể trên Tiền Phong Chủ nhật khá lâu rồi.

Sau khi có cuộc sống khấm khá hơn anh Dũng đã quyết định cho nhiều người mượn sách đọc miễn phí. Trước đây anh quý sách, ít cho người mượn vì hay bị làm hỏng, mất, nhưng sau khi thấy nhiều thư viện tư nhân ở các làng mở cửa cả ngày cho bà con đọc thoải mái, anh nghĩ khác đi.

Anh kể: “Cuộc sống của tôi nhờ sách mà thay đổi. Tôi hiểu biết hơn về cách phòng bệnh và bảo vệ sức khỏe. Tôi cũng học được trong sách cách quản lý tiền bạc và làm vài vụ đầu tư nhỏ. Nhờ thế cuộc sống khấm khá dần lên. Tôi muốn nhiều người cũng sẽ có “thu hoạch” từ sách giống như mình. Sách không chỉ giúp tôi cải thiện cuộc sống, còn khiến tôi vui mỗi ngày”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại