Có không ít người trẻ phân vân giữa 2 lối sống “YOLO” - chúng ta chỉ sống một lần trên đời và sống phải lo nghĩ cho tương lai - học cách tiết kiệm . Họ vừa muốn được tận hưởng cuộc sống ở hiện tại, vừa muốn tương lai thêm phần ổn định hơn. Sự xung đột này khiến cho kế hoạch chi tiêu trở nên lộn xộn, không có mục tiêu cụ thể và rõ ràng.
Không phải tự nhiên mà người xưa đã luôn coi tiết kiệm là phẩm chất, đạo đức cần thiết của con người. Trải qua thời gian và thăng trầm của cuộc đời, chúng ta mới nhận ra, sự khác biệt giữa người tiết kiệm và người không tiết kiệm sẽ lớn đến nhường nào.
Sau đây là 2 trường hợp đáng để bạn phải suy ngẫm.
Sống cần tận hưởng, chi tiêu khỏi nghĩ
Ông Vương đã 65 tuổi, nghỉ hưu được 5 năm, nhưng toàn bộ tài sản hiện giờ không có tới 72 triệu đồng. Khi bà Vương lâm trọng bệnh, trong nhà không có đủ tiền chăm sóc chu đáo nên chỉ một thời gian sau khi phẫu thuật, sức khỏe của bà đã suy giảm đáng kể rồi qua đời. Bấy giờ, ông Vương nhớ lại thời điểm nhận được số tiền lớn khi vừa mới nghỉ hưu, tự trách bản thân đã tiêu xài hoang phí.
Khi đó, dù chỉ thường xuyên ở nhà, ông vẫn không tiếc bỏ ra số tiền lên tới 650 triệu đồng để mua một chiếc ô tô, thuận tiện đi lại. Ông cũng thường xuyên mời bạn bè tới nhà ăn uống, liên hoan. Khi đi mua đồ, ông cũng có xu hướng mua mọi thứ mình thích mà không quan tâm tới giá cả. Nhờ vậy, ông được tận hưởng cuộc sống thoải mái và nhàn hạ mà ai nhìn vào cũng phải ngưỡng mộ.
Vì không có sở thích nào quá đắt đỏ, cuộc sống của đôi vợ chồng già cũng không tốn kém quá nhiều nên ông Vương không bao giờ lo lắng đến vấn đề tiết kiệm tiền. Ông luôn cho rằng, dù có tiêu xài thoải mái chục năm nữa cũng chưa hết được khoản tiền về hưu.
Mọi chuyện chỉ bắt đầu thay đổi khi vợ ông Vương cảm thấy cơ thể có nhiều dấu hiệu bất thường . Việc ăn uống trở nên khó khăn, thường xuyên đau rát họng, uống thuốc đều không thấy đỡ. Sau khi quyết định đi khám, bà bị phát hiện đang mắc ung thư thực quản.
Lúc đó, chỉ tính riêng chi phí phẫu thuật, thuốc thang và điều trị lên tới gần 400 triệu đồng. Khoản chi phí này đã chiếm hết số tiền trong tay ông Vương, khiến hai vợ chồng bắt đầu cảm nhận được áp lực tài chính.
Sau khi vợ điều trị xong, ông Vương an tâm, bắt đầu xin đi làm thuê cho một người họ hàng xa. Ban đầu, ngại tuổi tác ông đã lớn, người quen đều không muốn nhận. Sau đó, một người họ hàng biết tình cảnh gia đình ông gặp khó khăn nên đồng ý giúp đỡ, phân công cho ông một công việc không quá nặng nhọc nhưng cũng tốn thời gian.
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, ông phát hiện vợ mình trở nên tiều tụy, hốc hác trông thấy. Đưa bà đi khám, ông Vương mới phát hiện vợ mình bị tái phát ung thư. Chi phí tiếp tục điều trị còn cao hơn lần trước, bà biết vậy nên cố tình chịu đựng trong một khoảng thời gian dài.
Đến hiện tại, tình hình trở nặng, bác sĩ đã không còn có thể can thiệp được nữa, chỉ có thể quay về tịnh dưỡng kéo dài thời gian sống.
Sau cái chết của vợ, ông Vương mới thấy hối hận vì trước đây tiêu xài quá hoang phí. Nếu có tiền tài trong nhà, chắc chắn vợ ông đã không phải vất vả giấu bệnh rồi ra đi sớm như vậy. Đến giờ, chi phí để làm đám tang cho vợ cũng phải đi vay mượn khắp nơi.
Cẩn thận tiết kiệm, lo xa khỏi họa
Bà Lưu là người có thói quen tiết kiệm. Sau 18 năm về hưu, bà vẫn có thể tự lo cho cuộc sống của mình đầy đủ và giữ trong tay một cuốn sổ tiết kiệm lên tới 500 nghìn tệ (1,81 tỷ đồng).
Người quen đều khuyên bà cứ thoải mái chi tiêu đi, không cần phải tiết kiệm thêm nữa. Con cháu trong nhà cũng tán đồng, cho rằng bà đã tiết kiệm cả đời rồi, khoảng thời gian còn lại nên sống sung sướng như “tự thưởng cho bản thân”. Họ khuyến khích bà đi du lịch khắp nơi để thư thái nhưng bà Lưu không chịu.
Bà luôn quan niệm rằng, không ai đảm bảo sau này cuộc sống không xảy ra biến cố, thà có tiền mà để không còn hơn đến lúc cần lại không có.
Bỗng một ngày, bà được thông báo rằng con trai gây tai nạn, buộc phải bồi thường 300 nghìn tệ (hơn 1 tỷ đồng) nếu không sẽ bị kiện đi tù. Con trai bà lúc đó vừa đầu tư một khoản tiền ra ngoài, tài chính trong tay không còn dư dả bao nhiêu, trong khi còn phải trả tiền vay ngân hàng lúc mua nhà.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ở thời điểm đó, bà Lưu đã đứng ra chi trả khoản tiền bồi thường 300 nghìn tệ, cứu con trai một màn trông thấy.
Một lần khác, bà đang ngồi xem tivi ở nhà thì đột nhiên thấy xây xẩm mặt mày, khó thở và tức ngực. Bà Lưu được đưa vào bệnh viện thì mới biết mình bị nhồi máu cơ tim, cần được phẫu thuật và điều trị ngay.
Trong thời gian bà nhập viện, để con cháu trong nhà không phải thay phiên nghỉ làm để vào viện túc trực, bà Lưu đã tự bỏ tiền ra thuê người chăm nom. Mọi chi phí nằm viện, bà cũng tự chi trả.
Như vậy, mỗi tối, người thân và gia đình chỉ cần vào nói chuyện cùng bà một lúc cho bà vui. Cuộc sống của các thành viên còn lại trong gia đình không vì thế mà bị xáo trộn khiến bà cũng an tâm phần nào.
Sau những lần trải qua biến cố như vậy, mọi người trở nên ngưỡng mộ trước tầm nhìn xa của bà. Con trai và con dâu mới bắt đầu học theo mẹ mình, sống tiết kiệm. không hoang phí nữa.
Suy cho cùng, sống cần phải biết để bản thân hưởng thụ những thành quả mình làm ra và song song đó cũng nên tiết kiệm một khoản phòng lúc ốm đau bệnh tật.
Chúng ta không bủn xỉn, keo kiệt quá mức, nhưng càng không nên tiêu xài hoang phí, làm ra bao nhiêu tiêu bấy nhiêu. Có như vậy, bạn mới đảm bảo cuộc sống của mình không phải rơi vào đường cùng.